Phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
(ABO) Ngày 20-10, Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang phối hợp Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia - Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh; Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị “Phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bán hàng đa cấp năm 2023”.
Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Tiền Giang Ngô Văn Tuấn thông tin công tác bảo vệ quyền người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. |
Hệ thống tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Tiền Giang ngày càng hoàn chỉnh từ tỉnh đến các huyện, tổ chức cơ sở trực thuộc Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh bao gồm: Văn phòng Tỉnh hội, Văn phòng Tư vấn tiêu dùng và Giải quyết khiếu nại và 5 tiểu ban; Câu lạc bộ Nữ tiêu dùng, Câu lạc bộ Nông dân tiêu dùng. Ngoài ra, để bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng, Hội đã tổ chức thành lập được 162 Tổ hòa giải đặt tại các chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh.
Công tác tư vấn tiêu dùng và giải quyết khiếu nại đã được Tỉnh hội và Hội các huyện, thành phố, thị xã đặc biệt quan tâm và thực hiện nghiêm chỉnh, giải quyết khách quan, tận tâm, tận lực nhằm giải quyết hài hòa lợi ích của các bên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng an tâm mua sắm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.
Từ năm 2018 đến nay Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh tiếp nhận 129 đơn thư khiếu nại của người tiêu dùng. Hội tổ chức hòa giải thành 126/129 trường hợp, đạt 97,7%. Người tiêu dùng khiếu nại phần lớn là sản phẩm hàng hóa không đúng chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, bảo hành hàng hóa không đúng theo phiếu bảo hành, hàng hóa có khuyết tật (lỗi kỹ thuật)...
Ngoài ra, Văn phòng Tư vấn tiêu dùng và Giải quyết khiếu nại, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các huyện, thành phố, thị xã tư vấn cho 172 trường hợp về an toàn thực phẩm, kim khí điện máy, đo lường, chất lượng hàng hóa... sau khi tư vấn người tiêu dùng đã tự thương lượng được với các tiểu thương và doanh nghiệp.
Đại biểu tham dự hội nghị. |
Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Tiền Giang Ngô Văn Tuấn cho biết, nhờ hệ thống tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tương đối hoàn chỉnh từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố là điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tỉnh Tiền Giang. Đồng thời, được sự hỗ trợ giúp đỡ của các cơ quan chức năng và phối hợp của ban, ngành, đoàn thể tỉnh, cơ sở, chính quyền các cấp nên hoạt động của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh đạt hiệu quả cao.
Song song đó, thông qua công tác tuyên truyền đã giúp cho người tiêu dùng biết được tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi của mình, đồng thời hiểu được quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc mua sắm hàng hóa để sử dụng góp phần nâng cao kiến thức tiêu dùng cho người dân tự bảo vệ mình tránh bị xâm hại.
Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang còn nhiều hạn chế, một số cán bộ hội chưa nhận thức sâu về nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; cán bộ hội ở cơ sở còn kiêm nhiệm, tổ chức hội còn hạn chế về nghiệp vụ và kỹ năng, điều kiện hoạt động còn thiếu, kinh phí hạn chế; nhận thức của người tiêu dùng đối với tổ chức hội còn chưa đầy đủ…
Tại hội nghị, chuyên viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã giới thiệu đến đại biểu những điểm mới của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023; nội dung Pháp luật quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tại Việt Nam và nhận diện hoạt động kinh doanh đa cấp bất hợp pháp… Qua đó, đã tuyên truyền, phổ biến những nội dung cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 và các chính sách pháp luật về bán hàng đa cấp, kịp thời triển khai, thông báo đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang về những quy định mới về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.
LÝ OANH