Philippines bỏ chính sách giá trần, giá lúa gạo Việt vẫn… "bốc hơi"
Sau một thời gian ngắn áp dụng chính sách giá trần đối với giá bán gạo trong nước, Philippines đã quyết định dỡ bỏ quy định này. Tuy nhiên, động thái mới từ thị trường nhập khẩu gạo được xem là lớn nhất của Việt Nam vẫn chưa thể giúp ngưng lại đà sụt giảm của giá lúa gạo trong nước.
Giá lúa gạo Việt tiếp tục “bốc hơi” sau khi Philippines huỷ chính sách giá trần bán gạo. Ảnh: Trung Chánh |
Ngày 14-9, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) xác nhận, Philippines đã bãi bỏ chính sách giá trần bán gạo trong nước từ ngày 5-9, tức chưa đầy một tuần sau khi chính sách này có hiệu lực.
Ông Nguyễn Ngọc Nam lý giải việc áp giá trần đã dẫn đến tình trạng người dân thiếu gạo ăn, trong khi các doanh nghiệp Philippines đã ký hợp đồng nhập khẩu gạo với Việt Nam lại đề nghị huỷ đơn hàng, có nguy cơ phải bồi thường, dẫn đến phát sinh các khó khăn. Và có thể đây là nguyên nhân chính phủ nước này đã dỡ bỏ lệnh áp giá trần bán gạo.
Trước đó, tại lệnh hành pháp số 39 về áp đặt trần giá bắt buộc đối với gạo, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đã quyết định thiết lập mức trần giá gạo ở mức 41 peso/kg, tương đương khoảng 0,738 đô la Mỹ/kg hay 738 đô la Mỹ/tấn đối với gạo xay xát thường và 45 peso/kg, tương đương 0,81 đô la Mỹ/kg hay 810 đô la Mỹ/tấn đối với gạo xay xát tốt.
Tính toán của một doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam vào thời điểm lúc bấy giờ cho biết, mức giá mua tại kho của Việt Nam là khoảng 37 peso/kg, tức khoảng 666 đô la Mỹ/tấn. “Nếu cộng thêm chi phí vận chuyển, thuế nhập khẩu, thì về đến cảng Philippines là khoảng 50 peso/kg, tức khoảng 900 đô la Mỹ/tấn, trong khi giá trần là 41-45 peso/kg, tức khoảng 738-810 đô la Mỹ/tấn, thấp hơn giá nhập khẩu”, vị này dẫn chứng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông (ORICO) khi trao đổi với KTSG Online cho biết, mặt bằng giá xuất khẩu của Việt Nam tại thời điểm Philippines ban hành chính sách giá trần là trên dưới 700 đô la Mỹ/tấn, sau khi cộng thêm thuế nhập khẩu và cước vận chuyển, thì giá bán lẻ phải ở mức 55-60 peso/kg mới đảm bảo nhà nhập khẩu có lợi nhuận. “Tuy nhiên, Philippines áp giá trần 45 peso/kg khiến các nhà nhập khẩu gạo lỗ nên ảnh hưởng đến Việt Nam”, ông cho biết.
Tại hội nghị “Sơ kết sản xuất trồng trọt vụ hè thu, thu đông, mùa năm 2023, triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2023-2024 vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” diễn ra ở Cần Thơ vào hôm nay, 14-9, ông Việt Anh của ORICO cho biết, Philippines rất lúng túng trong chính sách gạo của họ. “Tuy nhiên, Philippines bắt buộc phải nhập lại tại vì nếu không họ sẽ bị lạm phát lương thực, giá lúa ở Philippines rất cao”, ông Việt Anh cho biết.
Tuy nhiên, sau động thái mới của Philippines, giá lúa gạo nội địa lẫn giá chào xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục… “bốc hơi”.
Theo đó, dữ liệu thống kê của VFA cho thấy, đến ngày 13-9, giá chào xuất khẩu gạo 5% và 25% tấm của Việt Nam tiếp tục giảm 15 đô la Mỹ/tấn so với ngày trước đó, chỉ còn 613-617 đô la Mỹ/tấn đối với gạo 5% tấm và 598-602 đô la Mỹ/tấn đối với 25% tấm.
Còn nếu so với ngày 31-8, tức thời điểm Philippines có thông báo áp giá trần bán gạo trong nước, thì giá chào xuất khẩu gạo của Việt Nam đã giảm đến 30 đô la Mỹ/tấn đối với gạo 5% và 25% tấm.
Trong khi đó, giá lúa và gạo nguyên liệu trong nước ở tuần từ ngày 31-8 đến 7-9 cũng đã “bốc hơi” khoảng 400-600 đồng/kg (tuỳ loại), theo VFA.
Theo ông Nam của VFA, giá lúa gạo Việt Nam “bốc hơi” do doanh nghiệp xuất khẩu chào bán giá quá cao, trong khi các nhà nhập khẩu “chưa muốn mua bằng mọi cách”, tức đang có sự gián đoạn trong thời gian ngắn, khiến giá giảm.
Tuy nhiên, ông Nam đưa ra dự báo, giá lúa gạo vẫn sẽ ở mức cao, bởi lẽ trong thời gian tới, các nước nhập khẩu vẫn chịu áp lực mất mùa do thời tiết bất lợi và tác động xung đột chính trị nên vẫn có nhu cầu.
Cụ thể, theo ông Nam, đối với Philippines, ngoại trừ 300.000 tấn đã nhập trong tháng 8 và 300.000 tấn trong tháng 9, sẽ nhập thêm 500.000 tấn từ tháng 11-2023 đến tháng 1-2024.
“Với Indonesia, dự kiến năm nay nhập khẩu 2 triệu tấn, cộng với 300.000 tấn của năm 2022 chuyển sang, tức họ nhập tới 2,3 triệu tấn”, ông Nam cho biết và thông tin, 8 tháng đầu năm nay, Indonesia đã nhập 1,6 triệu tấn, tức còn lại khoảng 700.000 tấn sẽ nhập từ đây cuối năm và gối đầu sang đầu năm 2024.
Trong khi đó, với các thị trường khác như Malaysia và Trung Quốc, vị chủ tịch VFA cho biết, họ vẫn có nhu cầu nhập, dù hiện Trung Quốc mua yếu do giá bán của Việt Nam cao. “Đối với Trung Quốc, họ nhập chủ yếu là gạo ST và nếp”, ông nói.
Trước đó, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong 8 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu được khoảng 5,8 triệu tấn gạo, với trị giá gần 3,15 tỉ đô la Mỹ, tăng 20,26% về lượng và 34,31% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
(Theo thesaigontimes.vn)