Thứ Hai, 27/11/2023, 13:22 (GMT+7)
.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Đường tỉnh 864

Dự án Đường tỉnh 864 (đường dọc sông Tiền - gọi tắt là Dự án) là một trong những công trình trọng điểm có ý nghĩa chiến lược đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang. Hiện Dự án đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ.

TRIỂN KHAI ĐỒNG LOẠT 4 GÓI THẦU

Thực hiện các khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, Tiền Giang đã tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông bằng việc triển khai nhiều dự án mang tính động lực.

Chợ Gạo và đường dẫn vào cầu được đảm bảo tiến độ.
Chợ Gạo và đường dẫn vào cầu được đảm bảo tiến độ.

Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 111,419 km, điểm đầu giao với Quốc lộ 30 và điểm cuối tại ngã tư Tân Thành - đường tỉnh 862. Tổng mức đầu tư của Dự án là 3.263 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 1 là 2.000 tỷ đồng (từ năm 2022 - 2025), giai đoạn 2 là 1.263 tỷ đồng (từ năm 2026 về sau).

Giai đoạn 1 của Dự án sẽ đầu tư đoạn từ phường 9, TP. Mỹ Tho đến xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông với tổng chiều dài khoảng 34,29 km; chiều rộng mặt đường 7 m, chiều rộng nền đường 12 m. Trên tuyến sẽ xây dựng mới 7 cầu, bao gồm: Chợ Gạo, Xuân Hòa, Vàm Giồng, Long Bình, Phước Trung, Long Uông, Vàm Kênh với khổ cầu 12 m, tải trọng HL-93.

Theo Ban Quản lý dự án, tổng kinh phí GPMB Dự án dự kiến khoảng 930,03 tỷ đồng; hiện nay, đã duyệt 814,38 tỷ đồng, đã chuyển địa phương 751,15 tỷ đồng, đã chi 680,16 tỷ đồng.

Cụ thể, TP. Mỹ Tho, tổng chi phí dự kiến đền bù 183 tỷ đồng, đã duyệt 180,86 tỷ đồng, đã chuyển địa phương 139,77 tỷ đồng, đã chi 111,17 tỷ đồng, chưa chi 63,89 tỷ đồng/24 hộ.

Đối với huyện Chợ Gạo, tổng chi phí đền bù dự kiến 333,4 tỷ đồng, đã duyệt 310,47 tỷ đồng, đã chuyển địa phương 310,38 tỷ đồng, đã chi 281,82 tỷ đồng, chưa chi 14 hộ/6,35 tỷ đồng.

Đối với huyện Gò Công Tây, tổng kinh phí đền bù dự kiến 146,45 tỷ đồng, đã duyệt 146,45 tỷ đồng, đã chuyển địa phương 138,11 tỷ đồng, đã chi 135,27 tỷ đồng, chưa chi 1,97 tỷ đồng/12 hộ.

Còn đối với huyện Gò Công Đông, tổng kinh phí đền bù dự kiến 200,47 tỷ đồng, đã duyệt 176,47 tỷ đồng, đã chuyển địa phương 162,89 tỷ đồng, đã chi 147,12 tỷ đồng. Về việc thu hồi đất lúa, Sở Tài nguyên và Môi trường đang bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu của Tổng cục Đất đai.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Ban Quản lý dự án), từ việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), đến nay, Dự án đã triển khai xây dựng 4 gói thầu gồm: Thi công cầu Vàm Giồng và đường vào cầu; thi công cầu Chợ Gạo và đường vào cầu; đoạn tuyến từ cầu Chợ Gạo đến đường tỉnh 877B; đoạn tuyến từ Quốc lộ 50 đến cầu Chợ Gạo. Các gói thầu này có tổng giá trị 639,011 tỷ đồng, khối lượng thực hiện đến nay được 209,29/608,581 tỷ đồng, đạt 34,39%. Giá trị giải ngân được 133,757/639,011 tỷ đồng, đạt 20,93%.

Cụ thể, gói thầu thi công xây dựng đoạn từ Quốc lộ 50 đến cầu Chợ Gạo có chiều dài hơn 2,145 km (bao gồm chiều dài đoạn kè). Hiện phần kè đang đóng cọc đại trà phân đoạn 1 được 41/120 cọc, phân đoạn 2 được 35/120 cọc, phân đoạn 4 được 25/115 cọc. Phần tuyến đã đào đất đắp lề và đắp cát nền đường 820/1.330 m. Phần cống ngang đường đã hoàn thành cống chính, đang hoàn thiện các phần còn lại. Rãnh thoát nước dọc đang đổ bê tông cấu kiện đúc sẵn. Khối lượng thực hiện đạt hơn 17,928 tỷ đồng, đạt 17%.

Chú thích ảnh:  DJI-0091: Gói thầu thi công cầu Vàm Giồng và đường vào cầu đã hoàn thành.
Gói thầu thi công cầu Vàm Giồng và đường vào cầu đã hoàn thành.

Gói thầu thi công cầu Chợ Gạo và đường vào cầu, phần cầu chính chiều dài 588 m, bề rộng toàn cầu 12 m, tải trọng thiết kế HL-93. Phần đường vào cầu tổng chiều dài 339,46 m. Hiện phần mố MA, MB trụ T1, T8 đã hoàn thành đóng cọc đại trà; T9, T10 hoàn thành đóng cọc thử; trụ T2 hoàn thành bệ trụ; trụ T3 đang đóng cọc đại trà được 11/24 cọc; trụ T5 đang tiến hành xói rửa để chuẩn bị đổ bê tông bịt đáy; trụ T6 hoàn thành bê tông bịt đáy; trụ T7 hoàn thành cọc khoan nhồi. Khối lượng thực hiện là 67 tỷ đồng, đạt 26,7%.

Đối với gói thầu thi công xây dựng đoạn từ cầu Chợ Gạo đến đường tỉnh 877B, phần đường có chiều dài hơn 11,348 km (bao gồm chiều dài cầu Xuân Hòa); phần cầu Xuân Hòa có chiều dài cầu 100,893 m. Hiện phần cầu Xuân Hòa trụ T2 đã hoàn thành khung vây cọc ván thép; mố MB đã hoàn thành thi công cọc đại trà.

Phần tuyến đang đào đất đắp lề nền đường 8,8/11,247 km, đắp và lu lèn cát nền đường K≥0.95 8 km/11,247 km, đắp và lu lèn cát nền đường K≥0.98 1,5 km/11,247 km. Khối lượng thực hiện gói thầu đạt 70,5 tỷ đồng, đạt 35,5%.

Riêng gói thầu thi công cầu Vàm Giồng và đường vào cầu, phần cầu chính dài 100 m, phần đường vào cầu dài 1.127 m. Hiện gói thầu đã hoàn thành, chuẩn bị nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng. Ngoài ra, công tác hồ sơ đoạn Long Bình đến Đèn Đỏ đã phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán.

ĐẨY NHANH CÔNG TÁC GPMB

Theo đánh giá của Ban Quản lý dự án, công tác lập hồ sơ, tiến độ triển khai thi công các gói thầu đạt yêu cầu kế hoạch đề ra. Công tác giải ngân vốn đảm bảo giải ngân kịp thời vốn kế hoạch được giao.

Cụ thể, vốn được giao từ đầu Dự án đến nay là 927,53/1.956 tỷ đồng (đạt 47,4% kinh phí giai đoạn 1). Vốn đã giải ngân là 923,817/1.956 tỷ đồng (đạt 47,22% kinh phí giai đoạn 1). Vốn được giao năm 2023 là 410 tỷ đồng, giải ngân đạt 100%.

Các nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu.
Các nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu.

Hiện nay, công tác GPMB chậm so với kế hoạch tiến độ đã duyệt. Nguyên nhân là do vướng về thủ tục pháp lý (thừa kế, đất đang tranh chấp, giấy vay ngân hàng…); khiếu nại giá đất, giá cây trái, hoa màu… Hiện chi phí GPMB do các địa phương phê duyệt đã vượt so chi phí Dự án, nên không thể giải ngân cho địa phương được, do phải điều chỉnh tổng mức đầu tư theo quy định (hạng mục chi phí GPMB tăng). Vốn bố trí theo kế hoạch năm không đủ để chi trả cho phần GPMB còn lại và kinh phí các gói thầu đang thi công.

Dự án được đầu tư với mục tiêu nhằm thúc đẩy liên kết giữa Tiền Giang và các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, kết nối 3 vùng kinh tế - đô thị của tỉnh, tạo nên sự thông suốt, đồng bộ và phát huy hơn nữa mạng lưới giao thông hiện hữu, thúc đẩy phát triển liên kết vùng. Dự án còn tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, du lịch, nuôi trồng thủy sản…

Để có cơ sở tiếp tục chi trả chi phí GPMB, hiện Ban Quản lý dự án đang tiến hành lập, trình hồ sơ điều chỉnh tổng mức đầu tư, kiến nghị UBND tỉnh xem xét chấp thuận. Đồng thời, bổ sung kế hoạch năm 2023 thêm 280 tỷ đồng để chi trả hoàn thành kinh phí GPMB còn lại (120 tỷ đồng), kinh phí xây lắp (160 tỷ đồng). Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục hỗ trợ, tháo dỡ khó khăn, vướng mắc sớm bàn giao mặt bằng.

M. THÀNH

.
.
.