Thứ Năm, 02/11/2023, 16:51 (GMT+7)
.

Dư địa xuất khẩu gạo còn lớn

(ABO) Diễn biến thị trường lúa gạo những ngày gần đây cho thấy, giá lúa, gạo có dấu hiệu điều chỉnh tăng kể cả gạo tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Tuy nhiên, theo nhận định của ngành chức năng, dư địa xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn còn lớn.

DUY TRÌ MỨC GIÁ CAO

Nhu cầu xuất khẩu lớn, nguồn cung có giới hạn, tất nhiên giá gạo nguyên liệu trong nước cũng sẽ ở mức khá cao. Theo đánh giá của các đơn vị thu mua lúa gạo, hiện nay trên địa bàn tỉnh Tiền Giang lượng lúa gạo không còn nhiều, trong khi nhu cầu tiêu thụ phục vụ cho xuất khẩu và nội địa tương đối lớn. Chính vì vậy giá gạo nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua luôn theo chiều hướng tăng và duy trì ở mức khá cao.

Thông tin từ các doanh nghiệp thu mua cho thấy, giá gạo nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng dao động ở mức khá cao. Theo đó, vào đầu tháng 11, gạo Đài Thơm 8, OM 18 vẫn giữ ở mức 14.200 - 14.400 đồng/kg; gạo OM 5451 dao động quanh mức 13.800 - 13.900 đồng/kg; gạo IR504 dao động ở mức 13.200 - 13.300 đồng/kg; gạo nguyên liệu ST21, ST 24 cũng xoanh quanh mức 14.300 - 14.400 đồng/kg.

Giá lúa, gạo duy trì ở mức cao.
Giá lúa, gạo đang duy trì ở mức khá cao.

Chính vì những yếu tố này, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng đang rất cân nhắc đối với từng hợp đồng xuất khẩu cụ thể. Thông tin từ đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn huyện Cái Bè cho biết, từ nay đến hết 2023 gạo Việt Nam không còn nhiều, doanh nghiệp chủ yếu mua để thực hiện những đơn hàng đã ký trước và phục vụ thị trường nội địa còn giá cao như hiện nay rất khó ký hợp đồng mới.

Thực tế cho thấy, với giá nguyên liệu nội địa như hiện nay, doanh nghiệp phải xuất khẩu gạo 5% tấm ở mức 700 USD/tấn mới có lời, trong khi giá xuất nhóm gạo này hiện cao nhất cũng chỉ mở mức hơn 650 USD/tấn.

Tuy nhiên, với nhiều yếu tố thuận lợi, đến thời điểm hiện nay xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung đã mang lại nhiều dấu hiệu rất khả quan. Theo đó, trong 9 tháng của năm 2023, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã xuất khẩu được 160.657 tấn, tăng hơn 93% với trị giá xuất 95,8 triệu USD, tăng gần 135% so cùng kỳ và vượt con số xuất khẩu cả năm 2022.

Bởi theo Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, năm 2022, Tiền Giang xuất khẩu 126.263 tấn gạo, nếp, tấm các loại, với kim ngạch gần 63 triệu USD, do 4 doanh nghiệp thực hiện. Tuy nhiên, chỉ riêng 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Việt Hưng và Công ty Lương thực Tiền Giang, chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2022 của tỉnh.

NHU CẦU CÒN LỚN

Trên bình diện tổng thể hơn, thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam những tháng gần đây có dấu hiệu tích cực. Đặc biệt là giá gạo xuất khẩu của Việt Nam không ngừng tăng. Ngày 1-11, VFA thông tin giá gạo xuất khẩu của Việt Nam loại 5% tấm chốt ngày 31-10 là 653 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn và tăng 65 USD/tấn so với đầu tháng 8-2023; gạo 25% tấm dao động quanh mức 638 USD/tấn.

Đây cũng là mức giá gạo xuất khẩu cao nhất kể từ lúc chạm mốc lịch sử vào năm 2008. Đây là mức giá cao nhất khi gạo bắt đầu sốt giá từ cuối tháng 7-2023, thời điểm Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng thường. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng cao gần đây một phần bắt nguồn từ chủ trương cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ và một số nước cũng tạm ngưng xuất khẩu gạo. Ngoài Việt Nam, gạo Thái Lan và một số nước cũng có mức giá khá cao do tác động của thị trường gần đây.

nhu cầu gạo cung ứng cho xuất khẩu hiện còn lớn.
Nhu cầu gạo cung ứng cho xuất khẩu hiện còn lớn.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp cho thấy, 10 tháng năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7,1 triệu tấn gạo, trị giá gần 4 tỷ USD, tăng 17% về lượng, tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Cũng theo đánh giá của VFA, hiện dư địa xuất khẩu gạo của Việt Nam còn rất lớn khi Philippine đang có nhu cầu nhập khẩu 1,1 triệu tấn, Indonesia có nhu cầu nhập khẩu 2,3 triệu tấn gạo, trong khi đó Trung Quốc được dự báo cũng sẽ tăng nhập khẩu gạo vào những tháng cuối năm.

Còn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo năm 2023, Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 7,8 triệu tấn gạo, với kim ngạch đạt khoảng 4,2 - 4,5 tỷ USD. Đây cũng có thể sẽ là một trong những mốc cao nhất trong lịch sử hơn 30 tham gia xuất khẩu gạo của Việt Nam...

Như vậy, nếu thị trường diễn ra đúng như đoán, năm 2023 là một trong những năm thành công nhất của xuất khẩu gạo.

TA

.
.
.