.

Để trái cây "tỷ đô" phát triển bền vững

Cập nhật: 10:17, 04/10/2023 (GMT+7)

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong những năm qua có những sự chuyến biến lớn về kim ngạch và chủng loại xuất khẩu. Nếu như những năm trước đây, thanh long được mệnh danh là loại trái cây xuất khẩu “tỷ đô” thì năm 2022 chỉ còn phân nửa và năm 2023 vẫn trong tình trạng khó khăn. Trong khi đó, sự trỗi dậy của trái sầu riêng trong việc tăng sản lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu minh chứng loại trái cây “tỷ đô” mới ra đời cho ngành rau quả nước ta.

Để duy trì và phát triển bền vững, sản xuất sầu riêng ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chắc chắn còn nhiều việc phải làm, kể cả việc giảm giá thành sản xuất, tiết kiệm nguồn tài nguyên cho tương lai, củng cố niềm tin vào chất lượng sản phẩm và cung cách phục vụ khách hàng…

SỰ DỊCH CHUYỂN

Kim ngạch xuất khẩu thanh long và sầu riêng trong các năm 2018 đến năm 2022 và 8 tháng năm 2023.
Sầu riêng đã vươn lên ngành hàng xuất khẩu "tỷ đô".

Những con số biết nói về kim ngạch xuất khẩu của thanh long và sầu riêng cho thấy nếu như năm 2019 kim ngạch xuất khẩu thanh long của Việt Nam đạt đỉnh với hơn 1,25 tỷ USD thì trong năm 2020 giảm nhẹ và chỉ đạt hơn 1,12 tỷ USD, năm 2021 tiếp tục giảm và chỉ đạt xấp xỉ 1 tỷ USD; năm 2022 đánh dấu sự giảm sút lớn nhất về kim ngạch xuất khẩu thanh long, chỉ đạt hơn 632 triệu USD, tức giảm một nửa so năm 2019; 8 tháng năm 2023 xuất khẩu thanh long cũng chỉ đạt hơn 449 triệu USD.

Ngược lại với trái thanh long, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam tại thời điểm năm 2020 chỉ đạt ở mức rất thấp, với 116 triệu USD, sau đó nhích lên một chút và đạt hơn 177 triệu USD, nhưng năm 2022 đã đạt gần 421 triệu USD, 8 tháng năm 2023 đánh dấu sự nhảy vọt trong xuất khẩu sầu riêng với hơn 1,28 tỷ USD, gấp 3 lần so với cả năm 2022 (xem biểu đồ).

Vấn đề đặt ra tại sao đối với trái thanh long đã từng là trái cây “tỷ đô” nhưng giảm sút rất nhanh về xuất khẩu trong thời gian ngắn như vậy, đâu là nguyên nhân và bài học cho trái sầu riêng. Giới chuyên gia nhận định nguyên nhân khiến cho xuất khẩu thanh long giảm đột biến và mất vị thế là trái cây “tỷ đô” bao gồm nhiều yếu tố, trong đó có công tác phát triển và đa dạng thị trường, giá thành sản xuất, đa dạng sản phẩm và công tác quản lý chất lượng sản phẩm.

Trong nhiều năm qua, có khoảng 70% - 80% sản lượng thanh long sản xuất hằng năm phục vụ xuất khẩu, chỉ có khoảng 20% - 30% cho tiêu dùng trong nước. Trong khi thị trường xuất khẩu hầu hết là sang Trung Quốc (khoảng 80%), phần còn lại xuất khẩu manh mún đi nhiều thị trường khác trên thế giới. Khi thị trường Trung Quốc thay đổi về cầu mặt hàng này làm ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng và kim ngạch xuất khẩu thanh long của Việt Nam.

Trái thanh long không còn là độc quyền tương đối của Việt Nam khi Trung Quốc và các nước khác trồng và tham gia xuất khẩu. Tại Trung Quốc, diện tích và sản lượng thanh long sản xuất trong nước tăng nhanh cũng là một trong những nguyên nhân giảm cầu nhập khẩu đối với trái thanh long của Việt Nam, cho dù nhu cầu tiêu dùng trong nước vẫn lớn, nhưng do giá thành sản xuất tại chỗ thấp hơn so với hàng nhập khẩu.

Trong khi chi phí sản xuất thanh long của Việt Nam có giá thành khá cao, nhất là trong sản xuất trái vụ, do phải tăng thêm chi phí như điện chiếu sáng kích thích ra hoa (xông đèn), giá vật tư phân bón tăng, công lao động tăng…

Ngoài ra, chi phí thu mua, đóng gói, vận chuyển trái thanh long từ các tỉnh ĐBSCL đến thị trường Trung Quốc cũng khá tốn kém khiến cho giá thành thương phẩm trái thanh long tại nước nhập khẩu tăng. Xuất khẩu thanh long của Việt Nam hầu hết dưới dạng trái tươi, thiếu đa dạng trong sản phẩm hàng hóa là nguyên nhân khiến trái thanh long khó ứng phó với việc cầu thị trường trái thanh long tươi giảm nhanh chóng.

Công tác phát triển thị trường mới, tuyên truyền về tác dụng của trái thanh long Việt Nam trên thị trường thế giới tuy có thực hiện nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của một ngành hàng lớn có dung lượng đạt đến mức tỷ USD. Tại thị trường nội địa, công tác tổ chức tiêu thụ và quảng bá thông tin về tác dụng của trái thanh long đối với sức khỏe chưa được chú trọng.

Trái thanh long từ Tiền Giang, Long An… đến các thị trường xa thường bị héo và nhanh xuống cấp do khâu bảo quản chưa chú trọng. Công tác đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ trái thanh long chưa phát triển, khi thanh long tươi “dội chợ” giá tuột dốc nhanh chóng vì không có những cơ sở thu mua chế biến với sản lượng lớn.

Chúng ta đã rất tự hào về cây thanh long, cây “tỷ đô” một thời nhưng rồi bị tụt giảm nhanh chóng về kim ngạch xuất khẩu, người trồng thanh long hiện gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ, không ít nhà vườn đốn bỏ cây thanh long.

NHỮNG VIỆC CẦN LÀM NGAY

Đối với trái sầu riêng, trải qua nhiều năm sầu riêng Việt Nam chủ yếu tiêu thụ nội địa, xuất khẩu qua đường tiểu ngạch gặp nhiều khó khăn, chịu sự cạnh tranh gay gắt của sầu riêng Thái Lan, từ tháng 9-2022 đến nay có sự đột biến tăng trong xuất khẩu sầu riêng nhờ vào việc Việt Nam mở cửa thành công và thâm nhập thị trường Trung Quốc từ việc Việt Nam chính thức ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc vào tháng 7-2022.

Kim ngạch xuất khẩu thanh long và sầu riêng trong các năm 2018 đến năm 2022 và 8 tháng năm 2023.
Kim ngạch xuất khẩu thanh long và sầu riêng trong các năm 2018 đến năm 2022 và 8 tháng năm 2023.

Nếu như trước đây, sầu riêng Thái Lan chiếm lĩnh đại bộ phận thị trường Trung Quốc do sầu riêng nước này đã được xuất khẩu chính ngạch thì trong 3 tháng cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, sầu riêng Việt Nam đã gia tăng lượng xuất khẩu vào thị trường này, góp phần vào việc đa dạng nguồn cung sầu riêng cho thị trường Trung Quốc, là thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới về sầu riêng.

Cây sầu riêng đang lên ngôi, giá sầu riêng khá cao, đã từng đạt 150 - 160 ngàn đồng/kg tại vườn. Trong các tháng đầu năm 2023, giá sầu riêng vẫn còn ở mức khá hấp dẫn, mang lại lợi nhuận tốt cho người trồng sầu riêng.

Tuy nhiên, tình trạng tranh mua, tranh bán sầu riêng đang xảy ra ở các địa phương. Vấn đề có tính thời sự hiện nay là khâu quản lý vùng trồng sầu riêng phục vụ xuất khẩu, việc gian lận mã số vùng trồng, không đáp ứng đầy đủ yêu cầu kiểm dịch thực vật… khiến cho xuất khẩu sầu riêng gặp khó khăn. Mới đây, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) cũng đã có thông báo cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin liên quan đến vi phạm yêu cầu về kiểm dịch thực vật của các lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Đây là điều cần chấn chỉnh để đảm bảo uy tín trái sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam.

Từ bài học của trái thanh long và thực trạng trong sản xuất và xuất khẩu sầu riêng hiện nay cho thấy, để trái sầu riêng được xuất khẩu thuận lợi và bền vững, ngoài khâu tổ chức sản xuất, thu mua, đóng gói, đa dạng sản phẩm với các hình thức chế biến khác nhau và cung ứng sầu riêng theo đúng quy trình và các quy định của nhà nhập khẩu, vấn đề nâng cao sức cạnh tranh về giá và chất lượng cũng như duy trì nguồn tài nguyên phục vụ sản xuất lâu dài cần được quan tâm từ sớm.

Tại khu vực các tỉnh ĐBSCL, để giảm giá thành sản xuất sầu riêng, nhà vườn cần chú ý khâu chọn đất trồng phù hợp, hạn chế đầu tư quá cao về chi phí làm mương liếp do chuyển đổi từ các ruộng lúa có tầng canh tác mỏng. Những vùng trồng không đảm bảo nước tưới, dễ bị xâm nhập mặn, không có đê ngăn lũ sẽ khó đạt năng suất cao và chất lượng trái sầu riêng đáp ứng yêu cầu thị trường nhưng chi phí đầu tư lớn (bao gồm chi phí lập vườn, chăm sóc kiến thiết cơ bản và ngay cả trong giai đoạn kinh doanh của vườn cây) chính là yếu tố đẩy giá thành sản xuất sầu riêng lên cao, rất khó cạnh tranh về giá và chất lượng, thậm chí bị thất bại với sầu riêng các vùng khác trong nước cũng như các nước xuất khẩu.

Ở ĐBSCL do ảnh hưởng của xâm nhập mặn và hạn hán vào mùa khô dẫn đến thiếu nước chất lượng tốt để tưới cho sầu riêng đã xảy ra, do vậy sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm là biện pháp hữu hiệu để không chỉ tiết kiệm chi phí sản xuất hiện tại, mà còn đảm bảo bền vững cho tương lai của ngành Nông nghiệp nói chung và của cây sầu riêng.

Bởi lẽ nguồn nước tưới có hạn, nếu sử dụng không tiết kiệm như hiện nay sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn nước cho cây trồng trong những năm sau này. Đối với những tiểu vùng trồng dễ bị xâm nhập mặn, nhà vườn có mương trữ nước ngọt hoặc các thiết bị khác để trữ nước vào mùa khô, tuy nhiên do lượng nước trữ trong các mương và thiết bị này có hạn do vậy cần áp dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm.

Trong khuôn khổ Dự án khuyến nông quốc gia “Xây dựng mô hình vườn mẫu cây ăn quả thích ứng với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL”, dự án đã triển khai các mô hình áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm (tưới phun mưa) trên cây sầu riêng tại các tỉnh Tiền Giang, Long An và Hậu Giang; kết quả cho thấy hệ thống tưới này tiết kiệm trên 50% lượng nước tưới so với cách nhà vườn tưới bằng vòi nước trực tiếp lên liếp với lượng nước sử dụng nhiều.

Hiện nay, hệ thống tưới nước tiết kiệm được không ít nhà vườn áp dụng, hy vọng biện pháp này sẽ lan tỏa đến nhiều vùng trồng sầu riêng ở ĐBSCL, vùng trồng có trên 33 ngàn ha, chiếm đến 30% diện tích trồng sầu riêng của cả nước.

TS. ĐOÀN HỮU TIẾN

.
.
.