Thứ Bảy, 25/11/2023, 14:28 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Xuất khẩu cán đích sớm

(ABO) Mặc dù chịu tác động chung của tình hình thế giới và trong nước, nhưng giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang dự báo vẫn đạt mức khá cao, thậm chí vượt chỉ tiêu nghị quyết đến năm 2025. Bởi theo số liệu được dự báo, năm 2023 kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang có thể chạm mốc 4,6 tỷ USD.

Phân tích từng lĩnh vực, từng thời điểm cụ thể, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp nói chung, kim ngạch xuất khẩu từng lĩnh vực nói riêng cũng không tương đồng với nhau. Thậm chí có nhiều lĩnh vực xuất khẩu hiện cũng còn những điểm khó nhất định. Thủy sản xuất khẩu là một minh chứng.

Ống đồng
Sản phẩm ống đồng đóng góp đáng kể trong kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang.

Nhìn một cách tổng thể, theo đánh giá chung, trong bối cảnh khó khăn chung của tình hình kinh tế thế giới, các doanh nghiệp Tiền Giang đã nỗ lực vượt qua khó khăn cùng với sự đồng hành, tích cực hỗ trợ của tỉnh. Những tháng đầu năm 2023, xuất khẩu của tỉnh tiếp tục đối mặt với các thách thức chung của các thị trường đối tác, phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp FDI (chiếm 85% kim ngạch xuất khẩu, 96% kim ngạch nhập khẩu); xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu,... Trong khi đó, chi phí đầu vào, bao gồm chi phí nguyên vật liệu, chi phí sản xuất, logistics, lãi vay; thị trường đầu ra bị thu hẹp, đơn hàng giảm mạnh.

Chưa kể, trong quý I-2023, một số doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh chỉ xuất trả đơn hàng của năm 2022, một số doanh nghiệp chưa có đơn hàng mới cho năm 2023 nên sản xuất cầm chừng, giảm giờ làm hoặc ngưng sản xuất, xuất khẩu. Song với nền tảng khá ổn định của các doanh nghiệp, cùng với các biện pháp đồng bộ hỗ trợ sản xuất trong nước và xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai mạnh mẽ nên quý II, quý III một số mặt hàng đã có tín hiệu phục hồi, kim ngạch xuất khẩu phục hồi tích cực.

Nhờ đó, xuất khẩu hàng hóa đạt giá trị cao, quý sau cao hơn quý trước. Giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 3,7 tỷ USD, dự báo cả năm đạt khoảng 4,6 tỷ USD, vượt hơn 18% kế hoạch, tăng gần 13% so cùng kỳ. Với con số này, kim ngạch xuất khẩu đã cán mốc mục tiêu nghị quyết đến năm 2025 (kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 4,5 tỷ USD).

Phân tích thêm về tình hình hoạt động trong lĩnh vực này, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng Nguyễn Văn Đạo cho rằng, tình hình xuất khẩu thủy sản nói chung, của công ty nói riêng hiện cũng đang “xập xình” do suy giảm toàn cầu, hầu hết những thị trường tiêu thụ chính như Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu đều giảm. Do tác động của nhiều yếu tố, trọng tâm là giảm phát và lạm phát, nên mức chi tiêu của người tiêu dùng cơ bản đều giảm.

Điều này dẫn đến hệ lụy là hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch của công ty đều khó đạt, chẳng hạn doanh thu và kim ngạch khả năng chỉ đạt khoảng 90%, còn chỉ tiêu lợi nhuận đến nay chỉ đạt xấp xỉ 50% kế hoạch của năm 2023. "Công ty đang cố gắng tăng tốc trong thời gian còn lại của năm để cố gắng đạt mức cao nhất đối với các chỉ tiêu của năm. Dự báo, khả năng đến quý III-2024 tình hình xuất khẩu thủy sản mới có khả năng khởi sắc”- ông Nguyễn Văn Đạo phân tích thêm.

Trái với ngành thủy sản xuất khẩu, ngành xay xát chế biến gạo xuất khẩu của Tiền Giang tăng mạnh trong năm 2023 so với 2022 do Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tạo cơ hội cho gạo xuất khẩu của Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng.

Giá trị gạo xuất khẩu
Giá trị gạo xuất khẩu cũng có mức tăng trưởng tốt trong năm 2023.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có năng lực mới trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tăng cao so với cùng kỳ, góp thêm cho sự gia tăng xuất khẩu của Tiền Giang, như: Công ty TNHH Want Want Việt Nam chế biến thực phẩm (bánh gạo, sữa) với vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng; Công ty cổ phần Công nghiệp thực phẩm Thabico Tiền Giang chế biến thực phẩm: Trái cây, dừa… với vốn đầu tư 700 tỷ đồng.

Chưa kể, ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic cũng có xu hướng tăng trong thời gian tới do Công ty TNHH Lốp Advance Việt Nam có vốn đầu tư 100% của nước ngoài (Trung Quốc) với vốn đầu tư hơn 214 triệu USD cho mục tiêu sản xuất, tiêu thụ lốp, cao su và các sản phẩm liên quan tại Tiền Giang.

Nhìn ở khía cạnh khác, kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang tăng cao có sự đóng góp đáng kể của ngành sản xuất kim loại. Ngành này đã tăng cao trong 6 tháng cuối năm 2023 do Công ty TNHH Gia công Đồng Hải Lượng là doanh nghiệp xuất nhập khẩu ống đồng và linh kiện lớn nhất tại Trung Quốc, nhà sản xuất ống hợp kim đồng lớn nhất thế giới, doanh nghiệp gia công đồng nổi tiếng quốc tế. Doanh nghiệp này hiện đã hợp tác kinh doanh lâu dài với hơn 800 khách ở trên toàn thế giới và với 188 quốc gia.

Chưa kể, hiện nay nhu cầu các sản phẩm kim loại như đồng, lithium và kẽm sẽ tăng trưởng bền vững vì những sản phẩm này là nguồn vật liệu quan trọng để chế tạo tuốc-bin gió, tấm pin mặt trời và pin xe điện, rất cần thiết cho tiến trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch. Bên cạnh đó, nguồn cung kim loại công nghiệp sẽ không bắt kịp nhu cầu vì các công ty khai khoáng đã không thể tăng đáng kể sản lượng. Nhu cầu sử dụng kim loại đang tăng nhanh, lượng hàng tồn kho kim loại khá thấp và Trung Quốc đã tái mở cửa nền kinh tế sớm hơn dự kiến làm cho nhu cầu sử dụng kim loại tăng nhanh trong thời gian tới.

Như vậy, nhìn một cách tổng thể hơn, mặc dù chịu nhiều yếu tố tác động, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, nhưng nhìn chung kim ngạch xuất khẩu năm 2023 của Tiền Giang vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt và sớm cán đích đã được đặt ra. Theo dự báo, kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang có khả năng vẫn còn giữ đà tăng trưởng trong thời gian tới.

TA

.
.
.