Tiền Giang: Đánh giá kết quả quản lý giống cây trồng
(ABO) Ngày 8-9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị “Đánh giá kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2020 - 2022, phương hướng nhiệm vụ 2023 - 2025”.
Hiện nay, nhu cầu hạt giống lúa cấp xác nhận phục vụ cho xuống giống khoảng 14.000 tấn, nhu cầu hạt giống F1 phục vụ cho sản xuất dao động từ 203 tấn hạt giống/năm.
Đặc biệt đối với ngành hàng cây ăn trái, với sự phát triển mạnh mẽ của các giống cây trồng mới và thị hiếu người tiêu dùng, nhu cầu nguồn cây giống phục vụ cho cải tạo vườn và trồng mới, ước tính khoảng 1,6 triệu cây giống/năm, tập trung chủ yếu các loại cây sầu riêng, mít, ổi, xoài, bưởi, chanh, mận, vú sữa và cây dừa.
Các đại biểu làm việc tại hội nghị. |
Do đó, để đảm bảo chất lượng nguồn giống cây trồng phục vụ cho sản xuất, trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện quản lý giống cây trồng trên địa bàn tỉnh với 15 lớp tuyên truyền cho 972 người, cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất buôn bán giống cây trồng trên địa bản tỉnh về các quy định pháp luật liên quan giống cây trồng.
Cùng với đó, Sở NN&PTNT đã tham mưu Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết 12 ngày 8-7-2022 về việc quy định nội dung hỗ trợ, mức chi hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất giống trong Chương trình Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2022 -2030 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Đồng thời, Sở đã thực hiện thanh tra đối với 34 cơ sở sản xuất, buôn bán giống cây trồng; thực hiện lấy 3 mẫu lúa giống phân tích, kiểm định chất lượng giống...
CAO THẮNG