Thứ Tư, 04/10/2023, 10:19 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Nỗ lực giải phóng mặt bằng Dự án Cầu Rạch Miễu 2

Thời gian qua, Tiền Giang đã nỗ lực khắc phục khó khăn, vướng mắc, khẩn trương thực hiện bằng mọi nguồn lực để sớm bàn giao mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án Cầu Rạch Miễu 2 (gọi tắt là Dự án).

NỖ LỰC GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG

Cầu Rạch Miễu 2 đã dần hình thành (ảnh flycam). Ảnh: TRUNG HẬU
Cầu Rạch Miễu 2 đã dần hình thành. Ảnh: TRUNG HẬU

Tiền Giang đang quyết tâm khắc phục những khó khăn, vướng mắc để hoàn thành việc bàn giao mặt bằng cho Dự án. Hiện các đơn vị cấp nước đã thực hiện việc di dời theo tiến độ bàn giao mặt bằng và của đơn vị thi công. Việc di dời trụ điện trung, hạ thế đã khởi công vào ngày 26-9-2023, dự kiến hoàn thành trong 90 ngày.

Về việc dời trụ điện 110 kV, ngày 30-8-2023, Sở Công thương có Công văn 2396 về việc thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở hạng mục Nâng cao độ võng đường dây 110 kV Cai Lậy - Mỹ Tho 2 đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường điều chỉnh lại hồ sơ cho phù hợp. Sở Tài nguyên và Môi trường đã điều chỉnh lại hồ sơ và chuyển Sở Công thương thẩm định hồ sơ thiết kế và dự toán di dời.

"Dự án có ý nghĩa rất quan trọng trong phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giao thông. Đây là một dự án Trung ương và các tỉnh ĐBSCL rất kỳ vọng nên Tiền Giang  mong muốn thực hiện nhanh và sớm. Những trường hợp còn lại chưa triển khai bồi thường, xử lý khó khăn, vướng mắc thì mong các tổ chức, cá nhân ủng hộ chủ trương này”.

PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH TIỀN GIANG PHẠM VĂN TRỌNG

Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất - Sở Tài nguyên và Môi trường Tiền Giang, việc bàn giao mặt bằng cho Dự án trên địa bàn TP. Mỹ Tho đã đạt 93,2%, số hộ đã đồng ý nhận tiền đạt 97,3%. Số hộ đồng ý nhận tiền nhưng chưa nhận được là 8/427 hộ do vướng thủ tục pháp lý...

Còn trên địa bàn huyện Châu Thành, có 487 hộ bị ảnh hưởng Dự án, Trung tâm Phát triển quỹ đất chỉ mới ứng chi tiền cho 17 hộ để di chuyển mộ; 40 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân dự kiến sẽ được tiếp tục chi trả vào ngày 5-10-2023 (thuộc nền đất yếu trên địa bàn xã Bình Đức). 428/487 hộ còn lại, do chưa có vốn cấp giải phóng mặt bằng, nên tỉnh Tiền Giang nên chưa thực hiện việc bàn giao mặt bằng.

Hằng tháng, UBND tỉnh Tiền Giang đều có các cuộc họp với Ban Chỉ đạo Dự án (tỉnh Tiền Giang) gồm các huyện, thành phố, xã và các đơn vị có liên quan để nắm tình hình nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ Tiểu dự án Giải phóng mặt bằng nói riêng và tiến độ Dự án nói chung.

ĐANG CHỜ KINH PHÍ

 Đồng chí Phạm Văn Trọng khảo sát giải phóng mặt bằng Dự án chiều ngày 2-10.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng khảo sát giải phóng mặt bằng Dự án Cầu Rạch Miễu vào chiều ngày 2-10.

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Nguyễn Văn Bảy cho biết, địa phương đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị có liên quan tiến hành kiểm kê đo đạc. Cho đến thời điểm này, địa phương đã hoàn thành các thủ tục, chỉ chờ cấp vốn, ra thông báo thu hồi đất và chi tiền cho người dân.

Người dân sống trong phạm vi di dời để thực hiện Dự án cũng rất đồng tình; mặc dù chưa nhận tiền nhưng một số hộ dân đã di dời nhà cửa vào trong cột mốc giải phóng mặt bằng. Địa phương mong muốn Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận sớm cấp kinh phí địa phương để chi trả cho các hộ dân, hoàn thành tiến độ đặt ra.

Tổng số kinh phí Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận phân bổ cho Sở Tài nguyên và Môi trường để thực hiện Tiểu dự án Giải phóng mặt bằng là 822,31 tỷ đồng; trong đó, có trên 773,092 tỷ đồng đã được phê duyệt, còn lại 49,217 tỷ đồng chưa được phê duyệt.

Trước vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng cho biết, vướng mắt lớn nhất của tỉnh Tiền Giang về giải phóng mặt bằng Dự án hiện nay là vốn cấp không đầy đủ, không kịp thời, tất cả phần vốn đã cấp hầu như đã sử dụng. Tỉnh đang chờ nguồn vốn từ Trung ương, nếu có vốn sẽ giải quyết ngay để hoàn thành việc bàn giao mặt bằng.

Có thể nói, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án nhưng nguồn vốn chưa về nên chưa có tiền chi trả cho giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, Tiền Giang đã sẵn sàng chuẩn bị các thủ tục pháp lý giải phóng mặt bằng của người dân; khi có tiền, duyệt phương án giá sẽ tiến hành chi trả.

“Bên cạnh đó, khó khăn thứ hai của tỉnh Tiền Giang là Khu tái định cư đã quy hoạch, tư vấn hồ sơ hoàn thành nhưng Ban Quản lý dự án chưa thống nhất. Vốn đầu tư Khu tái định cư nằm trong Dự án, không thể tách ra làm 1 dự án riêng. Địa phương cũng đã hoàn thiện các quy hoạch, các thủ tục tiếp theo rồi và hiện nay vẫn chờ vốn nên vẫn chưa triển khai được, ảnh hưởng  đến tiến độ Dự án” - đồng chí Phạm Văn Trọng cho biết thêm.

Đi khảo sát thực tế Dự án, đồng chí Phạm Văn Trọng cũng đã biểu dương các tổ chức, cá nhân đã tự nguyện đồng thuận bàn giao mặt bằng thực hiện Dự án; rất nhiều hộ dân đồng tình ủng hộ ngay từ đầu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy nhanh tiến độ thi công.

TUẤN LÂM

.
.
.