Thứ Sáu, 27/10/2023, 09:18 (GMT+7)
.

TX. Cai Lậy: Hiệu quả từ việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ

Sau 5 năm TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang thực hiện việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ Nhà nước sang doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) quản lý, kinh doanh và khai thác chợ. Qua đó, đã phát huy tốt vai trò của chợ trong việc thúc đẩy giao thương hàng hóa và tăng thu ngân sách cho địa phương. Đồng thời, tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh chủ động khai thác mọi tiềm năng, lợi thế để đầu tư xây dựng chợ hoạt động theo hướng văn minh, hiện đại.

Phó Chủ tịch UBND TX. Cai Lậy  Đoàn Bảo Ngoan trao Giấy khen cho các tập thể thực hiện tốt công tác quản lý, kinh doanh chợ.                       Ảnh:  PHƯƠNG TUYỀN
Phó Chủ tịch UBND TX. Cai Lậy Đoàn Bảo Ngoan trao Giấy khen cho các tập thể thực hiện tốt công tác quản lý, kinh doanh chợ. Ảnh: PHƯƠNG TUYỀN

Trước khi chuyển đổi, trên địa bàn TX. Cai Lậy có 13 chợ, gồm: 1 chợ hạng I, 1 chợ hạng II và 11 chợ hạng III, với tổng diện tích gần 60.000 m2, giá trị đất gần 200 tỷ đồng, tổng tài sản ở các chợ khoảng 47 tỷ đồng, giá trị đầu tư xây dựng mới và sửa chữa hơn 20,5 tỷ đồng.

Việc quản lý chưa được quan tâm đúng mức nên nhiều mặt còn hạn chế và hiệu quả kinh tế chưa cao; chế độ trả tiền công cho người quản lý chợ rất thấp, không khích lệ người lao động gắn bó và có trách nhiệm với công việc. Đơn vị, cá nhân quản lý chợ tinh thần trách nhiệm không cao, đặc biệt trong công tác quản lý tài sản tại chợ, việc khai thác các nguồn thu, tiết kiệm các khoản chi, công tác phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm còn nhiều mặt hạn chế.

Xuất phát từ thực trạng trên, năm 2018, UBND TX. Cai Lậy xin chủ trương Ban Thường vụ Thị ủy, Sở Công thương và UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện thí điểm chuyển đổi mô hình doanh nghiệp, HTX kinh doanh, khai thác chợ nhằm tạo ra cơ chế quản lý mới và khắc phục những hạn chế trước đó.

UBND TX. Cai Lậy đã thực hiện thí điểm đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp, HTX tham gia quản lý 4 chợ gồm: 1 chợ hạng II (chợ Mỹ Phước Tây) và 3 chợ hạng III là chợ Tân Bình (phường 3), chợ Tam Long (phường 5) và chợ Long Khánh.

Năm 2020, UBND thị xã tiếp tục thực hiện chuyển đổi 5 chợ còn lại. Đến nay, TX. Cai Lậy đã thực hiện chuyển đổi được 9/13 chợ. Thời gian cho tư nhân đấu thầu khai thác chợ, mỗi chu kỳ là từ 3 đến 5 năm, tùy vào mỗi chợ.

Phương án tổ chức quản lý, kinh doanh, khai thác chợ thực hiện khá nghiêm túc, thể hiện qua việc sắp xếp, bố trí ngành hàng, quầy, sạp hợp lý, đảm bảo khoa học và mỹ quan; giảm rõ rệt hiện tượng tiểu thương mua bán, lấn chiếm lối đi.

Điểm nổi bật là nhờ sự phối hợp chặt chẽ, kiên quyết giữa UBND các xã, phường và doanh nghiệp, HTX đã cơ bản chấm dứt tình trạng hộ tiểu thương sử dụng các quầy kiot vừa để kinh doanh vừa để ăn ở, sinh hoạt ngay trong chợ mà trước nay chưa xử lý được.

Bên cạnh đó, việc giữ gìn vệ sinh môi trường được quan tâm thường xuyên hơn, đảm bảo chợ sạch sẽ, ngăn nắp; công tác trật tự trong chợ, trước chợ, xung quanh chợ có chuyển biến so với trước đây, khắc phục tình trạng lấn chiếm gây ùn tắc giao thông, nhất là vào thời gian cao điểm của lễ, tết.

Công tác phòng cháy, chữa cháy không ngừng được củng cố, nâng cấp đảm bảo an toàn trong chợ; vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng, phần lớn các chợ được đầu tư nâng cấp các sạp; việc kiểm tra chất lượng hàng hóa luôn đảm bảo.

Phó Chủ tịch UBND TX. Cai Lậy Đoàn Bảo Ngoan cho biết, từ khi giao quyền quản lý, kinh doanh và khai thác chợ cho HTX, doanh nghiệp, Nhà nước thu được ngân sách hằng năm mà không phải bỏ ra các chi phí quản lý chợ như trước đây.

Theo ước tính giá trước và sau khi giao thầu chuyển đổi 9 chợ, tăng ngân sách thị xã từ các chợ trên 1,6 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, chợ có chủ chợ là HTX hoặc doanh nghiệp nên công tác quản lý chợ thường xuyên được doanh nghiệp, HTX trực 24/24; hoạt động quản lý, kinh doanh, khai thác và bảo quản tài sản chợ tốt hơn.

Công tác bảo quản tài sản chợ được theo dõi chặt chẽ, thường xuyên; tất cả tài sản trong quá trình sử dụng nếu hư hỏng thì doanh nghiệp và HTX kịp thời sửa chữa, khắc phục.

Thời gian qua, có 6/9 chợ doanh nghiệp và HTX đã đầu tư gần 1 tỷ đồng vào việc sửa chữa thường xuyên ở chợ; sửa chữa, nâng cấp hệ thống phòng cháy, chữa cháy, hệ thống thoát nước, xây dựng đường dal quanh chợ, xây dựng, sửa chữa nhà vệ sinh, nơi giữ xe, dựng mái che cho bà con tiểu thương mua bán.

Điển hình là HTX Tiến Phát đã đầu tư, sửa chữa với kinh phí hơn 450 triệu đồng ở chợ Mỹ Phước Tây, chợ Mỹ Hạnh Trung và chợ Phường 3; doanh nghiệp Hữu Tài đầu tư 370 triệu đồng ở chợ Long Khánh, chợ Tam Long; HTX nông nghiệp Tân Phú đầu tư hơn 135 triệu đồng…

Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Phước Tây Nguyễn Văn Hết cho biết, sau 4 năm thực hiện chuyển đổi thí điểm mô hình quản lý, kinh doanh và khai thác chợ, đến nay, việc chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh và khai thác chợ về cơ bản được bà con tiểu thương hưởng ứng tham gia thực hiện; nền nếp, văn minh, văn hóa của tiểu thương tại chợ đã được thay đổi; cơ sở vật chất tại chợ cũng được đầu tư khang trang hơn trước.

Chợ Mỹ Phước Tây đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp, đảm bảo cho các hoạt động kinh doanh phục vụ nhu cầu trao đổi mua bán hàng hóa của nhân dân trên địa bàn xã. Công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn xã Mỹ Phước Tây bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần khai thác tốt cơ sở vật chất, ổn định nguồn thu ngân sách và đầu tư sửa chữa hạ tầng chợ; đồng thời góp phần tiết kiệm nguồn chi ngân sách ở khoản mục bảo dưỡng sửa chữa nhỏ.

Giám đốc HTX Tiến Phát Lê Duy Khánh cho biết, năm 2018, UBND thị xã tổ chức thí điểm mô hình doanh nghiệp HTX quản lý, kinh doanh, khai thác chợ. HTX đã  mạnh dạn tham gia đấu thầu để quản lý, kinh doanh và khai thác các chợ. Kết quả HTX trúng thầu và đang quản lý kinh doanh khai thác 3 chợ là chợ Mỹ Phước Tây, chợ Phường 3, chợ Mỹ Hạnh Trung.

HTX đã đầu tư bằng nguồn vốn của HTX để sửa chữa thường xuyên các tài sản trong chợ. Đặc biệt, thời gian qua thực hiện chỉ đạo của UBND xã, HTX đã dành kinh phí tháo dỡ các mái che, dù lấn chiếm, đảm bảo chợ thật sự mỹ quan, nhất là chợ Mỹ Phước Tây, chợ Mỹ Hạnh Trung.

Qua đánh giá sơ bộ các chợ, bước đầu quản lý cơ bản tốt, điển hình như các chợ: Mỹ Phước Tây, Tam Long, Mỹ Hạnh Trung, Tân Bình, Long Khánh, Tân Phú… Như vậy, với mô hình quản lý mới, tính chủ động sáng tạo, tinh thần trách nhiệm với công việc được nâng lên rất nhiều. Từng bước xây dựng các chợ trên địa bàn hoạt động theo hướng chợ đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, văn minh, hiện đại. Đã có 4/9 chợ được công nhận chợ đạt các tiêu chí chợ văn hoá.

HÀ NAM

.
.
.