Thứ Ba, 31/10/2023, 19:53 (GMT+7)
.

Kiềm chế, không để tăng lương làm tăng giá

Chiều 31-10, Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và một số nội dung khác

a
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng

Giải trình ý kiến thảo luận tại tổ nội dung này, Bộ KH-ĐT cho biết có đại biểu Quốc hội đề nghị chú trọng kiểm soát lạm phát trong quá trình thực hiện cải cách tiền lương.

Chỉ ra các yếu tố tác động đến lạm phát năm 2024, Bộ KH-ĐT cho biết có yếu tố thuận lợi khi lạm phát quốc tế có dấu hiệu hạ nhiệt và dự báo chậm lại, qua đó hạn chế áp lực "lạm phát nhập khẩu” đối với chi phí sinh hoạt và sản xuất ở Việt Nam. Bên cạnh đó, người dân và doanh nghiệp có niềm tin vào sự kiên định của Chính phủ trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Trong khi đó, có rất nhiều yếu tố thách thức như áp lực lớn từ việc điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý (điện, giáo dục, y tế) sau gần 4 năm trì hoãn hoặc chưa thực hiện hết trong năm 2023, sẽ được tiếp tục điều chỉnh trong năm 2024.

Bộ KH-ĐT cũng nhận định giá lương thực, thực phẩm trong nước chịu áp lực tăng theo xu hướng giá thế giới trong bối cảnh rủi ro khủng hoảng lương thực toàn cầu. Trong khi đó, giá các mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu biến động khó lường và dự kiến trong năm 2024 tiếp tục tăng; kinh tế phục hồi và tăng trưởng có thể tạo sức ép lên lạm phát.

a
Giá lương thực, thực phẩm trong nước chịu áp lực tăng theo xu hướng giá thế giới, Bộ KH-ĐT lưu ý

Bên cạnh đó, còn một số thách thức đến từ rủi ro thiên tai, dịch bệnh, thời tiết bất lợi và việc chấm dứt một số chính sách hỗ trợ giá của Chính phủ sau năm 2023 (như giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu) khiến giá hàng hóa có thể tăng trở lại trong năm 2024.

“Việc kiểm soát lạm phát năm 2024 đan xen thuận lợi và khó khăn, đòi hỏi phải theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước; các chính sách kinh tế vĩ mô phải phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và phản ứng kịp thời trước diễn biến bất lợi làm gia tăng áp lực lạm phát”, báo cáo của Bộ KH-ĐT thông tin.

Đưa ra giải pháp kiểm soát lạm phát, Bộ KH-ĐT cho biết, sẽ chỉ đạo triển khai chính sách quản lý giá thận trọng, hợp lý và chủ động, bám sát diễn biến thị trường, thường xuyên đánh giá, dự báo để điều chỉnh phù hợp, góp phần đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.

Trong đó, chú trọng việc xây dựng, tính toán liều lượng và thời điểm điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý (điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục) phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát.

“Việc thông báo sớm lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng cũng cần được chú trọng để tránh bị động trong phối hợp chính sách”, theo Bộ KH-ĐT.

Một giải pháp khác được Bộ KH-ĐT đề cập, là đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và xung đột căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine khó lường, phức tạp.

Đặc biệt, Bộ KH-ĐT nhấn mạnh cần sẵn sàng các phương án can thiệp, bình ổn thị trường phù hợp, kịp thời khi có những cú sốc bất ngờ xảy ra.

Theo sggp.org.vn

 

.
.
.