Thứ Hai, 11/09/2023, 16:37 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Kiến nghị Trung ương hỗ trợ vốn triển khai 3 dự án xử lý sạt lở khẩn cấp

(ABO) Ngày 11-9, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, tỉnh đã có tờ trình gửi Trung ương về việc rà soát, hoàn thiện danh mục dự án cấp bách phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Kinh 28 bị sạt lở nghiêm trọng.
Kinh 28 bị sạt lở nghiêm trọng.

Theo đó, nguồn vốn để triển khai thực hiện 3 dự án xử lý sạt lở khẩn cấp khoảng 490 tỷ đồng; trong đó, Tiền Giang kiến nghị Trung ương hỗ trợ 400 tỷ đồng.

Cụ thể, Tiền Giang kiến nghị Trung ương hỗ trợ nguồn vốn đầu tư để triển khai Dự án Xử lý các đoạn sạt lở cấp bách trên sông Cái Bè (kinh 28).

Hiện nay, kinh 28 qua địa phận huyện Cái Bè thường xuyên bị sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài sạt lở khoảng 3.760 m, ảnh hưởng nghiêm trọng tuyến đê bao kết hợp giao thông nông thôn liên xã của huyện Cái Bè.

Sạt lở gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản và nhà của 1.350 hộ dân đang sinh sống ven theo kinh 28 và 810 ha đất sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao.

Nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, kịp thời đảm bảo an toàn cho 3.813 hộ dân sinh sống trong khu vực phía trong đê bao và bảo vệ 810 ha đất sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, việc đầu tư xây kè xử lý các đoạn sạt lở trên kinh 28 là rất cần thiết và cấp bách.

Dự kiến, dự án có tổng chiều dài tuyến công trình 2.370 m. Giải pháp xử lý là kè dạng mặt bến, thân kè bằng hệ dầm sàn bê tông cốt thép trên nền cọc bê tông cốt thép và thảm đá chân kè.

Các tường cừ được liên kết với nhau bằng mũ bê tông cốt thép và thảm đá chân kè. Tổng mức đầu tư là 250 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách Trung ương 200 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 50 tỷ đồng).

Tiền Giang cũng kiến nghị Trung ương hỗ trợ nguồn vốn đầu tư để triển khai Dự án Xử lý sạt lở đê ven sông Tiền tại 3 xã Hòa Hưng - An Hữu - Tân Thanh, huyện Cái Bè (giai đoạn 3).

Đê biển Gò Công còn khoảng 7km cần được đầu tư kè giảm sóng.
Đê biển Gò Công còn khoảng 7 km cần được đầu tư kè giảm sóng.

Theo đó, hiện nay, sông Tiền chảy qua địa phận 3 xã Hòa Hưng - An Hữu - Tân Thanh thường xuyên gây sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài sạt lở khoảng 4.000 m, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản và nhà của các hộ dân đang sinh sống ven sông và đất sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao.

Vào ngày 5-8-2023, bờ sông Tiền khu vực Bến phà Mỹ Thuận cũ thuộc xã Hòa Hưng xảy ra sạt lở với chiều dài khoảng 300 m sụp hoàn toàn 6 căn nhà xuống sông và 4 căn nhà có nguy cơ tiếp tục bị sạt lở.

Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương di dời khẩn cấp các hộ dân sống xung quanh, gần điểm sạt lở và có khả năng xảy ra sạt lở đến nơi an toàn.

Do nguồn ngân sách của tỉnh còn hạn chế, không đảm bảo kinh phí kịp thời khắc phục, sửa chữa công trình, vì vậy, vào mùa mưa, lũ, triều cường trong năm 2023 và những năm tiếp theo, sạt lở sẽ tiếp tục lấn sâu vào bên trong gây ảnh hưởng đến khoảng 575 hộ dân sinh sống trong khu vực phía trong đê bao và ảnh hưởng 120 ha đất sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao.

Đặc biệt, tính mạng, tài sản và cuộc sống của người dân trong khu vực luôn bị ảnh hưởng, thường trực các mối nguy hiểm bất thường. Việc đầu tư xây kè xử lý sạt lở đê ven sông Tiền tại 3 xã Hòa Hưng - An Hữu - Tân Thanh là rất cần thiết và cấp bách.

Dự kiến, dự án có tổng chiều dài 700 m. Giải pháp xử lý là sử dụng kè dạng tường cừ đứng bê tông cốt thép dự ứng lực kết hợp sàn giảm tải, các tường cừ được liên kết với nhau bằng dầm mũ bê tông cốt thép và thảm đá chân kè.

Tổng mức đầu tư dự án 120 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách Trung ương 100 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 20 tỷ đồng).

Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang cũng kiến nghị Trung ương hỗ trợ nguồn vốn đầu tư để triển khai Dự án Xói lở bờ biển Gò Công (đoạn từ cầu Rạch Bùn đến Đèn Đỏ).

Hiện nay, tuyến đê biển Gò Công còn đoạn dài 7.000 m có một số vị trí đai rừng phòng hộ chỉ còn từ 4 - 40 m, đang tiếp tục bị xói lở và thu hẹp dần. Các vị trí còn lại đai rừng phòng hộ không còn nên sóng biển đánh thẳng vào mái đê.

Để đáp ứng yêu cầu trên và chủ động ứng phó với các ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu trong công tác phòng, chống sạt lở bờ biển, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và khoảng 600.000 hộ dân, bảo vệ cho 43.000 ha đất canh tác của huyện, thị xã ven biển, việc đầu tư xây dựng dự án là rất cần thiết và cấp bách.

Dự kiến dự án có tổng chiều dài tuyến công trình là 2.500 m. Giải pháp xử lý là sử dụng cấu kiện bê tông cốt thép đúc sẵn lắp đặt thành tuyến, đặt xa bờ từ 100 - 200 m; bố trí các mỏ hàn giảm sóng.

Tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách Trung ương 100 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 20 tỷ đồng).

Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Mẫn, trong 8 tháng năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 78 điểm sạt lở, chiều dài 12.755 m, với kinh phí 197 tỷ đồng.

UBND tỉnh đã cho chủ trương, có giải pháp, xác định hỗ trợ kinh phí cho các địa phương. Hiện các địa phương đang triển khai thực hiện.

TRỌNG ĐẠT

.
.
.