Thứ Bảy, 30/09/2023, 17:35 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Hỗ trợ nông dân sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP

Thời gian qua, Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Tiền Giang tích cực phối hợp với ngành Nông nghiệp đánh giá chứng nhận sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP (TCVN 11892-1:2017) cho các hộ nông dân trên địa bàn huyện Châu Thành. Qua đó, nhiều nông sản chủ lực đã được nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ.

TỪ DỪA, BƯỞI

Từ năm 2018, gia đình ông Thệ đã mạnh dạn áp dụng quy trình canh tác VietGAP trên vườn bưởi da xanh.
Từ năm 2018, gia đình ông Thệ đã mạnh dạn áp dụng quy trình canh tác VietGAP trên vườn bưởi da xanh.

Những năm gần đây, cây dừa phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh, trong đó có huyện Châu Thành. Để phát triển cây dừa theo hướng bền vững, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Châu Thành chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hớn (xã Tân Hương, huyện Châu Thành) hiện trồng 3 ha dừa Mã Lai. Đến nay, vườn dừa của gia đình ông cho thu nhập ổn định; mỗi tháng trừ chi phí, thu lợi nhuận trên 25 triệu đồng.

Từ năm 2022 đến nay, sau khi tham gia các lớp tập huấn về sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ông Hớn đã mạnh dạn áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên 6 công dừa Mã Lai của gia đình. Ông Hớn cho biết, sản xuất theo quy trình VietGAP có lợi cho nông dân. Việc bón phân, phun thuốc được thực hiện theo định kỳ, tuân thủ quy trình của hợp tác xã (HTX) hướng dẫn, đầu ra ổn định, giá bán cao hơn so với sản xuất truyền thống.

Theo ông Nguyễn Hữu Thoại, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Tân Hương, HTX hiện tại đăng ký 3 ha với 7 thành viên sản xuất dừa theo tiêu chuẩn VietGAP. Tới đây, HTX sẽ vận động thành viên mở rộng diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP và xây dựng mã số vùng trồng để liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp. Điều này nhằm tạo ra sản phẩm tốt nhất để bán được giá cao hơn, mang lại lợi nhuận cao nhất cho thành viên.

Song song đó, trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP cũng đang được nhiều nông dân trên địa bàn huyện Châu Thành áp dụng. Là hộ đi tiên phong trong việc trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP, đến nay, gia đình ông Nguyễn Văn Thệ (xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành) đã có thu nhập ổn định từ 4 công bưởi.

Từ năm 2018, ông Thệ đã mạnh dạn áp dụng quy trình canh tác VietGAP trên diện tích bưởi da xanh của gia đình. Trong quá trình canh tác, ông ưu tiên sử dụng phân hữu cơ, hạn chế sử dụng phân vô cơ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là chế phẩm sinh học, các loại thuốc nằm trong danh mục cho phép của ngành Nông nghiệp. Ngoài ra, ông Thệ còn xây dựng nhà kho phân bón, nơi pha thuốc bảo vệ thực vật; ghi nhật ký phun thuốc. Từ đó, cây bưởi sinh trưởng tốt, cho năng suất ổn định.

ĐẾN RAU MÀU VietGAP

Bên cạnh cây ăn trái, huyện Châu Thành được biết đến là một trong những địa phương chuyên canh rau màu lớn nhất tỉnh. Trong đó, rau má là một trong những loại rau chủ lực của địa phương. Những năm gần đây, sản xuất rau má theo tiêu chuẩn VietGAP đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm người dân.

Một số HTX/THT đã đạt chứng nhận VietGAP trên địa bàn huyện Châu Thành: HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hữu Đạo (sầu riêng); HTX Xây dựng Nông nghiệp Châu Thành (dừa); THT Sản xuất cacao Mekong xen dừa (cacao, dừa); HTX Nông nghiệp Long Hưng Châu Thành (mít); HTX Nông nghiệp Bình Trưng (dừa); THT Lúa cánh đồng lớn ấp Bắc A, xã Điềm Hy (lúa); THT Rau diếp cá ấp Nam, xã Nhị Bình (rau diếp cá); HTX Nông nghiệp Tiền Giang (rau má); HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thạnh Phú (ngò gai, húng cây); HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Tân Hương (dừa); HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Hội Đông (lúa); HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tam Hiệp (rau răm, rau má); HTX Nông nghiệp cá cảnh miền Tây (bưởi da xanh); THT Sản xuất và tiêu thụ dừa trên địa bàn xã Tân Lý Tây (dừa); THT Sản xuất và tiêu thụ dừa ấp Tân Phú 2, Tân Lược 2, xã Tân Lý Đông (dừa).

Tại xã Tam Hiệp có trên 582 ha rau màu các loại; trong đó có trên 55 ha rau má trồng theo chuẩn VietGAP, với trên 296 hộ tham gia và tạo thu nhập ổn định. Hiện gia đình ông Nguyễn Văn Mười (ấp 2, xã Tam Hiệp) có hơn 1,4 ha rau má trồng theo chuẩn VietGAP. Theo ông Mười, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP không khó, nhưng phải tuân thủ các quy trình, ghi chép nhật ký.

HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tam Hiệp hiện có gần 300 hộ dân trồng rau má, rau răm, húng cây theo chuẩn VietGAP, với trên 55 ha. Mỗi năm, nhà vườn thu hoạch từ 8 - 10 vụ rau má; sau khi trừ chi phí, nông dân có lãi hơn 40 triệu đồng/ha. Song hiện HTX vẫn chưa tìm được đầu ra ổn định cho các loại rau sản xuất theo quy trình VietGAP.

Ông Phùng Bá Tuấn, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tam Hiệp cho biết, trước những khó khăn trong tiêu thụ sản phẩn VietGAP, HTX kiến nghị các cấp, các ngành hỗ trợ nông dân liên kết với các kênh tiêu thụ nông sản VietGAP để thành viên sản xuất có lãi và tiếp tục duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Châu Thành Lê Văn Đấu, địa phương xác định 2 loại cây trồng chủ lực trên địa bàn là cây ăn trái và rau màu. Hiện toàn huyện có 22 mô hình VietGAP/22 HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện gắn với cây trồng chủ lực của địa phương là cây ăn trái và rau màu. Đến nay, các mô hình này thực hiện đúng quy trình sản xuất, đảm bảo việc ghi chép nhật ký, an toàn thực phẩm.

Định hướng trong thời gian tới, Phòng NN&PTNT sẽ tiếp tục tham mưu UBND huyện tuyên truyền, vận động người dân đăng ký tham gia mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; chuyển giao khoa học - kỹ thuật để sản xuất nông sản an toàn. Địa phương định hướng các HTX sẽ liên kết với nhau để tạo ra vùng nguyên liệu có quy mô lớn đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần nâng cao giá trị nông sản, giải quyết việc làm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, huyện Châu Thành đã được chứng nhận nhiều diện tích sản xuất nông sản VietGAP. Để đạt được kết quả này, bên cạnh vai trò của ngành Nông nghiệp, sự hỗ trợ của ngành KH&CN cũng đóng vai trò rất quan trọng.

Theo đánh giá của Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học tỉnh Tiền Giang Võ Trung Hiếu, nhìn chung, đa số các mô hình VietGAP trên địa bàn huyện Châu Thành chủ yếu là thực hiện theo hình thức nhóm nông hộ liên kết thành HTX/tổ hợp tác (THT) cùng nhau sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Với hình thức nhóm nông hộ, bắt buộc tuân thủ quy định phải tương đương giữa các nông hộ và đáp ứng đúng yêu cầu của tiêu chuẩn VietGAP thì mới được Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học cấp Giấy chứng nhận.

Trong quá trình đánh giá chứng nhận, Trung tâm nhận thấy được sự quan tâm của chính quyền các cấp đến tình hình hoạt động của các HTX/THT, đặc biệt là Phòng NN&PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và lãnh đạo, cán bộ nông nghiệp các xã.

Bên cạnh đó, các HTX/THT đã thể hiện được tính chủ động, sự quyết tâm trong quá trình điều hành và áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Một trong những yếu tố quan trọng là sự chủ động, đoàn kết, đầu tư của các nông hộ để đảm bảo sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững. 

T. ĐẠT - N. AN

 

.
.
.