Chủ Nhật, 19/11/2023, 06:20 (GMT+7)
.

2 điển hình trong xây dựng sản phẩm OCOP

(ABO) Thời gian qua, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được lãnh đạo huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang tập trung chỉ đạo thực hiện, trở thành phong trào sôi nổi trong các cơ sở sản xuất và nhân dân. Qua đó, xuất hiện nhiều gương điển hình xây dựng thành công sản phẩm OCOP, trong đó có anh Đặng Quốc Phú, chủ Cơ sở sản xuất Chả Huế Phú Gia và anh Trần Thanh Phương, chủ Cơ sở sản xuất Lạp xưởng Tý Ngọc.

CHẢ HUẾ ĐẠT CHUẨN OCOP

Anh Đặng Quốc Phú hiện là chủ Cơ sở sản xuất Chả Huế Phú Gia tọa lạc tại ấp Thạnh Lạc Đông, xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây. Với cái nôi văn hóa truyền thống Huế ăn sâu trong tiềm thức và kế thừa bí quyết gia truyền của gia đình đã thúc đẩy anh Phú thực hiện ý tưởng quảng bá thương hiệu chả Huế đến với người tiêu dùng trên mọi miền của cả nước.

Anh Đặng Quốc Phú
Anh Đặng Quốc Phú nhận chứng nhận sản phẩm chả Huế đạt OCOP.

Với bí quyết của gia đình cùng với quyết tâm tạo ra sản phẩm ngon, sạch, an toàn, chả Huế của cơ sở anh Phú vừa được công nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Đây là niềm vui, niềm vinh dự và tự hào khi sản phẩm của cơ sở sản xuất Chả Huế Phú Gia cũng như của địa phương được mở ra nhiều cơ hội đến với các chuỗi cửa hàng bách hóa, siêu thị và nhiều tỉnh, thành.

Nói về hành trình đi đến thành quả trên của sản phẩm chả Huế do anh Phú làm ra, anh cho biết, năm 2018, anh từ Huế vào miền Nam sinh sống và lập nghiệp tại ấp Thạnh Lạc Đông, xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây, đây cũng là quê hương của vợ anh là chị Nguyễn Thị Huyền Trang. Là người con gốc Huế, anh Phú nắm vững công thức làm chả Huế truyền thống của gia đình và mong muốn lan tỏa ẩm thực Huế đến người dân Tiền Giang cũng như vùng Nam bộ nên anh quyết tâm lập nghiệp, xây dựng thương hiệu cho món ăn chả Huế.

Chả Huế thương hiệu Phú Gia không dùng phụ gia, không hàn the, không hóa chất bảo quản. Để Chả Huế ngon phải chọn được thịt heo tươi, chủ yếu từ thịt nạc ít mỡ. Sau khi thịt heo được giã nhuyễn sẽ tẩm ướp với nước mắm cốt thơm ngon cùng hạt tiêu xay, sau đó gói bằng lá chuối và hấp chín. Chả Huế thường dùng để ăn kèm với xôi, bánh mì, bún bò Huế…  hương vị thơm ngon, hấp dẫn.

cơ sở sản xuất Chả Huế Phú Gia
Cơ sở sản xuất Chả Huế Phú Gia góp phần giải quyết lao động nhàn rỗi ở địa phương.

Anh Phú cho biết, trung bình mỗi ngày cơ sở anh sản xuất khoảng 50 kg chả gồm 2 loại chả Huế lá chuối xanh và chả lụa chén. Thị trường chính của cơ sở hiện nay là các nhà hàng, quán ăn khắp trong và ngoài tỉnh, thị trường TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Long An…

Theo anh Phú, cơ sở sản xuất luôn lấy tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm đặt lên hàng đầu, luôn chú trọng kiểm soát được chất lượng sản phẩm nguồn thịt phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thịt đạt tiêu chuẩn tươi ngon. Trong toàn bộ khâu chế biến từ quá trình nhập nguyên liệu đầu vào cho đến quá trình sản xuất và đóng gói sản phẩm đều trực tiếp giám sát, nghiệm thu đảm bảo chất lượng tốt nhất và an toàn đến người tiêu dùng. Được sự quan tâm hỗ trợ hướng dẫn đăng ký hồ sơ thủ tục của ngành Nông nghiệp huyện Gò Công Tây, vừa qua, Cơ sở sản xuất Chả Huế Phú Gia đã vinh dự đạt được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là cơ hội để cơ sở tiếp tục đầu tư, mở rộng thị trường trong thời gian tới...

LẠP XƯỞNG ĐẠT CHUẨN OCOP

Cũng như anh Đặng Quốc Phú, sản phẩm lạp xưởng của anh Trần Thanh Phương, chủ Cơ sở sản xuất Lạp xưởng Tý Ngọc (ấp Thuận Trị, xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây) cũng vừa vinh dự được Hội đồng Thẩm định tỉnh Tiền Giang thẩm định, kiểm tra, đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP, đây là cơ hội để người tiêu dùng tin dùng sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm lạp xưởng của cơ sở Tý Ngọc nói riêng và sản phẩm đặc thù của địa phương nói chung.

Cơ sở sản xuất Lạp xưởng Tý Ngọc được thành lập năm 2017, chuyên sản xuất, kinh doanh lạp xưởng tươi từ thịt heo nạc và mỡ heo với các gia vị ướp, với quy mô nhỏ hộ gia đình, chuyên phân phối sản phẩm cho thị trường trong tỉnh Tiền Giang.

anh Trần Thanh Phương nhận chứng nhận sản phẩm OCOP
Anh Trần Thanh Phương nhận chứng nhận sản phẩm lạp xưởng đạt  OCOP.

Anh Phương chia sẻ, với nguyên liệu có sẵn ở địa phương, nên anh chủ động được chất lượng, sản lượng và giá thành hợp lý, đảm bảo các tiêu chuẩn quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm và đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cơ sở không ngừng cải tiến trong quá trình sản xuất từ thủ công sang bán tự động, nâng cao sản lượng đáp ứng nhu cầu thưởng thức món ngon ngày càng cao của khách hàng.

Hiện thị trường chính của cơ sở một phần bán lẻ tại cơ sở để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng địa phương. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là cung cấp sỉ cho khách hàng ở TX. Gò Công và mở rộng sang các tỉnh lân cận. Hiện nay, Cơ sở sản xuất Lạp xưởng Tý Ngọc đang tiến hành hoàn thiện quản lý sản phẩm bằng mã số mã vạch; từng bước ký hợp đồng bán sản phẩm trong các chuỗi cửa hàng lớn như Bách Hóa Xanh; tham gia các hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại… tạo thêm các kênh bán hàng online qua website, các sàn thương mại điện tử như Shopee, Sendo…

Anh Phương cho biết, được sự quan tâm hỗ trợ của ngành Nông nghiệp huyện Gò Công Tây và chính quyền xã Bình Tân nên sản phẩm của cơ sở đạt OCOP, đây là cơ hội quảng bá sản phẩm đến thị trường lớn hơn. Phương hướng, kế hoạch trong thời gian tới, cơ sở dự định tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn có được và hỗ trợ đầu tư thêm máy móc, thiết bị, tạo lập trang web giới thiệu sản phẩm để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.

"Kinh tế ngày càng phát triển, cuộc sống người dân ngày càng cao thì nhu cầu thưởng thức món ngon càng nhiều, càng lan rộng đây là cơ hội để cơ sở tiêu thụ lạp xưởng tươi càng lớn. Mục tiêu và kế hoạch dài hạn trong năm 2024 - 2025, cụ thể năm 2024 cơ sở sản xuất dự kiến số lượng khoảng 7.500 kg lạp xưởng, ước doanh thu 1,2 tỷ đồng và năm 2025 là 10.000 kg lạp xưởng, doanh thu 1,6 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2025, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng cao ISO nhằm cung cấp ra thị trường những sản phẩm đạt quy chuẩn chất lượng toàn cầu, đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu", anh Phương cho biết thêm,

Lạp xưởng đạt chuẩn OCOP
Lạp xưởng đạt chuẩn OCOP của Cơ sở sản xuất Lạp xưởng Tý Ngọc.

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê, sản phẩm Chả Huế của cơ sở Phú Gia và lạp xưởng của cơ sở Tý Ngọc đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn sản xuất và vừa qua được tỉnh Tiền Giang công nhận đạt OCOP. Đây là điều kiện thuận lợi để các cơ sở quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, nâng cao tính cạnh tranh trong thời gian tới.

Lãnh đạo huyện tham quan các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP
Lãnh đạo huyện Gò Công Tây tham quan các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.

Thực hiện Chương trình OCOP, từ đầu năm đến nay, huyện Gò Công Tây có thêm 9 sản phẩm của 6 chủ thể trên địa bàn huyện đạt chuẩn OCOP 3 sao; lũy kế đến nay toàn huyện có 40 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP; trong đó, có 18 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao và 22 sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao.

Theo đồng chí Lê Văn Nê, việc đăng ký và thẩm định công nhận đạt chứng nhận sản phẩm OCOP là cơ hội để các sản phẩm đặc thù của địa phương được khẳng định thương hiệu, nâng cao giá trị kinh tế; đồng thời, tiếp tục tạo động lực để các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh nâng cao trách nhiệm, năng lực sản xuất, đưa thêm nhiều sản phẩm uy tín phục vụ thị trường.

Qua khảo sát chung, các sản phẩm đạt chuẩn OCOP đều được người tiêu dùng tin tưởng, thị trường ngày càng được mở rộng, doanh số bán hàng tăng từ 20% - 30%. Theo UBND huyện Gò Công Tây, huyện sẽ tiếp tục có nhiều giải pháp hỗ trợ các cơ sở tham gia những hoạt động xúc tiến thương mại để sản phẩm được nhiều người biết đến, góp phần tiêu thụ thuận lợi hơn, đưa sản phẩm OCOP Gò Công Tây ngày càng vươn xa- đồng chí Lê Văn Nê cho biết thêm.

                                                                             HOÀI THU - KIM LAN

.
.
.