TP. Mỹ Tho: Trợ lực cho kinh tế tập thể phát triển
Với việc quan tâm triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế tập thể (KTTT), từ đó khu vực KTTT mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) trên địa bàn TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo UBND TP. Mỹ Tho, trên địa bàn TP. Mỹ Tho hiện có 38 HTX đăng ký hoạt động; trong đó, có 25 HTX đang hoạt động.
TĂNG CƯỜNG TUYÊN TRUYỀN, HỖ TRỢ
Để hỗ trợ các HTX, hằng năm, UBND TP. Mỹ Tho đã tham mưu cho Thành ủy Mỹ Tho ban hành các chương trình hành động, văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến phát triển KTTT.
UBND TP. Mỹ Tho thường xuyên rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX; phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho các thành viên và thực hiện tốt việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT.
HTX Thương mại Dịch vụ phường 1 - TP. Mỹ Tho là một trong những HTX điển hình toàn quốc. |
UBND TP. Mỹ Tho còn ban hành Kế hoạch phát triển KTTT 5 năm và cụ thể hóa từng năm. Đồng thời, triển khai kế hoạch hỗ trợ thành lập mới, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX theo thông báo của Liên minh HTX tỉnh; kế hoạch tuyên truyền, xúc tiến thương mại và nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ khác.
Theo đánh giá của UBND TP. Mỹ Tho, thời gian qua, khu vực KTTT mà nòng cốt là HTX trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực. Các HTX đã được tổ chức lại, từng bước khắc phục những hạn chế trong tổ chức, quản lý và hoạt động; xác định lại tư cách thành viên, mở rộng kết nạp thành viên mới, huy động thêm vốn góp của thành viên. Nhiều HTX nỗ lực đổi mới quản lý, điều hành, từ đó hiệu quả sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng, nâng cao đời sống của thành viên và nhân dân trong khu vực.
Theo UBND TP. Mỹ Tho, bên cạnh những thuận lợi, thành phố cũng còn gặp một số khó khăn trong phát triển KTTT. Cụ thể, công tác tham mưu ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển về KTTT và HTX theo Nghị quyết 13 ngày 18-3-2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT” còn chậm và thiếu tính đồng bộ. Các chính sách hỗ trợ HTX tuy nhiều, nhưng chưa đủ mạnh, thiếu những cơ chế, chính sách mang tính đột phá để hỗ trợ mạnh mẽ và thiết thực cho HTX. Một số cấp ủy, chính quyền phường, xã chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí của KTTT. Cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về KTTT ở thành phố, các phường, xã còn thiếu hoặc chỉ kiêm nhiệm nên việc quan tâm công tác phát triển HTX của các địa phương còn hạn chế. Nhiều HTX có quy mô hoạt động nhỏ, cơ sở vật chất còn hạn chế, thiếu vốn nhưng lại khó tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. Cán bộ quản lý điều hành HTX mặc dù có nhiều kinh nghiệm, tâm huyết, nhưng còn thiếu năng động, nhạy bén trong hoạt động kinh doanh, hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ, hiệu quả hoạt động chưa cao nên thu nhập của cán bộ HTX thấp, không ổn định; chưa thu hút được cán bộ trẻ về làm việc lâu dài cho HTX. Công tác tài chính, kế toán ở một số HTX thực hiện chưa nghiêm túc, chưa đúng quy định dẫn đến bị phạt, bị truy thu thuế. Hoạt động của các HTX còn thiếu gắn bó với nhau, chưa có sự liên doanh, liên kết trong hoạt động… |
Các HTX đã đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng GRDP chung của nền kinh tế. Đồng thời, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, tạo mối liên kết, hợp tác giữa các thành viên trong HTX và thành viên với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ và vừa khác.
Thông qua tổ chức và hoạt động, các HTX đã huy động có hiệu quả các nguồn lực của xã hội để mở rộng sản xuất, phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt trong nông nghiệp, nông thôn.
Các HTX đã tham gia tích cực vào việc giải quyết các vấn đề xã hội như tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Cụ thể, khu vực KTTT thu hút khoảng 7.000 thành viên, hộ thành viên, người lao động, góp phần giúp nhiều hộ thoát nghèo, ổn định cuộc sống…
Ngoài việc góp phần củng cố kết cấu hạ tầng nông thôn, hoàn thành tiêu chí số 13, các HTX đã góp phần không nhỏ trong việc hoàn thành các tiêu chí khác trong xây dựng nông thôn mới.
Điển hình trong lĩnh vực nông nghiệp nổi bật có HTX Nông nghiệp Tân Mỹ Chánh, HTX Nông nghiệp Mỹ Phong; về lĩnh vực thương mại, dịch vụ phải kể đến HTX Thương mại Dịch vụ phường 1 - TP. Mỹ Tho. Trên lĩnh vực tín dụng, thành phố có Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND) Tân Mỹ Chánh, QTDND phường 5 hoạt động nổi bật.
Hằng năm, các QTDND đều tăng tỷ lệ huy động vốn thành viên; thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ đúng quy định, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ không ngừng được nâng cao. Ngoài ra, với phương thức hoạt động linh hoạt, nhạy bén, các QTDND đã đầu tư cho thành viên vay đúng mục đích, mở rộng sản xuất, phát huy hiệu quả kinh doanh.
NÂNG CAO NĂNG LỰC, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG HTX
Theo lãnh đạo UBND TP. Mỹ Tho, để thúc đẩy phát triển KTTT, trong thời gian tới, TP. Mỹ Tho đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả nhằm tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, người dân.
TP. Mỹ Tho sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ phát triển KTTT. |
Đồng thời, thực hiện chương trình, kế hoạch đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX; gắn với việc xây dựng các mô hình liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.
Ngoài các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và các nguồn vốn khác, thành phố sẽ nghiên cứu, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ các HTX cụ thể cho từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phù hợp theo Đề án Tái cơ cấu các ngành của TP. Mỹ Tho.
Thành phố sẽ rà soát chấn chỉnh hoạt động của các HTX hiện có theo đúng Luật HTX năm 2012. Đồng thời, chỉ đạo xử lý dứt điểm bằng cách giải thể hoặc chuyển đổi sang hình thức hoạt động khác đối với các HTX đã ngừng hoạt động và không đủ điều kiện tổ chức, đăng ký lại hoạt động.
TP. Mỹ Tho sẽ chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh HTX tỉnh xây dựng kế hoạch phối hợp để tập trung nguồn lực xây dựng những mô hình HTX hoạt động hiệu quả phù hợp với điều kiện, nhu cầu của thực tiễn. Thành phố sẽ tổ chức đối thoại thường xuyên với các HTX để phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chính sách hiện hành.
Cùng với đó, thành phố có kế hoạch tăng cường đào tạo cán bộ HTX, chú trọng phổ biến kinh nghiệm từ các mô hình HTX hoạt động hiệu quả để nhân rộng; hỗ trợ nâng cao năng lực, trao đổi kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả.
Một trong những nội dung trọng tâm là thành phố sẽ củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực hoạt động và hoạt động hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước về KTTT; tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về HTX ở các cấp.
Ngoài ra, TP. Mỹ Tho sẽ phối hợp Liên minh HTX tỉnh tổ chức các buổi tập huấn, lồng ghép các nội dung tuyên truyền; các chính sách hỗ trợ đến các HTX, cán bộ phường, xã để phát huy hiệu quả trong xây dựng, phát triển KTTT.
M. THÀNH