Nhiều sự kiện hấp dẫn tại Festival tôm Cà Mau
Thành công từ Lễ hội cua năm 2022 là đòn bẩy và động lực để Cà Mau quyết định tổ chức Festival tôm vào cuối năm 2023 với hàng loạt chuỗi sự kiện về xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, du lịch cùng nhiều hoạt động văn hóa, giải trí... phục vụ khách thập phương.
Tôm sú sinh thái được nuôi dưới tán rừng ngập mặn huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau). |
Đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau cho biết, Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn OCOP đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 sẽ chính thức diễn ra tại thành phố Cà Mau từ ngày 13 đến 16-12.
Sự kiện này có quy mô cấp khu vực với chủ đề “Nâng tầm tôm Việt - Cùng phát triển sản phẩm OCOP”. Có 14 hoạt động chính tại Festival tôm Cà Mau, trong đó, điểm nhấn là chương trình khai mạc và bế mạc, trưng bày, triển lãm và một số hội nghị, hội thảo về phát triển ngành tôm…
Nhà nông huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) thu hoạch tôm sú nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến năng suất cao. |
Theo Ban tổ chức, Festival tôm Cà Mau sẽ khai mạc lúc 20 giờ ngày 13-12 tại Quảng trường trung tâm tỉnh Cà Mau với hình thức sân khấu hóa các chương trình văn nghệ mang đậm dấu ấn, đặc trưng của vùng đất, con người Cà Mau nói riêng, vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Trước lễ khai mạc, Cà Mau sẽ tổ chức diễu hành đường phố nhằm tôn vinh những sản vật tại địa phương.
Tại Festival tôm lần này, Cà Mau sẽ tổ chức trưng bày, triển lãm, thương mại ngành tôm và sản phẩm OCOP với 400 gian hàng công nghệ, sản phẩm chế biến tôm tại Quảng trường trung tâm tỉnh.
Cùng với đó là các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, như: Xúc tiến thương mại; sơ kết chương trình liên kết Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long năm 2023; xúc tiến du lịch; hội nghị “Kết nối giao thương sản phẩm OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long 2023”; Hội thảo “Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng tôm Cà Mau”; Hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững ngành tôm”...
Xuyên suốt trong khuôn khổ Festival tôm còn có Ngày hội “Ẩm thực thủy sản Cà Mau” kết hợp trình diễn tinh hoa ẩm thực Việt. Tại đây, các tổ chức, cá nhân, đầu bếp... kinh doanh lĩnh vực ẩm thực sẽ tham gia chế biến, trang trí hình ảnh liên quan đến tôm và các đối tượng thủy sản đặc hữu của vùng đất Cà Mau theo từng chủ để khác nhau.
Trong đêm bế mạc, Festival tôm Cà Mau lồng ghép hoạt động trao giải thưởng cho các cuộc thi và vinh danh các tổ chức, cá nhân đã góp phần cho ngành tôm của tỉnh như: Những người nuôi tôm giỏi, chế biến thủy sản, sáng chế các mô hình công nghệ trong nuôi tôm... phục vụ cho ngành tôm Cà Mau.
Trao bằng khen cho các tác phẩm độc đáo được trưng bày trong khuôn khổ Festival; trao các giải “Bình chọn sản phẩm tiêu biểu Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn OCOP đồng bằng sông Cửu Long 2023”; trao chứng nhận, kỷ niệm chương cho các nghệ nhân ẩm thực, gian hàng tham gia Festival…
Đến với Festival tôm Cà Mau lần này, bên cạnh hoạt động văn hoá, ẩm thực, khách thập phương còn có dịp trải nghiệm các tour du lịch cộng đồng văn hóa vùng sông nước Cà Mau gắn với các vùng sinh thái đặc trưng của tỉnh, như: Vườn quốc gia Mũi Cà Mau; Vườn quốc gia U Minh Hạ; Hòn Đá Bạc; các mô hình nuôi tôm, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, các làng nghề ven biển...
Qua sự kiện lần này, Cà Mau mong muốn quảng bá thương hiệu tôm Cà Mau, các sản phẩm OCOP của tỉnh đến du khách trong, ngoài nước; tạo điều kiện kết nối chuỗi doanh nghiệp ngành tôm nhằm chung tay thúc đẩy ngành tôm ngày càng phát triển.
Những năm gần đây, Cà Mau ổn định diện tích nuôi thủy sản khoảng 300.000 ha, trong đó có hơn 280.000ha nuôi tôm theo nhiều hình thức khác nhau. Đây cũng là vật nuôi thuỷ sản chủ lực của tỉnh với sản lượng khoảng 220.000 tấn mỗi năm.
Nhờ duy trì được sản lượng mà nhiều năm liên tục, kim ngạch xuất khẩu tôm Cà Mau cán mốc hơn 1 tỷ USD.
Theo nhandan.vn