Thứ Năm, 26/10/2023, 07:31 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Người nuôi heo ngại tái đàn phục vụ tết

Do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi (DTHCP) cùng với giá cả bấp bênh nên người nuôi heo trên địa bàn tỉnh Tiền Giang e ngại trong việc tái đàn phục vụ tết.

Những ngày qua, giá heo hơi trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm. Chưa kể, DTHCP vẫn còn xảy ra khiến người chăn nuôi có tâm lý ngại tái đàn.

NGẠI TÁI ĐÀN

Ghi nhận tại “thủ phủ” nuôi heo ở xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, thời điểm này, người chăn nuôi đang bước vào vụ tết. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn (ấp Tân Ninh, xã Xuân Đông) cho biết, thời điểm này, giá thức ăn chăn nuôi đã giảm so với trước đây. Hiện giá thức ăn cho heo nằm ở mức khoảng 320.000 đồng/bao 25 kg. Với giá heo hơi hiện tại, nếu không bị dịch bệnh thì người nuôi heo sẽ có lãi. Tuy nhiên, thời điểm này, DTHCP xảy ra nhiều nơi nên người nuôi heo đang lo lắng.

“Tôi đang chuẩn bị chuồng trại, chờ vài ngày tới dịch bệnh lắng xuống mới dám thả nuôi lứa heo tết. Dự kiến bước đầu, lứa tết này, gia đình tôi thả nuôi khoảng 100 con heo thịt. Khi thả nuôi lại, tôi sẽ tiêm vắc xin DTHCP cho đàn heo. Bởi vừa qua, tôi tiêm ngừa vắc xin cho đàn heo thấy khả năng phòng bệnh rất hiệu quả” - ông Tuấn chia sẻ thêm.

Hiện gia đình ông Sĩ đã thả nuôi thêm 100 con heo để phục vụ thị trường tết.
Hiện gia đình ông Sĩ đã thả nuôi thêm 100 con heo để phục vụ thị trường tết.

Theo Chủ tịch UBND xã Xuân Đông Nguyễn Văn Mười, thời điểm này, đàn heo trên địa bàn xã giảm rất mạnh so với trước khi xảy ra DTHCP. Hiện tổng đàn heo của xã chỉ còn khoảng 10.000 con. Bởi khi DTHCP xảy ra, người dân tái đàn lại rất khó khăn. Một số hộ chuyển sang chăn nuôi gà, vịt. Thời điểm này đang bước vào giai đoạn tái đàn để phục vụ tết, ở những khu vực không có dịch bệnh xảy ra, người dân vẫn tái đàn. Riêng những hộ vừa xảy ra dịch bệnh thì ngại tái đàn.

Đồng chí Nguyễn Văn Mười cho biết thêm: “Hiện xã Xuân Đông có những trang trại lớn, phòng ngừa bệnh tốt nên vẫn tái đàn bình thường. Còn những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì có tâm lý ngại tái đàn, nhưng hiện số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn rất ít”.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, từ năm 2019 đến nay, DTHCP đã gây thiệt hại nặng về kinh tế, làm giảm đàn heo cả nước nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng. Là cửa ngõ của Đồng bằng sông Cửu Long, Tiền Giang luôn có nguy cơ tái bùng phát DTHCP bởi nhiều phương tiện vận chuyển heo, sản phẩm từ heo quá cảnh trên địa bàn. Quan trọng hơn, đàn heo của tỉnh chưa được tiêm phòng vắc xin, trong khi đó điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học chưa triệt để.

Thời điểm này, người nuôi heo trên địa bàn huyện Tân Phú Đông cũng đang bước vào vụ chăn nuôi tết. Ông Dương Tấn Sĩ (ấp Tân Lợi, xã Tân Thới, huyện Tân Phú Đông) cho biết, trang trại heo của gia đình luôn duy trì khoảng 300 - 400 con các loại. Riêng lứa heo tết năm nay, gia đình thả nuôi thêm khoảng 100 con heo thịt.

Theo ông Sĩ, hiện giá heo hơi trên địa bàn đang giảm, nằm mức khoảng 5 triệu đồng/tạ. Thời gian qua, tình hình DTHCP vẫn còn xảy ra nên tác động đến giá heo hơi. “Hiện đàn heo trên địa bàn huyện đã giảm nhiều so với trước khi DTHCP xảy ra. Nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã treo chuồng. Nhiều hộ cũng không dám tái đàn mạnh” - ông Sĩ cho biết thêm.

CHĂN NUÔI THEO HƯỚNG AN TOÀN SINH HỌC

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện Việt Nam đã chính thức có vắc xin DTHCP thương mại, được cấp Giấy chứng nhận lưu hành trên phạm vi cả nước. Đây là “cứu tinh” cho ngành chăn nuôi heo đang trên đà khôi phục sau thời gian trải qua hàng loạt những khó khăn, thử thách, nhất là biến động về giá vật tư đầu vào và giá sản phẩm đầu ra theo hướng tác động tiêu cực.

Giá thức ăn chăn nuôi giảm giúp người nuôi heo giảm bớt khó khăn.
Giá thức ăn chăn nuôi giảm giúp người nuôi heo giảm bớt khó khăn.

Ông Nguyễn Minh Thuần, Chủ tịch Hội Chăn nuôi tỉnh Tiền Giang cho biết: “Cốt lõi của ngành chăn nuôi vẫn là bệnh DTHCP vẫn còn rất nghiêm trọng. Sử dụng vắc xin thành công là sự mong mỏi của người chăn nuôi trong thời điểm hiện nay để chuẩn bị cho thị trường tết.

Đối với vắc xin của Navetco, trong giai đoạn thử nghiệm và giai đoạn giám sát chưa thấy có hiện tượng bất lợi. Mặc dù đã có quyết định lưu hành chính thức, nhưng người dân vẫn còn e dè chưa mạnh dạn trong sử dụng vắc xin. Hội Chăn nuôi tỉnh mong muốn người dân tìm hiểu, tiếp cận để áp dụng sản xuất đón đầu thị trường tết sắp tới”.

Thạc sĩ Quách Vô Ngôn, Phó Giám đốc Kinh doanh tiếp thị - Công ty Navetco cho biết, hiện nay, vắc xin Navet-ASF Vac đã được tiêm phòng cho heo trên diện rộng với 529 trang trại tại 29 tỉnh, thành phố cả nước. Vắc xin được tiêm phòng ở các trại nuôi có quy mô khác nhau từ 50 đến 2.000 con; trong đó, phổ biến là các trại nuôi theo kiểu chuồng hở, điều kiện vệ sinh và an toàn không nghiêm ngặt, thậm chí không áp dụng an toàn sinh học. Tuy nhiên, qua kiểm tra, việc tiêm ngừa tại các trang trại này vẫn cho kết quả vắc xin an toàn và đạt hiệu quả tốt. Tổng số liều tiêm trên 56.000 liều, trong đó có trên 50.000 liều được giám sát cho kết quả vắc xin an toàn trên heo được chỉ định tiêm phòng. Về khả năng đáp ứng kháng thể, sau khi tiêm 1 mũi, tỷ lệ đáp ứng kháng thể đạt trên 85%, sau mũi 2 tỷ lệ này đạt trên 97%. Bình quân chung, tỷ lệ đáp ứng kháng thể khoảng 95%. Về mặt lâm sàng, vắc xin có khả năng bảo hộ tốt đàn heo. Sau 28 ngày tiêm, không có heo ở bất kỳ trại nuôi nào phát ra DTHCP.

Thực tế cho thấy, để vắc xin DTHCP có thể trở thành “chiếc đũa thần” thì người chăn nuôi cần phải thực hiện triệt để chăn nuôi an toàn sinh học nhằm kiểm soát và phòng ngừa hiệu quả dịch bệnh.

Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang cho biết, diễn biến dịch bệnh trên động vật ngày càng phức tạp, tác động rất lớn đến chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi, làm phát sinh những biến động lớn của thị trường. Trong đó, DTHCP là mối lo ngại lớn nhất của người chăn nuôi.

Cũng theo Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, 3 yếu tố dẫn đến sự lây truyền DTHCP gồm: Nguồn lây nhiễm, đường lây truyền và động vật mẫn cảm. Hiện nay, các chiến lược phòng ngừa và kiểm soát DTHCP là tập trung vào nghiên cứu vắc xin, thuốc, heo kháng vi rút gây bệnh; tẩy rửa sát trùng hiệu quả và chăn nuôi heo an toàn sinh học.

“Qua phân tích cho thấy, để nâng cao công tác quản lý nhằm ngăn chặn sự rủi ro trong chăn nuôi bởi DTHCP, cần phải có vắc xin tốt và áp dụng triệt để chăn nuôi an toàn sinh học” - Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu cho biết thêm.

T. ĐẠT

.
.
.