Phát triển du lịch là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị
(ABO) Sáng 15-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững”; cùng tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang. |
Tại điểm cầu Tiền Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Diệu chủ trì hội nghị.
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Văn Hùng, năm 2023, trong bối cảnh quốc tế, trong nước còn nhiều thách thức, song với sự lãnh, chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực của Bộ VHTT&DL, sự tích cực của các bộ, ngành, địa phương và sự đồng hành của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp (DN), ngành Du lịch Việt Nam đã đạt được một số kết quả nổi bật.
Cụ thể, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, các DN du lịch tiếp tục được rà soát, điều chỉnh, bổ sung và ban hành kịp thời.
Các vấn đề tạo thuận lợi cho khách du lịch quốc tế có chuyển biến mạnh mẽ, đặc biệt là thủ tục xuất nhập cảnh, thị thực.
Từ đầu năm 2023 đến nay, du khách đến Tiền Giang đạt hơn 1,083 triệu lượt, tăng 81,3% so với cùng kỳ. |
Sản phẩm du lịch được làm mới, hấp dẫn hơn và có khả năng cạnh tranh tốt hơn. Nhiều điểm đến mới được đầu tư, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch được cải thiện.
Công tác phát triển du lịch được phát triển đặt trong tổng thể công tác văn hóa đối ngoại, bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa, hoạt động thể thao, hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại. Các sự kiện du lịch được tổ chức có trọng tâm, trọng điểm, có sức hấp dẫn, lan tỏa tại các địa phương.
Trong 10 tháng năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10 triệu lượt (hơn 9,998 triệu lượt), tăng gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm trước, vượt chỉ tiêu kế hoạch cả năm; khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch đạt 582,6 ngàn tỷ đồng.
Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, du lịch là một điểm sáng trong phục hồi nền kinh tế. Kết quả phục hồi du lịch có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện 3 động lực tăng trưởng của nền kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.
Cùng với đó, Du lịch Việt Nam nhận 54 giải thưởng của Giải thưởng World Travel Awards năm 2023, nổi bật là giải thưởng “Điểm đến hàng đầu châu Á 2023” và “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á 2023”. Điều này tiếp tục khẳng định thương hiệu và vị thế của du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Du lịch Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phục hồi tương đối chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng của các đồng chí lãnh đạo, ngành, cộng động DN.
Tại Tiền Giang, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động du lịch tại địa phương. Theo đó, tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp phục hồi du lịch. Kết quả là lượt khách du lịch đến tỉnh năm 2023 tăng trưởng mạnh, đặc biệt là khách quốc tế.
Du lịch Tiền Giang phục hồi tích cực. |
Tính từ đầu năm đến nay, tổng lượt khách du lịch đến Tiền Giang là hơn 1,083 triệu lượt, tăng 81,3% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế hơn 348.000 lượt, tăng 4,9 lần so với cùng kỳ, vượt 39% kế hoạch năm. Tổng thu đạt 744,7 tỷ đồng, tăng 136,6% so với cùng kỳ.
Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương, DN đã có nhiều ý kiến chia sẻ về tình hình phát triển du lịch. Đồng thời, nêu lên những khó khăn mà ngành Du lịch đang phải đối mặt; đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy du lịch phát triển trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, du lịch là ngành kinh tế đa ngành, có liên quan đến nhiều ngành nghề, địa phương và đặc biệt là người dân. Do đó, cần có cách tiếp cận tương đối toàn diện, mang tính toàn cầu, toàn dân; tuy dư phải thay đổi và có tầm nhìn chiến lược lâu dài hơn.
Du lịch đã phục hồi khá tích cực về phát triển nguồn lực, sản phẩm, đóng góp hiệu quả. Để tự tin phát triển, phát huy được tiềm năng, nếu có chính sách, chủ trương đúng và tổ chức thực hiện tốt thì hiệu quả mang lại rất cao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng, du lịch Việt Nam còn nhiều tiềm tăng, khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển với điều kiện mới trong thời gian tới. Bởi hệ thống chính trị ổn định, an ninh trật tự, chủ quyền lãnh thổ được giữ vững. Vị trí địa lý thuận lợi, hệ thống giao thông tương đối đồng bộ và đang phát triển theo hướng tăng cường liên kết.
Nước ta có nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, dân số vàng, có thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, đa dạng, phong phú về cả núi rừng, sông biển, nước non. Nền văn hóa dân tộc phong phú, đặc sắc, người dân hiền hậu, mến khách, cần cù, linh hoạt, sáng tạo... Vấn đề là khai thác, sử dụng thế nào cho hiệu quả, phát triển đúng nghĩa là ngành kinh tế mũi nhọn, đa ngành…
Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhìn nhận rằng còn những hạn chế, yếu kém, cần phải nhìn thẳng vào sự thật một cách khách quan.
Thứ nhất về thể chế chưa hoàn thiện đầy đủ, cần phải đổi mới cải cách phù hợp với thực tế. Sản phẩm du lịch chưa thực sự có trọng tâm, trọng điểm; tính liên doanh, liên kết còn lỏng lẻo, cạnh tranh thiếu lành mạnh, thiếu sự hỗ trợ chia sẻ lẫn nhau, vẫn còn hiện tượng mạnh ai nấy làm…
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải nâng cao nhận thức đầy đủ, toàn diện về vai trò, tầm quan trọng, sức lan tỏa, giá trị của ngành Du lịch đối với phát triển đất nước. Từ đó, phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo của các chủ thể có liên quan.
Phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể phát triển các ngành kinh tế - xã hội với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn; tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội để phát triển hệ sinh thái du lịch toàn diện nhanh, bền vững, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác; góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế của đất nước.
Phát triển du lịch là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn xã hội dưới sự lãnh, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của DN và cộng đồng dân cư. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với công tác phân bổ nguồn lực, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát; kiên quyết cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, những quy định không cần thiết.
Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả, chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu trên cơ sở tận dụng phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh gắn với bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa truyền thống, nét đẹp của đất nước con người Việt Nam; không hy sinh an sinh xã hội, bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần…
M. THÀNH