Đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án
Dự án Đường phát triển Đồng Tháp Mười giai đoạn 1 (gọi tắt là Dự án) là một trong những tuyến đường trọng điểm mà tỉnh Tiền Giang đang tập trung đầu tư.
Tuyến đường phát triển Đồng Tháp Mười giai đoạn 1 sẽ kết nối từ nút giao Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành) đến vòng xoay thị trấn Mỹ Phước (huyện Tân Phước), tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương có Dự án đi qua. |
Dự án được triển khai với mục tiêu tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Tân Phước và những địa phương lân cận. Hiện chủ đầu tư cùng các địa phương đang tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh triển khai Dự án.
Theo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Tiền Giang, Dự án có tổng mức đầu tư 596 tỷ đồng; trong đó, kinh phí giải phóng mặt bằng hơn 272 tỷ đồng. Dự án có tổng chiều dài tuyến giải phóng mặt bằng là 12,396 km; tổng chiều dài tuyến thiết kế xây dựng hơn 7,511 km; chiều rộng mặt đường 7 m, chiều rộng nền đường 9 m; tải trọng thiết kế trục 10 tấn, kết cấu mặt đường láng nhựa. Trên tuyến xây dựng mới 6 cây cầu và 10 cống hộp ngang đường, tải trọng thiết kế HL93; đồng thời, lắp đặt hệ thống chiếu sáng tại các khu vực đông dân cư, nút giao và các vị trí nguy hiểm.
Dự án có điểm đầu kết nối trực tiếp với nút giao Thân Cửu Nghĩa thuộc Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (huyện Châu Thành) và điểm cuối đấu nối vào vòng xoay thị trấn Mỹ Phước (huyện Tân Phước). Tuyến đường này khi hình thành sẽ tạo thuận lợi cho các dự án lớn hình thành và phát triển như: Dự án Khu công nghiệp Tân Phước 1, Khu công nghiệp Tân Phước 2…
Tập trung thực hiện các dự án giao thông trọng điểm Theo đó, có 8 dự án chuyển tiếp, bao gồm: Đường Lộ Dây Thép (đường tỉnh 880B); nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 874; đường giao thông phục vụ phát triển công nghiệp phía Đông; đường tỉnh 873 từ cầu Bình Xuân đến Quốc lộ 50; nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 879B từ cầu Gò Cát đến ranh Long An; nâng cấp, mở rộng các đường tỉnh 861, 863, 869 (kết nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp); đường tỉnh 864 (Đường dọc sông Tiền) và đường phát triển vùng Đồng Tháp Mười (giai đoạn 1) và 4 dự án khởi công mới, bao gồm: Đường tỉnh 879C; cầu Tân Phong, huyện Cai Lậy; cầu Tân Thạnh, huyện Tân Phú Đông và cầu Thông Lưu trên đường tỉnh 863. Ước giá trị thực hiện đến nay đạt 646/691,293 tỷ đồng, đạt 93,45%; giá trị giải ngân đạt 645,502/691,293 tỷ đồng, đạt 93,38%. Bên cạnh đó, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Tiền Giang còn nhận ủy thác từ Sở Giao thông Vận tải Dự án Cầu Vàm Cái Thia, với kế hoạch vốn được giao năm 2023 là 43 tỷ đồng, hiện đã giải ngân 100%. |
Xác định vai trò chiến lược cũng như tầm quan trọng của tuyến đường này, thời gian qua, chủ đầu tư cùng các địa phương có Dự án đi qua đã tập trung thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Theo Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Tân Phước, tổng số hộ dân bị ảnh hưởng toàn tuyến bởi Dự án qua địa bàn huyện là 398 hộ; trong đó, có 76 hộ có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 40 hộ nhận khoán đất Trại giống (45 hợp đồng nhận khoán).
Về tình hình thực hiện khảo sát giá đất, đến nay đã thông qua Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện về đơn giá đất bồi thường và các vấn đề khó khăn, vướng mắc để lập khung chính sách bồi thường, hỗ trợ; đồng thời, đang hoàn chỉnh tờ trình để xin Hội đồng thẩm định các phương án bồi thường tỉnh giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc của huyện.
Cũng theo Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Tân Phước, trong thời gian tới, đơn vị sẽ hoàn chỉnh đơn giá bồi thường đất của Dự án do đơn vị tư vấn lập báo cáo thẩm định và khung chính sách bồi thường, hỗ trợ; đồng thời, tham mưu UBND huyện Tân Phước xin ý kiến Hội đồng thẩm định các phương án bồi thường tỉnh.
Còn theo Chủ tịch UBND huyện Tân Phước Trần Hoàng Phong, đến nay, địa phương đã hoàn thành công tác kê biên tài sản của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án. Huyện cũng đã họp Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện về đơn giá đất bồi thường. Huyện đã đăng ký với UBND tỉnh quyết tâm triển khai tuyến đường này trong năm 2023. Hiện địa phương đang tập trung đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để nhanh chóng triển khai đầu tư. Bởi huyện đánh giá đây là tuyến đường chiến lược và có ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Còn theo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh, tiến độ Dự án đến nay đã bàn giao hồ sơ đo đạc xã Tân Lập 1; thị trấn Mỹ Phước, xã Phước Lập; nông trường Tân Lập 1 còn lại 38 hồ sơ; hạng mục đo đạc bổ sung đất ở, phân đoạn hồ sơ cũng đã được bàn giao. Về công tác kiểm kê, xã Tân Lập 1 đã kiểm kê 109/111 hộ, thị trấn Mỹ Phước kiểm kê 64/65 hộ, xã Phước Lập đã kiểm kê 215/217 hộ.
Kết luận tại cuộc họp đánh giá tình hình, tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 gần đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng giao Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh, UBND huyện Tân Phước khẩn trương thực hiện hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng Dự án. |
Về công tác khảo sát, trình duyệt giá đất bồi thường, đơn vị tư vấn đã gửi cho huyện dự thảo giá đất bồi thường, đang thông qua Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Tân Phước. Về công tác tái định cư, huyện Châu Thành có 1 hộ đủ điều kiện tái định cư, huyện Tân Phước có 27 hộ đủ điều kiện tái định cư. Về việc thu hồi đất lúa, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tổng hợp, trình UBND tỉnh hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ thu hồi đất lúa trên 10 ha. Nhìn chung, Dự án đến nay đã phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán; tiếp tục thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Tuyến đường phát triển Đồng Tháp Mười giai đoạn 1 sẽ kết nối từ nút giao Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành) đến vòng xoay thị trấn Mỹ Phước (huyện Tân Phước), tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương có Dự án đi qua.
ANH THƯ - A.P