Trái bòn bon và trách nhiệm "gác cửa"
Iceland vừa gửi cảnh báo lên hệ thống thông báo của Liên minh châu Âu (EU) về một sản phẩm nhập từ Việt Nam vi phạm quy định an toàn thực phẩm. Đó là một lô hàng bòn bon được xuất khẩu từ một doanh nghiệp ở quận Tân Bình (TPHCM), có mức dư lượng chất carbaryl lên tới 15,4±50% mg/kg (EU chấp nhận chỉ 0,01mg/kg).
Một lô hàng chỉ 10kg bòn bon trị giá 32 USD, nhưng việc bị nước nhập khẩu đưa lên cảnh báo cho cả khu vực EU phần nào gây mất uy tín cho các nông sản Việt khác khi bước chân vào thị trường lớn này.
Đây không phải là lần đầu một lô hàng nông sản xuất khẩu của ta bị tuýt còi. Trước đây đã có các lô hàng: mướp đắng, bưởi, đùi ếch đông lạnh, các loại giáp xác xuất khẩu đến gạo thơm, mì ăn liền, các loại gia vị (hồ tiêu, ớt, quế, nghệ, gừng) và gần nhất là thanh long, sầu riêng… bị thông báo, cảnh báo nhiễm các hoạt chất có hại như thuốc trừ sâu, kim loại nặng vượt ngưỡng, độc tố nấm… Có chuyên gia còn thống kê, Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước, vùng lãnh thổ có số lượng nông sản, thực phẩm bị cảnh báo nhiều nhất. Câu hỏi đặt ra là cơ quan chức năng của chúng ta đã ở đâu, chịu trách nhiệm như thế nào khi tình trạng này cứ lặp đi lặp lại? Hiện nay, việc kiểm soát hàng hóa xuất khẩu có nhiều cơ quan tham gia nhưng vẫn để lọt lưới nhiều nông sản không đảm bảo, ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của quốc gia.
EU là thị trường có sức tiêu dùng rất lớn (nhất là nông thủy sản), sẵn sàng mua với giá cao, trong khi hàng hóa Việt Nam mới chiếm được 2% thị phần của khu vực này. Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại tự do với EU và Vương quốc Anh. Sau 3 năm thực thi Hiệp định EVFTA, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào EU lên tới 15%, cho thấy hiệu quả của hiệp định này. Các hiệp định đã tạo ra lợi thế cạnh tranh cho hàng loạt mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như hạt tiêu, hạt điều, rau quả, cà phê, trà, cao su… nhờ được hưởng ngay mức thuế suất ưu đãi.
Trong 17 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia đều có nội dung cam kết đảm bảo và tuân thủ quy định an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Đã là cam kết thì bắt buộc áp dụng và đã vi phạm thì bị xử lý. Không chỉ khu vực EU mà bất cứ thành viên nào tham gia WTO đều có xu hướng nâng cấp hệ thống tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng. Cho nên, dù chỉ một lượng nông sản nhỏ, thậm chí chỉ một túi hàng xách tay, chúng ta cũng cần triệt để tuân thủ tiêu chuẩn, quy định của nước nhập khẩu đặt ra.
Phải tăng cường trách nhiệm bảo vệ uy tín cho nông sản Việt, kiểm soát chặt từ khâu sản xuất, áp dụng các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP cho hàng xuất khẩu cho đến quy hoạch riêng vùng chuyên canh hàng xuất khẩu. Nếu tình trạng vi phạm tiếp tục xảy ra, các lô hàng nông sản xuất khẩu không chỉ sẽ bị trả về, tiêu hủy mà nông sản Việt nói chung có thể bị phạt “thẻ vàng”, “thẻ đỏ” - khi đó thiệt hại không thể đong đếm được.
Theo sggp.org.vn