Thứ Bảy, 25/11/2023, 20:57 (GMT+7)
.

2 điển hình làm kinh tế giỏi

 (ABO) Thời gian qua, phong trào hội viên nông dân, hội viên cựu chiến binh (CCB) thi đua sản xuất, làm kinh tế giỏi, chung tay xây dựng nông thôn mới được triển khai sâu rộng trên địa bàn huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Qua đó xuất hiện nhiều tấm gương cần cù trong lao động vươn lên làm giàu chính đáng, đóng góp tích cực vào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

ÔNG BÓT VÀ MÔ HÌNH TRỒNG BƯỞI DA XANH AN TOÀN SINH HỌC

Đến ấp Bình An, xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây hỏi thăm mô hình Trồng bưởi da xanh an toàn sinh học thích ứng biến đổi khí hậu gần như ai cũng biết đến ông Dương Văn Bót (sinh năm 1964, ngụ ấp Bình An).

Với 7 công đất vườn, ông Bót trồng bưởi da xanh theo hướng an toàn sinh học và đã mang lại kết quả phấn khởi. Vườn bưởi nhà ông Bót đến nay đã trên 8 năm tuổi. Ông Bót chia sẻ, trong quá trình trồng, ông kiên trì sản xuất theo hướng an toàn sinh học như hạn chế sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, hoàn toàn sử dụng phân bón vi sinh...

Ngoài ra, ông Bót còn sử dụng số lượng lớn phân dê, phân gà ủ với men vi sinh khoảng 6 tháng để bón cho cây. Trên thân cây bưởi, ông Bót sử dụng các bẫy đèn để dẫn dụ côn trùng đục trái, định kỳ sử dụng hệ thống nước giếng phun xịt mạnh để tẩy rửa gốc cây, thân cây hạn chế tối đa vi khuẩn, sâu đục thân gây hại. Vì thế, vườn bưởi của ông cho trái đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ông Bót cho biết, hiện nay toàn bộ sản lượng bưởi da xanh của vườn nhà ông được công ty ở tỉnh Bến Tre thu mua. Với giá trung bình hiện nay khoảng 20.000 đồng/kg (trái đạt trọng lượng từ 900 gram trở lên), trung bình mỗi năm ông Bót thu trên 5 tấn bưởi, mang về nguồn thu hàng trăm triệu đồng cho gia đình.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Bót cho biết, ngoài vườn bưởi da xanh 8 năm tuổi này, ông còn đầu tư thêm 3 công đất trồng bưởi da xanh để chuẩn bị thay thế cho những cây bị lão hóa.

Ông Bót chăm sóc vườn bưởi
Ông Bót chăm sóc vườn bưởi.

Theo UBND xã Vĩnh Hựu, vườn bưởi da xanh của hộ ông Dương Văn Bót làmô hình hiệu quả được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang chọn lựa xây dựng làm vườn bưởi kiểu mẫu thích ứng với biến đổi khí hậu của huyện Gò Công Tây. Đây còn là điểm tham quan học hỏi kinh nghiệm của Hội Nông dân các huyện và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Gò Công Tây.

 CCB ĐỖ HỮU HẠNH THU NHẬP KHÁ NHỜ TRỒNG KIỂNG CỔ

 Hội viên CCB Đỗ Hữu Hạnh (sinh năm 1959, ngụ ấp Thạnh Lạc Đông, xã Thạnh Nhựt) được biết đến là người tích cực làm kinh tế, nhiệt tình tham gia các phong trào hoạt động Hội, phong trào xây dựng nông thôn mới.

Ông Hạnh kể, năm 1977, ông tham gia nghĩa vụ quân sự tại chiến trường Campuchia, sau đó làm việc trong Quân đội tại huyện Gò Công Đông. Sau khi nghỉ hưu, ông tham gia hoạt động ở Chi hội Cựu Chiến binh ấp Thạnh Lạc Đông, xã Thạnh Nhựt.

Ông Hạnh cho biết, chăm sóc cây kiểng vốn là niềm đam mê từ lúc còn trẻ. Nhận thấy ưu thế của địa phương là cái nôi của kiểng cổ mai nu chiếu thủy, vì vậy ông bỏ vốn ra sưu tầm khắp nơi tìm về hơn 150 gốc mai nu chiếu thủy để chăm sóc, nuôi dưỡng, uốn tạo hình, tạo dáng. Từ năm 2010 đến nay, vườn mai nu của nhà ông lên đến trên dưới 200 gốc mai nu chiếu thủy thành hình, hơn 50 cặp mai nu chiếu thủy đã thành hình dáng mẫu tử, chỉ một thời gian ngắn nữa là có thể xuất bán.

Ông Hạnh chăm sóc vườn kiểng
Ông Hạnh chăm sóc kiểng.

"Hiện tại, giá trung bình 1 cặp mai nu chiếu thủy có kích cỡ trung bình khoảng 10 triệu đồng. Những cặp kiểng cổ mai nu chiếu thủy có kích cỡ lớn hơn, có bộ rễ đẹp, tán tròn có giá trị cao hơn. Thông thường tôi chủ yếu nuôi cây cho thành hình hoàn chỉnh đến khi nào được giá sẽ xuất bán hoặc trao đổi, chủ yếu để lấy lại vốn và có điều kiện để tiếp tục duy trì niềm đam mê sưu tầm, chế tác kiểng cổ của mình" - ông Hạnh chia sẻ.

 Ông Hạnh chia sẻ, tay nghề làm kiểng của ông xuất phát một phần từ năng khiếu có sẵn, phần còn lại do bạn bè, các nghệ nhân kiểng cổ trong Chi hội Kiểng cổ xã Thạnh Nhựt hướng dẫn.

Ông cho biết, ngày nào còn sức khỏe là ông còn gắn bó với sân vườn, cây kiểng, vừa thư giãn, vừa có thêm nguồn thu nhập.

Vườn kiểng nhà ông Hạnh là địa điểm tham quan thường xuyên của các chi hội CCB trên địa bàn huyện đến học hỏi kinh nghiệm. Ông Hạnh luôn hướng dẫn tận tình, truyền dạy kinh nghiệm cho những ai quan tâm, yêu thích nghề trồng kiểng cổ.

Đặc biệt, ông còn bầu ươm, nhân giống nhiều loại cây tặng người dân trong xóm ấp, trồng cây kiểng xung quanh nhà hay lề đường để tạo cảnh quan cho khu vực.

Ông Hạnh chia sẻ, từ khi địa phương xây dựng nông thôn mới, ông chủ động cùng người dân trong xóm ấp thường xuyên tổ chức thu gom rác thải, dọn dẹp vệ sinh, chặt tỉa cây xanh che khuất tầm nhìn trên các tuyến đường; vận động người dân cùng tham gia trồng các loại cây xanh, hoa để tạo mỹ quan cho các tuyến đường.

Ông Hạnh thường xuyên cắt tỉa, dọn vệ sinh, trồng hoa tạo diện mạo xanh-sạch-đẹp cho quê hương NTM
Ông Hạnh thường xuyên cắt tỉa, dọn vệ sinh, trồng hoa tạo môi trường xanh - sạch - đẹp.

QUẾ ANH - KIM LAN

.
.
.