Thứ Tư, 25/10/2023, 15:34 (GMT+7)
.

Hiện tượng sầu riêng

(ABO) Thống kê mới nhất về xuất khẩu rau quả nói chung, sầu riêng nói riêng trong 9 tháng qua của năm 2023 mới thấy những con số giật mình. Theo đó, xuất khẩu rau quả cả nước đã mang về 4,2 tỷ USD, nhưng chỉ riêng sầu riêng đã chiếm 1,63 tỷ USD. Đây là giá trị xuất khẩu kỷ lục do cây sầu riêng mang lại, mức cao nhất trong lịch sử xuất khẩu loại trái cây này từ trước đến nay.

SỰ DỊCH CHUYỂN

Nhìn lại chặng đường xuất khẩu rau quả vừa qua mới thấy có sự dịch chuyển đáng kể trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu. Nếu như một thời gian dài vừa qua thanh long chiếm ngôi đầu bảng trong kim ngạch xuất khẩu, nay đã đổi chiều, được thay thế bằng sầu riêng. Con số dẫn chứng cho thấy sự hoán đổi giữa thanh long và sầu riêng một cách đột ngột.

Nghiên cứu nhiều năm về tình hình xuất khẩu rau quả của Việt Nam mới thấy sự dịch chuyển của các loại trái cây. Nếu như vào năm 2019 kim ngạch xuất khẩu thanh long của Việt Nam đạt đỉnh cao, với hơn 1,25 tỷ USD, đến năm 2022 chỉ đạt hơn 632 triệu USD, tức giảm một nửa so năm 2019.

Xuất khẩu sầu riêng tăng cao trong thời gian qua.
Xuất khẩu sầu riêng tăng cao trong thời gian qua.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam tại thời điểm năm 2020 chỉ đạt 116 triệu USD, nhưng sang năm 2022 đã đạt gần 421 triệu USD và 9 tháng đầu năm 2023 đánh dấu sự nhảy vọt trong xuất khẩu sầu riêng với khoảng 1,63 tỷ USD, tăng khoảng 14 lần so với cùng kỳ.

Tất nhiên, trong cơ cấu xuất khẩu sầu riêng của cả nước có sự góp mặt của Tiền Giang. Bởi đây là một trong những loại cây đặc sản, có diện tích trồng lớn, đang có xu hướng tăng nhanh trong thời gian vừa qua và mang lại hiệu quả tích cực cho người nông dân.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, tính đến cuối năm 2022, diện tích sầu riêng toàn tỉnh hiện trên 17.652 ha, trong đó trên 10.539 ha cho sản phẩm, năng suất trung bình

Đến nay, tỉnh Tiền Giang hiện có 72 vùng trồng, 66 cơ sở đóng gói sầu riêng được cấp mã số xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc với diện tích 2.600,50 ha, ước tính sản lượng hàng năm khoảng 65.012 tấn sầu riêng cung cấp cho thị trường tiêu thụ.

26,4 tấn/ha, sản lượng gần 300.000 tấn/năm.

Về mặt tiêu thụ, nhìn chung trong thời gian gần đây thị trường tiêu thụ trái cây thuận lợi, giá bán các loại trái cây nhìn chung tăng hơn so cùng kỳ từ 1.500 - 41.000 đồng/kg tùy loại nên nông dân thu được lợi nhuận cao, nhất là sầu riêng lợi nhuận thu được trên 1,4 tỷ đồng/ha, cao hơn 526 triệu đồng/ha so với cùng kỳ...

NHIỀU MỐI LO

Theo phân tích của các nhà chuyên môn, dù có nhiều dấu hiệu tích cực nhưng qua thực tế cũng cho thấy nhiều mối lo. Theo đó, sầu riêng Tiền Giang chủ yếu tiêu thụ sản phẩm dưới dạng trái tươi; trong đó, tiêu thụ ở 4 thị trường chính gồm: Xuất khẩu, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh phía Bắc và TP. Hồ Chí Minh.

Sản phẩm xuất khẩu chiếm 70% tổng sản lượng sầu riêng trên địa bàn; trong đó, thị trường chính là Trung Quốc (chiếm khoảng 80% tổng sản lượng xuất khẩu). trong khi đó, xuất khẩu sầu riêng chủ yếu bằng các hình thức tiểu ngạch (hiện chiếm 70% - 80% giá trị xuất khẩu), xuất khẩu chính ngạch còn hạn chế (hiện chỉ chiếm khoảng 20% - 30% giá trị xuất khẩu).

Cần thực hiện nhiều giải pháp để tận dụng cơ hội từ cây sầu riêng.
Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tận dụng cơ hội từ cây sầu riêng.

Nhìn ở khía cạnh khác, hình thức tiêu thụ sầu riêng được nông hộ lựa chọn là bán cho thương lái tại vườn theo hình thức “mua đứt bán đoạn” (khoảng 90%) theo từng đợt thu hoạch trên vườn sầu riêng thông qua việc thỏa thuận bằng miệng giữa chủ vườn và thương lái về giá cả theo giá thị trường và theo thời điểm.

Từ thực tế này nên tình hình tiêu thụ và giá cả sầu riêng thường không ổn định, phụ thuộc thị trường Trung Quốc và mùa vụ trong năm. Một số hợp tác xã đã có hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp nhưng hiệu quả chưa cao.

Trong khi đó, tại thị trường Đồng bằng sông Cửu Long, ngoài sầu riêng Bến Tre là đối thủ cạnh tranh truyền thống, sầu riêng Tiền Giang hiện đang chịu sự cạnh tranh của sầu riêng Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng, Đắk Lắk… Ngoài ra, tại thị trường xuất khẩu, đặc biệt tại Trung Quốc đang bị cạnh tranh bởi sầu riêng Thái Lan, Malaysia…

Chính vì thực tế hiện nay, để tận dụng và khai thác tốt lợi thế của cây sầu riêng, chắc chắn còn nhiều việc phải làm. Bên cạnh việc thực hiện cấp mã số vùng trồng và cơ sơ đóng gói sầu riêng theo yêu cầu của nước nhập khẩu, Sở Công thương tỉnh Tiền Giang cũng đã và đang tính toán thiết lập kênh liên lạc với các doanh nghiệp để trao đổi thông tin, tình hình xuất hàng tại các cửa khẩu, các văn bản cấp trên đến doanh nghiệp nhanh và hiệu quả; phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang tổ chức Lễ hội trái cây năm 2024; tạo điều kiện để trái sầu riêng thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu, đem lại lợi ích kinh tế, xã hội cho người trồng sầu riêng nói riêng và tỉnh Tiền Giang nói chung.

Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang tập trung thực hiện là tăng cường quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của người dân, nhất là chuyển đổi sang cây sầu riêng; tuyên truyền vận động các địa phương chỉ chuyển đổi sang trồng cây sầu riêng theo đúng quy hoạch tại Đề án “Phát triển cây sầu riêng tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”, Đề án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khu vực phía Bắc - Quốc lộ 1 tỉnh Tiền Giang” và Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của Ủy ban nhân dân tỉnh; tập trung thực hiện cấp và quản lý mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang theo kế hoạch trong giai đoạn 2023-2025...

TA

.
.
.