Thứ Tư, 25/10/2023, 12:00 (GMT+7)
.
HỘI BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG TỈNH TIỀN GIANG:

Góp phần làm lành mạnh thị trường

Nhiệm kỳ 2018 - 2023 là giai đoạn đầy khó khăn đối với Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) tỉnh Tiền Giang, do ảnh hưởng dịch Covid-19 bùng phát. Thế nhưng, nhờ sự tập trung chỉ đạo, khắc phục khó khăn của lãnh đạo Hội, mà Hội triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết nhiệm kỳ đề ra, đảm bảo công tác hòa giải, giải quyết khiếu nại của NTD.

ĐẠT VÀ VƯỢT CÁC CHỈ TIÊU NGHỊ QUYẾT ĐỀ RA

Bảo vệ NTD trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế là trách nhiệm của toàn xã hội. Việc bảo vệ quyền lợi NTD không chỉ mang lại lợi ích tiêu dùng, mà còn thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp, cá nhân, tạo động lực quan trọng cho nền kinh tế phát triển ổn định. Xác định được vai trò trên, những năm qua, Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh Tiền Giang đã trở thành tổ chức đáng tin cậy trong công tác bảo vệ quyền lợi chính đáng của NTD, bảo vệ uy tín của những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ chân chính trên địa bàn tỉnh, góp phần cùng với Nhà nước ngăn chặn và hạn chế những gian dối trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; góp phần tạo sự lành mạnh trong thương trường, thúc đẩy các hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển kinh tế - xã hội, đời sống người dân trong tỉnh.

Nhiệm kỳ qua, Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh Tiền Giang hoạt động trong bối cảnh có những thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen. Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 2018 - 2023 đề ra 5 chỉ tiêu, Hội đã phát huy vai trò của tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành chung sức đoàn kết, nỗ lực, tập trung lãnh đạo thực hiện; kết quả cả 5 chỉ tiêu đều được Hội triển khai thực hiện đạt theo Nghị quyết đề ra.

Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thành lập Câu lạc bộ “Nữ bảo vệ quyền lợi NTD” tỉnh Tiền Giang.
Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thành lập Câu lạc bộ “Nữ bảo vệ quyền lợi NTD” tỉnh Tiền Giang.

Để đạt kết quả trên, ngay sau Đại hội, các chỉ tiêu được cụ thể hóa bằng chương trình hành động. Hội kiện toàn bộ máy hoạt động của Hội từ cấp tỉnh đến cơ sở khóm, ấp; thành lập mới 11 tổ hòa giải, nâng đến nay toàn tỉnh có 162 tổ hòa giải đặt tại các chợ trong tỉnh, giải quyết nhanh các tranh chấp, khiếu nại phát sinh trong quá trình mua bán, giao dịch mà không làm mất thời gian và chi phí đi lại của NTD.

Cùng với đó, Hội đẩy mạnh công tác tập huấn tuyên truyền, nghiệp vụ chuyên môn cho các tổ hòa giải; thường xuyên tuyên truyền Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, định hướng tiêu dùng an toàn, lành mạnh, văn minh. Theo đó, Hội đã phát hành 59.000 tờ bướm tuyên truyền quyền và nghĩa vụ của NTD; trên 9.000 quyển tài liệu về Luật Bảo vệ quyền lợi NTD và nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành luật; cẩm nang an toàn thực phẩm…

Tùy theo từng thời điểm mà Hội tuyên truyền theo chuyên đề: Kiến thức pháp luật về tiêu dùng; Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; tuyên truyền lựa chọn tiêu dùng hàng hóa an toàn, tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả…  thu hút hàng ngàn lượt người tham gia.

Hội phối hợp với các sở, ngành tư vấn, hướng dẫn cho NTD phương pháp bảo vệ quyền lợi của mình khi bị xâm hại; tiến hành giải quyết một số vụ việc mua hàng thiếu định lượng, hàng bán không có tính năng như quảng cáo. Hằng năm, Hội tổ chức nhiều đợt giám sát việc quản lý và sử dụng cân đối chứng các chợ trên địa bàn; tích cực phối hợp cùng các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ qua, công tác hòa giải, giải quyết khiếu nại của NTD luôn được Hội đặt lên hàng đầu: Hội đã tiếp nhận 129 đơn thư khiếu nại của NTD; tổ chức hòa giải thành 126/129 trường hợp, đạt trên 97%. Các Hội địa phương cũng nỗ lực thực hiện tốt công tác hòa giải, giải quyết khiếu nại của NTD: Tiếp nhận và giải quyết 47/48 trường hợp. NTD khiếu nại phần lớn là sản phẩm hàng hóa không đúng chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, bảo hành hàng hóa không đúng theo phiếu bảo hành, hàng hóa có khuyết tật do lỗi kỹ thuật... và các chủ doanh nghiệp đã đổi hàng hóa mới, thu hồi hoặc trả lại tiền mua cho NTD trị giá hàng hóa 720 triệu đồng.

Chính sự hòa giải thành công đạt tỷ lệ cao đã tạo niềm tin để Hội thu hút thêm hội viên tham gia ngày càng nhiều. Trong 5 năm qua, Hội thu hút hội viên đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, với tỷ lệ 270%. Từ 2.160 hội viên ở đầu nhiệm kỳ, đến nay Hội tăng lên 2.405 hội viên. Mạng lưới Hội phủ khắp các huyện, thị trên địa bàn tỉnh cùng với 2 Câu lạc bộ Nữ bảo vệ quyền lợi NTD và Nông dân bảo vệ quyền lợi NTD, góp phần nâng cao vị thế của Hội, hạn chế những hệ lụy như buôn lậu, gian lận thương mại; sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng; hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh Tiền Giang Ngô Văn Tuấn cho biết, tổ chức Hội ngày càng hoàn chỉnh, công tác tuyên truyền luôn được quan tâm và chú trọng giúp cho nhận thức của NTD ngày càng được nâng lên. Công tác hòa giải, giải quyết khiếu nại được thực hiện tốt, giải quyết kịp thời, đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của NTD trong tỉnh.

ĐƯA PHÁP LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NTD VÀO ĐỜI SỐNG

Thời gian qua, hệ thống tổ chức Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh Tiền Giang được củng cố và ngày càng phát triển. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo Hội luôn kịp thời, sâu sát. Các Hội cấp huyện, thành phố, thị xã thực hiện đúng chức năng, phối hợp tốt trong việc thực hiện nhiệm vụ. Với những kết quả đạt được, Hội Bảo vệ quyền lợi NTD Tiền Giang đã được nhiều bộ, ngành Trung ương và địa phương tặng Bằng khen, Giấy khen.

Tuy nhiên, hoạt động Hội thời gian qua vẫn tồn tại không ít khó khăn, do việc tổ chức tuyên truyền luật, nghị định và các văn bản liên quan để bảo vệ quyền lợi NTD còn hạn chế; NTD còn chịu nhiều thiệt thòi khi mua sắm hàng hóa, dịch vụ. Mặt khác, đa số NTD có hiểu biết Luật Bảo vệ quyền lợi NTD nhưng việc chuyển đổi hành vi còn chậm.

Một số tiểu ban tuy có nhiều cố gắng, nhưng phương thức hoạt động còn đơn điệu; các Hội cơ sở hoạt động không đều, một số hiệu quả hoạt động còn thấp. NTD có tâm lý e ngại nên không mạnh dạn lên tiếng khiếu nại để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Công tác phối hợp vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận trong thương mại vẫn còn xảy ra, đặc biệt là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, xâm phạm quyền lợi NTD.

Trong thời gian tới, Hội xác định, tình hình hội nhập kinh tế - quốc tế sâu rộng, giao dịch mua bán thông qua thương mại điện tử phát triển nhanh; tình trạng hàng gian, hàng giả và gian lận thương mại trong sản xuất, kinh doanh, buôn bán ngày càng tinh vi và phức tạp chứa đựng nhiều nguy cơ xâm hại đến quyền lợi NTD, chính vì vậy Hội đã có nhiều định hướng cụ thể nhằm bảo vệ quyền lợi NTD cũng như những nhà sản xuất chân chính.

Theo Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh Tiền Giang Ngô Văn Tuấn, nhiệm vụ quan trọng trong nhiệm kỳ 2023 - 2028 của Hội là đưa Luật Bảo vệ quyền lợi NTD vào đời sống; nâng cao hơn nữa ý thức của NTD, hình thành thói quen mua sắm an toàn, lành mạnh.

Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp đối với NTD hướng tới một môi trường kinh doanh tiêu dùng an toàn, bền vững, văn minh. Trong 5 năm tới, Hội tập trung phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu, như: Củng cố, nâng chất hệ thống tổ chức Hội, tập trung đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngủ cán bộ Hội đáp ứng yêu cầu của thời đại.

Chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của NTD và cộng đồng doanh nghiệp bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú và phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt là tập trung triển khai hướng dẫn NTD về kỹ năng và phương thức tiêu dùng an toàn, hiệu quả, nhất là thương mại điện tử, giao dịch trực tuyến, các hình thức bán hàng hiện đại khác.

Song song đó, Hội tổ chức thực hiện tốt công tác hướng dẫn, giúp đỡ, tư vấn, hòa giải, giải quyết khiếu nại của NTD, xây dựng Hội trở thành chỗ dựa tin cậy để NTD an tâm khi mua sắm hàng hóa, dịch vụ. Hội cũng tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể trong việc thực hiện chức năng và nhiệm vụ của Hội, giúp cho hoạt động Hội đạt được hiệu quả cao nhất.

Cùng với đó, Hội tăng cường giám sát thị trường, thông tin với các cơ quan chức năng về các hành vi gian lận thương mại diễn ra trên thị trường, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến quyền lợi NTD; tăng cường công tác giám định, phản biện xã hội, chủ động tham mưu, đóng góp xây dựng các chính sách, pháp luật hướng tới vì lợi ích của NTD.

LÝ OANH

.
.
.