Huyện Gò Công Tây: 9 tháng năm 2023, kinh tế - xã hội có nhiều khởi sắc
Trong 9 tháng năm 2023, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Gò Công Tây đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) theo Nghị quyết đã đề ra. Với nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế, bức tranh KT-XH của huyện tiếp tục có nhiều khởi sắc.
NHỮNG ĐIỂM SÁNG
9 tháng năm 2023, UBND huyện Gò Công Tây tiếp tục triển khai thực hiện chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, Huyện ủy; tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH và kết quả hầu hết các lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng tốt. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người đạt 68,4 triệu đồng (kế hoạch là 67 - 70 triệu đồng), tăng 8,09% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách huyện là 115,7 tỷ đồng, đạt 101,51% dự toán năm, tăng 44,63% so với cùng kỳ; tổng chi ngân sách huyện là 379,78 tỷ đồng, đạt 89,7% dự toán năm, tăng 34,94% so cùng kỳ; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 2.200 tỷ đồng, đạt 73,14% kế hoạch, tăng 10,16% so với cùng kỳ.
Huyện phát triển mới 30 doanh nghiệp (bao gồm doanh nghiệp khởi nghiệp và chuyển từ hộ kinh doanh), đạt 142,86% so với Nghị quyết đề ra và đạt 115,38% so với chỉ tiêu tỉnh giao năm 2023, tăng 66,67% so với cùng kỳ (tăng 12 doanh nghiệp).
Bên cạnh đó, trong 9 tháng qua, ngành Nông nghiệp huyện đã thực hiện hoàn thành tốt và đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Theo đó, diện tích xuống giống 20.291,04 ha, đạt 129,24% kế hoạch, đạt 85,5% so với cùng kỳ.
Các loại rau màu thực phẩm, diện tích thực hiện 5.258,26 ha, đạt 99,21% kế hoạch, đạt 100,3% so với cùng kỳ. Về lĩnh vực chăn nuôi, huyện làm tốt công tác tiêm ngừa vắc xin phòng, chống dịch bệnh các loại trên gia súc, gia cầm, tiêu độc sát trùng chuồng trại chăn nuôi đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh. Theo thống kê, tổng đàn heo của huyện hiện nay 32.500 con, đạt 100% kế hoạch; đàn bò có 30.220 con, đạt 108,92% kế hoạch.
Ngành Nông nghiệp huyện cũng đã và đang thực hiện duy trì, thiết lập và giám sát mã số vùng trồng đối với cây trồng của huyện xuất sang thị trường Trung Quốc: 145 ha thanh long tại xã Đồng Sơn và 63,31 ha dưa dấu ở xã Bình Nhì; thực hiện hoàn tất hồ sơ cấp mã số vùng trồng nội địa cho 7/14 mã số gồm: Lúa chất lượng cao, dừa Xiêm.
Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Thanh Bình cho biết thêm, trong 9 tháng năm 2023, UBND huyện đã thẩm định và phê duyệt chi phí tư vấn 3 kế hoạch liên kết gồm: Liên kết tiêu thụ dừa xã Thạnh Nhựt, liên kết tiêu thụ thanh long xã Đồng Sơn, liên kết tiêu thụ dưa hấu Bình Nhì. Đến nay, toàn huyện đã thực hiện 10 dự án/kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với tổng số vốn hỗ trợ 5,749 tỷ đồng.
Đối với xây dựng kết cấu hạ tầng, tổng kế hoạch vốn 241,661 tỷ đồng, bố trí cho 90 công trình, trong đó: Vốn ngân sách tỉnh là 107,634 tỷ đồng, bố trí cho 15 công trình; vốn ngân sách huyện 134,027 tỷ đồng, bố trí cho 75 công trình. Đến ngày 13-9-2023, các công trình đã giải ngân 190,828 tỷ đồng, đạt 78,97% kế hoạch.
NỖ LỰC ĐẠT VÀ VƯỢT CÁC CHỈ TIÊU NĂM
Theo UBND huyện, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2023, huyện phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) năm 2023 đạt 5,72% (Nghị quyết 5,5% - 6%); thu nhập bình quân đầu người đạt 69,12 triệu đồng (Nghị quyết 67 - 70 triệu đồng); tổng thu ngân sách nhà nước đạt 130,264 tỷ đồng, đạt 114,27% kế hoạch (Nghị quyết là 114 tỷ đồng); tổng chi ngân sách nhà nước 480,047 tỷ đồng, đạt 113,38% kế hoạch (Nghị quyết là 423,401 tỷ đồng); tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội dự kiến đạt 3.008 tỷ đồng (Nghị quyết là 3.008 tỷ đồng). Huyện phát triển mới 38 doanh nghiệp, đạt 181% so kế hoạch và đạt 146,15% kế hoạch tỉnh giao (Nghị quyết là 21 doanh nghiệp).
Bức tranh KT-XH huyện tiếp tục ghi nhận nhiều khởi sắc với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. |
Để đạt được các chỉ tiêu này, tại Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị quý III mới đây, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đinh Tấn Hoàng đề nghị: 3 tháng cuối năm, UBND huyện tập trung tháo gỡ những khó khăn còn tồn tại. Đồng thời, tập trung thực hiện đạt các tiêu chí duy trì huyện nông thôn mới, xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; ra mắt xã nông thôn mới nâng cao Vĩnh Hựu.
Huyện tiếp tục xúc tiến, mời gọi đầu tư, nhất là các công trình, dự án trọng điểm như: Cụm công nghiệp Long Bình, Cụm công nghiệp Vĩnh Hựu, Nhà máy xử lý rác thải Bình Tân, tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Nhà máy chế biến nông sản Long Bình, Siêu thị huyện Gò Công Tây, Dự án Thương mại dịch vụ. Đồng thời, hoàn thành các công trình, dự án theo đúng kế hoạch được giao; thực hiện thẩm định, đấu thầu, giao thầu, nghiệm thu, giải ngân, quyết toán các công trình xây dựng cơ bản nhanh chóng, kịp thời, đúng theo quy định.
Đối với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), toàn huyện đã có 40 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP; trong đó, có 22 sản phẩm OCOP 4 sao, 18 sản phẩm OCOP 3 sao, 82% sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm và 18% nhóm đồ uống. Tính đến tháng 9-2023, trên địa bàn huyện có 11/13 xã, thị trấn có sản phẩm OCOP được công nhận. Trong đó có 15 chủ thể của 40 sản phẩm gồm: 7 doanh nghiệp và 8 cơ sở sản xuất. |
Huyện cũng tập trung quản lý, đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng phát triển thương mại, dịch vụ; tăng cường kiểm soát chất lượng và giá cả các mặt hàng, nhất là các hàng hóa thiết yếu, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Cùng với đó là tăng cường công tác quản lý các tuyến giao thông nông thôn, hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường thuỷ, trật tự xây dựng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là trên tuyến Quốc lộ 50.
Huyện tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên người, trên cây trồng, vật nuôi, chủ động ứng phó với các dịch bệnh mới có nguy cơ xảy ra; theo dõi tình hình sản xuất vụ đông - xuân. Ngành Nông nghiệp các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo mùa vụ, giới thiệu các mô hình sản xuất hay, phù hợp, hiệu quả cho nông dân; phát triển, nhân rộng các mô hình, kế hoạch, dự án về chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ; thiết lập mã vùng trồng các loại nông sản chủ lực tại các xã; đẩy mạnh xây dựng sản phẩm OCOP, chú trọng quan tâm việc liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm tạo thị trường đầu ra thông thoáng, thuận lợi cho các sản phẩm nông sản, tăng thu nhập cho nông dân...
KIM LAN - HOÀI THU