.

Khẩn cấp chống sạt lở cho ĐBSCL

Cập nhật: 10:47, 11/11/2023 (GMT+7)

Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày càng nghiêm trọng, trong khi các giải pháp ngăn chặn rất gian nan, phần lớn do thiếu kinh phí.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký quyết định số 1162 bổ sung 4.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 cho các tỉnh vùng ĐBSCL thực hiện dự án phòng chống sạt lở. Hiện các địa phương đang gấp rút triển khai, song thực tế sạt lở ở vùng đất Cửu Long vẫn đang rất báo động!

a
Sạt lở bờ sông Cần Giuộc (Long An) cuốn trôi và làm sụp lún nhiều căn nhà

Bờ biển, bờ sông, bờ kênh… tan hoang

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng để xây dựng 55,7km kè bảo vệ bờ biển và 9,2km kè bảo vệ bờ sông chống sạt lở, nhưng đến nay chính quyền và người dân địa phương vẫn chưa hết lo lắng, do sạt lở vẫn tiếp tục xảy ra với chiều hướng ngày càng nghiêm trọng.

Ghi nhận của PV Báo SGGP trong những ngày đầu tháng 11-2023, bờ biển từ cửa biển Bồ Đề đến Hốc Năng thuộc xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) tiếp tục bị sạt lở nặng, tạo hàm ếch ăn sâu vào đất liền hàng chục mét. Dọc bờ biển ở khu vực này, cây đước, cây mắm bị sóng biển đánh bật gốc, tróc rễ nằm la liệt. Để tránh nguy hiểm, nhiều hộ dân sống cách bờ biển khoảng 100m đã dời đồ đạc đi nơi khác, chỉ còn lại những căn nhà trống.

Ông Nguyễn Văn Phúc, một trong số ít hộ dân còn “bám trụ” ở khu vực này, cho hay: “Chờ thu hoạch xong vụ tôm vừa thả, gia đình tôi cũng sẽ dời đi, ở đây nguy hiểm quá. Tuần rồi, tiếp tục có 2 căn nhà bị nước cuốn trôi, may mà chủ nhà đã chuyển đến nơi khác ở”.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, do ba mặt giáp biển nên Cà Mau chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các hình thái thời tiết cực đoan. Tại bờ biển phía Đông tỉnh Cà Mau, tốc độ sạt lở bình quân khoảng 45m/năm, hiện có 29km bờ biển sạt lở với mức độ đặc biệt nguy hiểm, 40km sạt lở nguy hiểm; ở bờ biển phía Tây có 22km bờ biển sạt lở nguy hiểm.

a
Hiện trạng sạt lở bờ biển Tây trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Ảnh: TẤN THÁI

Tại Bến Tre, một đoạn bờ biển dài gần 5km ở xã Bảo Thuận (huyện Ba Tri) liên tục bị sạt lở thời gian gần đây. Đến nay, tại khu vực này đã có 4 căn nhà bị sập hoàn toàn, 11 nhà bị hư hỏng. Sạt lở còn làm hư hoàn toàn 100m đường bê tông, 650m bờ bao, làm mất 16ha rừng phòng hộ, 45ha hoa màu. Đáng ngại hơn, tại khu vực này đang có nguy cơ sạt lở nặng, uy hiếp tính mạng của 115 hộ dân, 535ha đất có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Trước thực tế trên, mới đây, ngày 30-10, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam phải ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở, xâm thực bờ biển huyện Ba Tri để có giải pháp phù hợp.

Giống như bờ biển, tình trạng sạt lở bờ sông tại ĐBSCL cũng rất đáng lo. Ở huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện này có 41 vị trí sạt lở mới, đe dọa tính mạng của hàng ngàn hộ dân. Hầu hết các vị trí sạt lở này tập trung trên kênh 28 (thuộc các xã Đông Hòa Hiệp, Hậu Thành, Hậu Mỹ Phú).

Chỉ vào đoạn bờ sông bị sạt lở có hàm ếch ăn sâu vào đường giao thông bên cạnh, ông Hành, nhà cập kênh 28 ở ấp An Thạnh, xã Đông Hòa Hiệp, lo lắng: “Mỗi khi xe chạy qua là tôi phập phồng, vì bờ sông sạt lở ăn sâu vào dưới đường, mặt đường hỏng chân có thể bị sập bất cứ lúc nào”.

Theo thống kê của UBND huyện Cái Bè, tổng chiều dài bờ kênh 28 bị sạt lở dài 3.760m, hiện có 1.350 hộ dân bị ảnh hưởng.

“Thấy nguy hiểm với người dân, thời gian qua, địa phương đã sử dụng trụ bê tông để chèo chống mặt đường ở những vị trí sạt lở, tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tạm. Về lâu dài, phải thực hiện dự án chống sạt lở bờ sông, nhưng do ngân sách địa phương còn hạn chế nên chưa thể thực hiện”, đại diện UBND huyện Cái Bè cho hay.

Tại Long An, UBND tỉnh này vừa công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Vàm Cỏ Tây và sạt lở rạch Cá Rô, thị xã Kiến Tường. Hai vị trí sạt lở có tổng chiều dài khoảng 2.449m, đe dọa an toàn tính mạng, tài sản, kết cấu hạ tầng, nhà ở của hàng trăm hộ dân trong khu vực.

Nguyên nhân sạt lở là do khu vực này chịu ảnh hưởng bởi tác động của nước lũ hàng năm, kết hợp với nền đất yếu nên khi lũ lên nhanh gây xói mòn đất. Hiện UBND thị xã Kiến Tường đang tập trung vận động người dân nằm trong khu vực sạt lở chủ động di dời nhà cửa, tài sản, hàng hóa đến nơi an toàn.

UBND tỉnh Long An cũng giao Sở NN-PTNT phối hợp UBND thị xã Kiến Tường rà soát, cập nhật vành đai sạt lở; phối hợp các đơn vị liên quan theo dõi, khoanh vùng khu vực bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm, thiết lập hành lang an toàn, không để hậu quả nghiêm trọng xảy ra.

Sử dụng ngay 4.000 tỷ đồng bổ sung của Chính phủ

Ông Nguyễn Đàm Thanh Tuyến, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, cho biết, đơn vị đang thực hiện các thủ tục để đầu tư khắc phục các vị trí sạt lở nghiêm trọng dọc kênh 28 từ nguồn kinh phí 200 tỷ đồng do Trung ương bổ sung trong năm 2023. Cụ thể, tỉnh Tiền Giang sẽ đầu tư kè chống sạt lở ở 8 điểm tại xã Đông Hòa Hiệp, 1 điểm tại xã Hậu Thành, 1 điểm tại xã Thiện Trung (huyện Cái Bè). Đây là những điểm sạt lở nghiêm trọng nhất dọc hai bờ kênh 28.

“Hiểu rõ sự cần thiết, cấp bách của dự án này, nên khi được Trung ương phân bổ vốn từ gói 4.000 tỷ đồng mới đây, chúng tôi đẩy nhanh thực hiện các thủ tục và khởi công ngay trong năm 2023, dự kiến hoàn thành trong năm 2024 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và nguyện vọng của người dân”, ông Tuyến cho hay.

Từ 200 tỷ đồng do Chính phủ bổ sung mới đây, UBND tỉnh Hậu Giang sẽ xây dựng kè chống sạt lở kênh Nàng Mau (xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp) 150 tỷ đồng, còn lại xây kè chống sạt lở kênh Lái Hiếu (TP Ngã Bảy).

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết, đây là 2 dự án cấp thiết đã được thông qua. “Ngay sau khi nhận được nguồn kinh phí, chúng tôi sẽ triển khai nhanh, hiệu quả để tạo vành đai an toàn trong khu vực bị ảnh hưởng do sạt lở, sớm ổn định cuộc sống người dân”, ông Tuyên nói.

Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang xảy ra gần 70 điểm sạt lở bờ sông, với chiều dài sạt lở trên 1.600m, diện tích đất mất 10.000m2; sạt lở tăng 46 điểm so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước đó, Hậu Giang đã được Trung ương hỗ trợ 400 tỷ đồng để thực hiện 3 công trình kè chống sạt lở bờ sông, chiều dài 3.748m và đầu tư bố trí ổn định dân cư khu vực thiên tai, sạt lở bờ sông Cái Côn, thuộc huyện Châu Thành. UBND tỉnh Hậu Giang đã và đang chỉ đạo các sở, ngành và địa phương có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện, đảm bảo thi công và giải ngân nguồn vốn đúng tiến độ do Trung ương đề ra.

Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp Nguyễn Văn Vũ Minh cho biết, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều khu vực sạt lở, sau khi cân nhắc tính cấp bách, tỉnh đã quyết định sử dụng 250 tỷ đồng từ nguồn bổ sung của Trung ương mới đây để thực hiện dự án phòng chống sạt lở kè Hổ Cứ trên sông Tiền (phía TP Cao Lãnh) với chiều dài hơn 2km. Hiện UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh phương án thực hiện.

“Chúng tôi sẽ triển khai và đưa công trình vào khai thác sớm nhất, hiệu quả nhất, không để phát sinh tiêu cực như lưu ý của Thủ tướng”, ông Minh khẳng định.

Ưu tiên giải pháp chống sạt lở bền vững

Theo các địa phương, nguồn vốn bổ sung 4.000 tỷ đồng theo Quyết định số 1162 rất thiết thực, góp phần ngăn chặn, kéo giảm hậu quả do sạt lở gây ra trong thời gian tới. Tuy nhiên, so với thực tế tình hình sạt lở ngày càng nghiêm trọng ở ĐBSCL, nguồn kinh phí trên mới giải quyết được một phần nhỏ, bởi các công trình chống sạt lở ở ĐBSCL luôn tốn chi phí rất lớn.

Để kéo giảm chi phí trong công tác phòng chống sạt lở, ngoài việc đầu tư các công trình, một số địa phương đang tập trung nguồn lực để trồng rừng phòng hộ ven biển, ưu tiên giải pháp chống sạt lở bền vững, từ xa.

Ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết, trong kế hoạch phòng chống thiên tai, ngoài đầu tư các dự án xây dựng kè phá sóng, gây bồi, tạo bãi ven biển Tây, tỉnh Kiên Giang cũng đang triển khai trồng mới 644ha rừng ven biển. Đầu tháng 10 vừa qua, Kiên Giang được Chính phủ phân bổ 500 tỷ đồng để chống sạt lở. Nguồn kinh phí này sẽ được địa phương ưu tiên xử lý một số điểm sạt lở khẩn cấp ở cửa biển Xẻo Nhàu, Vàm Kim Quy (huyện An Minh) và các điểm khác. Theo kế hoạch, sau khi HĐND thông qua, UBND tỉnh sẽ giải ngân để triển khai trong cuối năm nay.

 

Theo sggp.org.vn



 

.
.
.