Thứ Năm, 23/11/2023, 11:12 (GMT+7)
.

PGS. TS Trần Đình Thiên: Việc Việt Nam cam kết đạt Net Zero vào năm 2050 gây sửng sốt

Đâu là những thách thức trước mắt đối với vấn đề tăng trưởng xanh và bài toán nào cần giải để phát triển bền vững, chung tay vì Việt Nam xanh và Net Zero vào năm 2050... là những nội dung chính được thảo luận tại Hội thảo "Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình", ngày 22/11 tại Hà Nội.

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế đầu ngành, đại diện các Hiệp hội; đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, lãnh đạo các doanh nghiệp mạnh ở các lĩnh vực khác nhau nhưng cùng chung tiếng nói, cùng chung tầm nhìn Xanh.

b

PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, Tầm nhìn xanh là sứ mệnh phải thực hiện, là sứ mệnh sống còn, đem lại lợi ích cao nhất. (Nguồn: BTC)

Không nước nào cam kết dữ dội như Việt Nam

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, Tầm nhìn xanh là sứ mệnh phải thực hiện, là sứ mệnh sống còn, đem lại lợi ích cao nhất. Nó là cuộc đua của loài người, của Tổ quốc Việt Nam. Việc Việt Nam cam kết đạt Net Zero vào năm 2050 đã gây sửng sốt cho toàn nhân loại bởi vì những nước mạnh hơn cũng chỉ cam kết như Việt Nam. Những nước như Ấn Độ cũng cam kết một cách dè dặt là đến năm 2070, Trung Quốc cam kết đến năm 2060.

Tăng trưởng xanh là xu hướng chi phối toàn cầu, là lựa chọn ưu tiền hàng đầu của cả thế giới. Việt Nam cũng đang chịu áp lực trước xu hướng đó, đồng thời đây cũng là một hướng phát triển. Lựa chọn đi theo hướng này có khả năng đưa Việt Nam trở thành nước đi đầu trong khu vực. Người đi đầu sẽ có gian khổ nhưng cũng là người có lợi đầu tiên. Đó là lợi ích cho người dân Viêt Nam đầu tiên.

"Thế giới đang triển khai rất nhiều chiến lược tăng trưởng xanh cấp quốc gia, cấp toàn cầu. Việt Nam - có một cái hay - đó là không nước nào cam kết dữ dội như Việt Nam, cam kết với toàn thế giới mà toàn cam kết đỉnh cao.

Vì cam kết lớn như vậy thì chúng ta có thể đương đầu với những thách thức lớn. Nhưng đó cũng là cơ hội để chúng ta tiếp nhận được các nguồn hỗ trợ, chính sách, công nghệ…Với những yếu tố đó, Việt Nam có thể đi sau về trước", ông Thiên nhấn mạnh.

Theo ông Trần Đình Thiên, Việt Nam đặt mục tiêu cụ thể: Trở thành quốc gia phát triển, thu nhập bình quân cao (lớn hơn 12.000 USD) vào năm 2045. Thu nhập bình quân hiện tại mới hơn 3.000 USD mà đã tiêu như này thì khi thu nhập ở mức 12.000 USD, không biết cuộc sống sẽ như thế nào? Mục tiêu đó sẽ có nhiều thách thức. Từ nay đến năm 2045, chúng ta sẽ phát triển khác thường so với giai đoạn trước đây. Nếu làm được thì tăng trưởng sẽ vượt qua nền kinh tế thâm dụng lao động rẻ tiền.

Bên cạnh đó, khi thay đổi phương thức phát triển, Việt Nam còn phải chống chịu với thách thức khác với nhiều nước, đó là chống chịu được biến đổi khí hậu. Đồng thời, thay đổi phương thức sống, áp lực phát triển đô thị. Theo đó, phải thay đổi phương thức phát triển, trong đó xanh là chủ yếu.

"Để cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược tăng trưởng xanh này, Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch, theo đó Chính phủ đã cam kết cụ thể chứ không chỉ là cam kết chung. Tôi thấy rất rõ là kế hoạch hành động ngày càng cụ thể hơn, có 17 chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ và 143 nhiệm vụ cụ thể đồng thời xây dựng tích hợp chỉ số tăng trưởng xanh tổng hợp. Đây là chỉ tiêu vô cùng quan trọng, không có thì chúng ta không tăng trưởng được.

Để làm được điều này, chúng ta phải làm nhiều việc, có thể phải bỏ đi rất nhiều nhưng đồng thời phải tạo ra nhiều thứ mới. Nói chung nguồn lực sẽ rất khác, tức là nguồn lực phải thay đổi đi rất nhiều. Có thể chúng ta cần cần 200-300 tỷ USD vào năm 2030, đây là chi phí rất lớn", ông Thiên đặt vấn đề.

PGS. TS Trần Đình Thiên nhận định, trong nhiều năm qua, nguồn lực cho tăng trưởng xanh đã bắt đầu rất lớn. Tuy nhiên, xuất phát điểm thấp, nên quy mô đến giờ chưa đc bao nhiêu, nhiều kênh huy động nguồn lực nhiều khi chưa thông.

Theo Baoquocte.vn

.
.
.