.

Tiền Giang: Chủ động, quyết liệt phòng, chống dịch tả heo châu Phi

Cập nhật: 13:18, 17/11/2023 (GMT+7)

Trước diễn biến của dịch tả heo châu Phi (DTHCP), ngành Nông nghiệp Tiền Giang và các địa phương đang chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh này.

TẬP TRUNG XỬ LÝ VÙNG DỊCH

Trước diễn biến của DTHCP trên địa bàn xã Xuân Đông, UBND huyện Chợ Gạo đã có Quyết định 5529 về việc công bố dịch bệnh DTHCP trên địa bàn xã từ ngày 14-11-2023. Theo quyết định, vùng dịch là địa bàn xã Xuân Đông, vùng uy hiếp là xã Hòa Định, vùng đệm là xã An Thạnh Thủy. UBND huyện Chợ Gạo yêu cầu trong thời gian có dịch, các xã, các tổ chức, cá nhân liên quan phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Luật Thú y và các văn bản chỉ đạo hướng dẫn của cấp trên và các ngành liên quan.

Người nuôi heo cần thực hiện theo hướng an toàn sinh học để phòng ngừa dịch bệnh.
Người nuôi heo cần thực hiện theo hướng an toàn sinh học để phòng ngừa dịch bệnh.

Tại vùng dịch, UBND xã Xuân Đông đang thực hiện các biện pháp bao vây ổ dịch, phối hợp các ngành huyện lập chốt kiểm dịch; hướng dẫn việc đi lại; cấm người không có nhiệm vụ vào nơi có ổ dịch. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, vận chuyển heo và sản phẩm của heo trên địa bàn xã Xuân Đông trong thời gian có dịch.

Các xã, ấp trong vùng dịch bị uy hiếp phải khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Luật Thú y; không để dịch bệnh lây lan vào địa bàn; chủ động sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có bệnh DTHCP xảy ra. Các xã, ấp còn lại trong vùng đệm phải thực hiện theo Luật Thú y, không để dịch bệnh lây nhiễm; sẵn sàng ứng phó kịp thời. Huyện Chợ Gạo đã cấp 64 lít thuốc sát trùng phục vụ công tác chống DTHCP cho các xã Xuân Đông, Hòa Định, An Thạnh Thủy.

Theo Chủ tịch UBND xã Xuân Đông Nguyễn Văn Mười, hiện đàn heo trên địa bàn xã còn khoảng 6.500 con. Xã đã thành lập 4 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào địa bàn xã để kiểm soát việc mua bán, vận chuyển heo. Các chốt kiểm soát sẽ hoạt động trong thời gian 30 ngày. UBND xã đã cho cam kết đối với 2 bến phà của Xuân Đông không vận chuyển heo qua phà.

Đồng thời, tuyên truyền vận động người dân không bán chạy; thực hiện tốt công tác tiêu độc, khử trùng tại các trại còn lại cố giữ đàn heo khi hết thời gian công bố dịch để việc mua bán của người dân được thuận tiện. Hiện nay, tình hình dịch bệnh được các trại chăn nuôi heo lớn trên địa bàn xã kiểm soát tốt do công tác tiêu độc sát trùng được thực hiện bài bản.

CHỦ ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG DTHCP CỦA CÁC ĐỊA PHƯƠNG

Trước diễn biến mới của DTHCP, hiện các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo Cao Tấn Hưởng, hiện đàn heo của địa phương có hơn 42.000 con. Để phòng, chống bệnh DTHCP, UBND các xã đang giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn heo tại địa phương.

Đồng thời, kịp thời phối hợp các cơ quan chuyên môn cấp huyện tiến hành xác minh, test nhanh, xử lý kịp thời không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng nhằm tận dụng “Giờ vàng” trong phòng, chống bệnh DTHCP, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi và ngân sách nhà nước. Các xã còn tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn heo phải đảm bảo an toàn sinh học và phải có giấy xác nhận nguồn gốc hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển khi heo có nguồn gốc ngoài tỉnh.

Đồng thời, rà soát xử lý dứt điểm các cơ sở giết mổ hoạt động không đúng nơi quy định, không được cấp phép của cơ quan chức năng. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với UBND các xã tổ chức tiêu độc ở xã có ổ dịch, xã có chăn nuôi heo giáp ranh, vùng đệm theo quy định.

Tại huyện Gò Công Tây, đến nay, đàn heo của huyện có khoảng 33.900 con. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê, để chủ động phòng, chống DTHCP, địa phương đã tăng cường tuyên truyền cho người dân về tình hình dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng bệnh. Đồng thời, kiểm soát chặt nguồn giống đầu vào; tăng cường tiêu độc, khử trùng tại chuồng trại…

Còn tại huyện Tân Phú Đông, thời gian qua, địa phương cũng đã tập trung cho công tác phòng, chống DTHCP. Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Lê Thanh Đằng cho biết: “Hiện đàn heo trên địa bàn huyện có khoảng 19.500 con. Thời gian qua, UBND huyện giao các ngành và xã thực hiện công tác tiêm phòng vắc xin, tiêu độc, khử trùng rất kỹ. Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện chưa xảy ra trường hợp heo mắc DTHCP. Hiện địa phương đang tiếp tục chỉ đạo các ngành chuyên môn và các xã tiếp tục tập trung thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh”.

Theo thống kê, hiện đàn heo trên địa bàn tỉnh có khoảng 295.000 con. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang cho biết, vừa qua, Sở đã có cuộc họp triển khai giải pháp phòng, chống bệnh DTHCP. Hiện Sở NN&PTNT đã phối hợp với UBND các huyện, thị, thành quyết liệt chỉ đạo cơ quan chuyên môn cấp huyện, UBND cấp xã tập trung tăng cường giám sát, kiểm tra tình hình bệnh trên đàn heo để phát hiện sớm, báo cáo nhanh và xử lý triệt để heo có dấu hiệu bệnh, không để vi rút DTHCP phát tán và lây lan trên diện rộng.

Đồng thời, tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến bệnh DTHCP tại địa phương để người dân cảnh giác và hợp tác phòng, chống. Theo đó, ngành chuyên môn và địa phương vận động chủ nuôi tuyệt đối mua heo phải có nguồn gốc rõ ràng, từ vùng an toàn dịch bệnh động vật.

Heo mua từ tỉnh ngoài bắt buộc phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan Thú y nơi xuất bán. Việc gieo tinh nhân tạo cho heo nái từ tinh heo có nguồn gốc rõ ràng, từ vùng an toàn dịch bệnh. Trước khi vào khu vực chăn nuôi, người chăm sóc heo cần phải thay đổi quần áo, giày dép (ủng) của trại; toàn bộ xe, vật dụng chăn nuôi, bao thức ăn đều phải được khử trùng, tiêu độc triệt để. Người chăn nuôi tuyệt đối không sử dụng nước mặt (sông, mương, ao...) chưa được khử trùng để sử dụng chăn nuôi heo; kiểm soát côn trùng và tiêu diệt chuột; tuyệt đối không thả chó, gà, vịt... vào khu vực chăn nuôi heo; có biện pháp ngăn ngừa nước (vùng ngập nước) từ bên ngoài tràn vào chuồng heo.

Người chăn nuôi cần phát hiện sớm heo mắc bệnh qua dấu hiệu đầu tiên là heo “ho” từ số lượng ít đến số lượng nhiều; cách ly để theo dõi và khai báo ngay cho UBND cấp xã các trường hợp này. Nếu có kết quả dương tính với vi rút DTHCP thì người nuôi phải hợp tác với chính quyền địa phương tiêu hủy nhanh heo có dấu hiệu bệnh để kịp thời loại bỏ vi rút DTHCP trong trại nhằm giữ lại số heo khỏe mạnh.

Khi heo mắc bệnh, người chăn nuôi lập tức khai báo cho UBND cấp xã, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện hoặc Phòng NN&PTNT/Phòng Kinh tế hoặc đường dây nóng 02733 888111 để được hướng dẫn và can thiệp kịp thời. Một trong những giải pháp quan trọng là phát huy “Giờ vàng” bằng test nhanh để loại sớm số heo bị nhiễm vi rút DTHCP.

T. ĐẠT

.
.
.