Thứ Bảy, 25/11/2023, 09:34 (GMT+7)
.
DƯ ĐỊA XUẤT KHẨU SẦU RIÊNG CÒN LỚN

Bài cuối: Phải bắt tay bền chặt

Bài 1: Cú hích từ xuất khẩu chính ngạch

Để phát triển bền vững cây sầu riêng, xuất khẩu chính ngạch là con đường tất yếu. Do đó, bài toán đặt ra hiện nay là phải nâng cao chất lượng trái sầu riêng đi đôi với việc duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thực tế cho thấy, bên cạnh những thuận lợi, việc sản xuất và tiêu thụ sầu riêng trên địa bàn tỉnh cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Việc mở rộng diện tích như hiện nay có nguy cơ tiềm ẩn cung vượt cầu, nhất là vào thời điểm thu hoạch chính vụ.

THẮT CHẶT LIÊN KẾT

Thực tế cho thấy, phần lớn sản lượng sầu riêng bán ra thị trường với dạng trái tươi, sản phẩm chế biến ít nên chưa khai thác hết giá trị gia tăng. Sầu riêng sản xuất theo tiêu chuẩn GAP còn ít; hoạt động của các liên kết ngang như: Hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác còn yếu, thiếu hiệu quả… Trên thực tế, chất lượng sầu riêng đang là vấn đề của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp (DN), HTX.

Tiền Giang đang tập trung nâng cao chất lượng sầu riêng để phát triển sản xuất bền vững.
Tiền Giang đang tập trung nâng cao chất lượng sầu riêng để phát triển sản xuất bền vững.

Trong đó, việc thu hoạch trái chưa đủ độ già là câu chuyện đáng quan tâm hiện nay. Công ty TNHH Phương Ngọc Cái Bè là DN chuyên xuất khẩu sầu riêng, chủ yếu sang thị trường Hoa Kỳ. Ông Võ Tấn Lợi, Giám đốc Công ty TNHH Phương Ngọc Cái Bè cho biết: “Vừa qua, DN có thu mua tại một số vườn sầu riêng của nông dân. Sản lượng sầu riêng tại vườn đó khoảng 10 tấn. DN cắt giao đợt đầu khoảng 2 tấn do phải lựa trái già mới cắt. Khi DN đến cắt đợt thứ 2 khoảng 3 tấn, nông dân yêu cầu cắt hết trái, nếu không sẽ bán người khác. DN không đồng ý với yêu cầu trên, do DN xuất khẩu phải đảm bảo 98% chất lượng cho đối tác.

Theo đồng chí Lưu Văn Phi, thời gian qua, tỉnh đã tập trung hỗ trợ kết nối tiêu thụ sầu riêng tỉnh nhà đối với thị trường trong nước. Cụ thể, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại tỉnh Tiền Giang năm 2023 tại TP. Hồ Chí Minh; đồng thời, thường xuyên kết nối với các hệ thống phân phối cả nước.

Cụ thể, tỉnh tiếp tục liên hệ với hệ thống phân phối lớn như: Lotte, Co.opmart, Bách Hóa Xanh… để đưa trái sầu riêng vào bán. Thời gian tới, Sở Công thương sẽ thường xuyên tổ chức hội chợ tại các tỉnh, thành, đặc biệt là các địa phương trọng điểm về du lịch nhằm giúp các DN giới thiệu tiêu thụ sầu riêng trong nước.

Năm 2024, Tiền Giang sẽ tổ chức Lễ hội Sầu riêng. Sở Công thương cũng sẽ tập trung vào thị trường xuất khẩu. Tới đây, Sở sẽ đề xuất UBND tỉnh tổ chức các đoàn và mời những DN có điều kiện sang Trung Quốc để nắm tình hình tiêu thụ sầu riêng; kết nối với các hiệp hội, DN nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh để thúc đẩy tiêu thụ sầu riêng. Ngoài ra, Sở Công thương sẽ tập trung phát triển thương mại điện tử trong việc kết nối tiêu thụ sầu riêng.

Do đó, DN cũng kiến nghị HTX vận động thành viên không ép các vựa mua sầu riêng kiểu như vậy; bởi sầu riêng khi cắt rời khỏi cây bán cho thị trường nội địa hay xuất khẩu đều phải đủ độ già.

Để làm được điều này chỉ có HTX nông nghiệp vận động thành viên không yêu cầu DN cắt sầu riêng khi chưa đủ độ già mới đảm bảo trái chất lượng. Vừa qua, DN trả cọc rất nhiều vì không chấp nhận cắt sầu riêng khi chưa đủ độ già. Bởi cắt sầu riêng chưa đủ độ già thì DN bị “mất tiếng”, khó tiếp tục làm ăn về sau”.

Bên cạnh việc chú trọng chất lượng, việc liên kết tiêu thụ sầu riêng giữa nông dân - HTX - DN cũng cần được thắt chặt. Bởi trên thực tế, khi thị trường biến động, đã xuất hiện tình trạng “bẻ kèo”. Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cái Bè Đặng Văn Tung, đến thời điểm này, toàn huyện được cấp 37 mã số vùng trồng (MSVT) với diện tích 789 ha, phần lớn là xuất khẩu sang Trung Quốc; có 15 mã số cơ sở đóng gói.

Trong những diện tích đã được cấp MSVT, DN thu mua đạt khoảng 40% - 50% sản lượng, diện tích còn lại thương lái đến vườn thỏa thuận mua bán. “Thời gian qua, việc thỏa thuận này cũng có những trục trặc. Cụ thể, DN đến thỏa thuận giá và đặt cọc trước. Khi giá sầu riêng tăng, nông dân muốn “bẻ kèo” bán ra ngoài. Khi giá xuống thì DN treo trái ở  vườn. Đây là bài toán rất khó trong liên kết tiêu thụ” - đồng chí Đặng Văn Tung cho biết.

QUẢN LÝ CHẶT MSVT XUẤT KHẨU

Theo Sở NN&PTNT, đến nay, toàn tỉnh đã được cấp 72 MSVT sầu riêng với diện tích hơn 2.600 ha, chiếm 25% diện tích sầu riêng cho sản phẩm. Đồng thời, tỉnh còn 213 hồ sơ xin cấp mới MSVT chờ Tổng cục Hải quan Trung Quốc kiểm tra, phê duyệt. Hiện toàn tỉnh có 66 cơ sở đóng gói được cấp mã số; 39 hồ sơ mới chờ phê duyệt.

Thực tế cho thấy, quản lý chặt MSVT sầu riêng đang là vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay để đảm bảo việc xuất khẩu bền vững. Bởi nếu không quản lý chặt công tác này thì nguy cơ ảnh hưởng đến xuất khẩu chính ngạch rất lớn.

Ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp cho biết: “Năm nay, sầu riêng ít, thất mùa, nhưng vựa lại rất nhiều. Đây là tín hiệu đáng mừng, nhưng cũng lo. Hiện trái sầu riêng đang “hot” nếu không quản lý chặt thì một số DN làm ăn thật sẽ bị ảnh hưởng.

HTX đề nghị các ban, ngành nghiên cứu để có giải pháp thường xuyên kiểm tra những DN, HTX về MSVT, mã số cơ sở đóng gói xem có làm đúng hay không. Điều này nhằm xây dựng thương hiệu lâu dài, nếu không DN và nông dân sẽ bị thiệt hại chung”.

Công tác quản lý MSVT sầu riêng được tỉnh chú trọng thực hiện.
Công tác quản lý MSVT sầu riêng được tỉnh chú trọng thực hiện.

Theo Giám đốc Sở Công thương Lưu Văn Phi, để tiêu thụ sầu riêng bền vững và thuận lợi có 4 yếu tố cần tập trung thực hiện. “Trước hết, người trồng sầu riêng và DN thu mua phải thực hiện theo đúng quy định. Về chất lượng, vừa qua, trong cảnh báo của phía Trung Quốc, do sức ép, giá cả nên mình làm sầu riêng chưa đúng.

Do đó, nếu các DN làm ăn không đúng thì cơ quan chức năng sẽ xử lý. Một khi đã mất chất lượng thì mất cả thị trường. Thị trường Trung Quốc nhập khẩu gần 90% sầu riêng của Việt Nam. Với thị trường rất lớn như vậy, vấn đề còn lại là phải làm ăn đàng hoàng. Các đơn vị xuất khẩu cần đảm bảo giao hàng và dịch vụ logistics, cung ứng đúng hợp đồng đã ký”.

Ông Mai Xuân Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ cho biết, vấn đề quan trọng hiện nay là phải duy trì bảo vệ được thị trường xuất khẩu chính ngạch. Thị trường Trung Quốc kiểm tra và yêu cầu quan trọng nhất là về quản lý dịch hại, sau đó là an toàn thực phẩm. Do đó, cần đảm bảo những yêu cầu này.

Theo Sở NN&PTNT, để phát triển sản xuất và tiêu thụ sầu riêng, trong thời gian tới, tỉnh sẽ quản lý chặt chẽ quy hoạch đối với cây sầu riêng. Một trong những giải pháp quan trọng là triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch cấp và quản lý MSVT sầu riêng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2023 - 2025.

Điều này nhằm duy trì và mở rộng diện tích sầu riêng đã được cấp MSVT theo quy định của các nước nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiêu thụ. Tỉnh cũng sẽ xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý MSVT sầu riêng tại xã Cẩm Sơn (huyện Cai Lậy).

Qua đó, thể hiện các thông tin của vùng trồng sầu riêng thành bản đồ, làm cơ sở nhân rộng bản đồ hóa toàn bộ vùng trồng sầu riêng của tỉnh. Tiền Giang sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc vận động nông dân áp dụng sản xuất an toàn theo hướng GAP, không lạm dụng chất kích thích sinh trưởng; đồng thời, tiếp tục tuyên truyền nhà vườn thu hoạch sầu riêng đúng độ chín, đảm bảo chất lượng…

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Mẫn cho biết: “Để có trái sầu riêng ngon, mang thương hiệu tỉnh nhà và khắc phục được những bất cập hiện nay, giải pháp căn cơ nhất là củng cố các HTX. Chỉ có những HTX đủ mạnh thì mới khắc phục được hạn chế. Trước hết là khắc phục được tình trạng trồng sầu riêng tự phát, da beo, hạ tầng chưa đảm bảo, đất đai không thích nghi… Chỉ khi tham gia vào HTX, nông dân được định hướng quản lý, sản xuất theo quy trình, quy định về chuyển đổi thì mới khắc phục được tình trạng tự phát.

Khi vào HTX, nông dân sẽ làm chung, bán chung, áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến theo quy trình chung của cơ quan chuyên môn; đồng thời, thường xuyên được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác; phun xịt thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình, quy định; xử lý ra hoa rải vụ đạt hiệu quả; khắc phục tình trạng thu hoạch trái non…

ANH THƯ - ANH PHƯƠNG

.
.
.