Tiền Giang: Nông dân trồng lúa lãi cao, thị trường trầm lắng
Hiện nay, nông dân trồng lúa ở các huyện phía tây của tỉnh Tiền Giang như: Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước và thị xã Cai Lậy thu hoạch rộ vụ lúa hè-thu chính vụ 2023. Đến thời điểm này, giá lúa hiện vẫn đang duy trì ở mức cao, nông dân thu lợi nhuận khá. Tuy nhiên, giới kinh doanh gạo cho rằng thị trường xuất khẩu gạo đang trầm lắng và diễn biến rất khó lường.
Thị trường xuất khẩu gạo đang khá trầm lắng. |
Giá lúa ở mức cao
Về vùng trọng điểm trồng lúa của tỉnh Tiền Giang trong những ngày này, nông dân tranh thủ trời nắng để thu hoạch dứt điểm vụ lúa hè thu chính vụ 2023 trước khi cho nước vào ngâm đồng ruộng.
Lúc chúng tôi có mặt, bà Phạm Thị Kim Hằng, ấp Mỹ Phú 2, xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè (Tiền Giang) cùng với thương lái loay hoay cân lúa vừa thu hoạch xong. Không giấu được niềm vui, bà Hằng cho biết, vụ hè thu chính vụ năm nay, 1,5ha đất của gia đình gieo sạ giống lúa OM 380, năng suất đạt khoảng 7 tấn/ha, bán với giá 7.700 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận trên 24 triệu đồng/ha.
Bà Phạm Thị Kim Hằng, ấp Mỹ Phú 2, xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè bán lúa cho thương lái. |
Trong những năm gần đây, giới thương lái thường đến thỏa thuận, đặt cọc tiền nông dân trồng lúa từ rất sớm. Theo bà Hằng, khi lúa vừa trổ bông, thương lái đã đến đặt cọc trước với giá 7.700 đồng/kg. Đến ngày thu hoạch, giá lúa trên thị trường đã nhảy lên 8.000 đồng/kg.
"Không hợp đồng trước, chúng tôi có xin tăng giá thêm 100-200 đồng/kg nhưng thương lái không đồng ý. Tuy vậy, với giá bán như hiện nay là quá cao cho nông dân”, bà Hằng chia sẻ.
Description: Nông dân huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình khẩn trương thu hoạch lúa hè thu. Thời điểm này, nông dân huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cũng tranh thủ thu hoạch vụ lúa hè thu chính vụ 2023. Bà Nguyễn Thị Mỹ, ấp Phú Tiểu, xã Phú Nhuận trồng 0,8ha lúa OM 18, năng suất đạt 6,8 tấn/ha, bán với giá 7.900 đồng/kg, lợi nhuận trên 20 triệu đồng/ha. Bà Mỹ cho biết: “Năng suất vụ lúa này tương đương với vụ lúa hè thu chính vụ năm trước. Nhưng, giá cao hơn gần 1.500 đồng/kg. Từ đó, lợi nhuận mà nông dân thu được cũng cao hơn 7-10 triệu đồng/ha”.
Khác với nhiều nông dân bán lúa tươi ngay tại ruộng, nông dân Lê Minh Luân, xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè (Tiền Giang) trồng 0,6ha lúa OM 5451 dự trữ lại để chờ thời điểm thích hợp mới bán. Ông Luân cho biết, hằng năm, trước Tết Nguyên đán, nguồn lúa không nhiều, giá bán thường ở mức cao. Vì vậy, gia đình dự trữ lại và sẽ bán ở những thời điểm này.
Thời điểm này, nông dân các huyện phía tây của tỉnh đang bước vào thời điểm thu hoạch rộ vụ lúa hè thu. Vụ lúa hè thu năm nay, đa số nông dân gieo sạ giống lúa chất lượng cao như: OM 18, Đài Thơm 8 và OM 5451...
Theo ghi nhận, những ngày qua, thương lái đến tận ruộng mua lúa của nông dân giá từ 7.700-8.200 đồng/kg (tùy theo giống). Với giá lúa hiện nay, sau khi trừ chi phí, nông dân thu lợi nhuận khá nên rất phấn khởi.
Phó Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang Võ Thị Kim Phương cho biết, trong vụ lúa hè thu 2023, tỉnh Tiền Giang xuống giống gần 45.500ha. Đến nay, lúa trong giai đoạn chín khoảng 11.500ha, thu hoạch gần 44.000ha, năng suất đạt 5,5 tấn/ha lúa khô, sản lượng trên 185.000 tấn. Trong đó, nông dân các huyện phía tây xuống giống trên 24.300ha (chín khoảng 11.500ha, thu hoạch gần 13.000ha), năng suất 5,5 tấn/ha lúa khô, sản lượng gần 70.400 tấn.
Thị trường gạo trầm lắng
Hiện, giá lúa tuy có giảm nhưng vẫn duy trì ở mức cao. Song, giá gạo sau khi lập đỉnh vào đầu tháng 9/2023 thì quay đầu giảm. Thị trường tiêu thụ gạo cũng bắt đầu chựng lại. Ông Nguyễn Minh Tâm, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mai Tư Hoảnh, huyện Cái Bè (Tiền Giang) cho biết, gạo nội địa thời điểm cao nhất có giá khoảng 15.000 đồng/kg (loại Thơm Lài), gạo cao sản (ST25) có giá từ 23.000-25.000 đồng/kg.
Lúc thị trường biến động, giá gạo nhảy vọt nên người dân tranh thủ mua vào dự trữ vì sợ tăng thêm. Sau thời điểm biến động, giá gạo nội địa hiện đã đi xuống. Sức tiêu thụ ổn định. Giá giảm so lúc đỉnh điểm khoảng 500 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện giá gạo nội địa so với thời điểm đầu năm vẫn cao hơn khoảng 3.000 đồng/kg. Riêng gạo nguyên liệu loại Thơm Lài, Đài Thơm 8 có giá khoảng 12.000-12.300 đồng/kg, gạo dẻo khoảng 12.000 đồng/kg.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn huyện Cái Bè (Tiền Giang) xuất khẩu theo dạng cầm chừng. |
Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo, thị trường xuất khẩu gạo sang một số nước hiện đang “đóng băng”, khiến việc tiêu thụ gạo không còn sôi động như trước. Nhận định của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, thị trường gạo trong thời gian tới sẽ còn biến động và có chiều hướng giảm.
Hiện, gạo 5% tấm có giá 14.000 đồng/kg, gạo 15% tấm 13.800 đồng/kg, gạo 25% tấm 13.200 đồng/kg. Lúc đỉnh điểm, giá gạo xuất khẩu sang Philippines khoảng 16.000 đồng/kg (gạo 5% tấm). Riêng giá gạo xuất khẩu sang thị trường châu Phi khoảng 16.200 đồng/kg.
Xuất khẩu gạo tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Việt Hưng, huyện Cái Bè. |
Những ngày qua, gạo trắng xuất sang Philippines đang bị tạm ngưng, do nước này đang vào mùa thu hoạch. Giá gạo xuất khẩu so với những ngày trước giảm khoảng 1.000 đồng/kg. Tuy nhiên, chưa có doanh nghiệp mua nên không thể định giá được chính xác. Các doanh nghiệp xuất khẩu không mua gạo do đang chờ, vì thị trường Philippines không xuất được.
Chủ một doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn huyện Cái Bè (Tiền Giang) cho biết, hiện, thị trường Indonesia, Malaisia đang thu mua hàng nhiều nên đa số các nhà xuất khẩu gạo đang cung ứng sang các nước này. Do thị trường Philippines đang “đóng băng” nên các doanh nghiệp phải “chuyển hướng” sang thị trường Indonesia, Malaisia để duy trì hoạt động, nuôi công nhân.
Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Việt Hưng Nguyễn Văn Đôn, huyện Cái Bè (Tiền Giang) cho biết, lúc đỉnh điểm, giá gạo biến động liên tục và tăng thẳng đứng.
Tuy nhiên, những ngày qua, giá gạo giảm nên doanh nghiệp phải chịu lỗ do đã ký hợp đồng trước đó với giá cao. Thời điểm này, doanh nghiệp có gạo nhiều thì bán nhiều, ít thì bán ít chứ không có nhận hợp đồng trước do rủi ro lớn.
Thời gian qua, thị trường Philippines áp giá trần gạo, áp thuế nhập khẩu gạo. Hiện, thị trường này đang gỡ bỏ thuế nhập khẩu gạo, nhưng các thương nhân nước này cũng chưa dám nhập khẩu gạo. Do đó, các doanh nghiệp cũng đang chờ, quan sát tình hình. Thị trường xuất khẩu gạo trong thời gian tới khó khả quan. Giá gạo sẽ bình ổn hoặc giảm nhẹ chứ không tăng.
Theo nhandan.vn