Bến Tre sẽ có tuyến cao tốc kết nối TP.HCM - Tiền Giang - Trà Vinh - Sóc Trăng
Sáng 5/12, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức lễ công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, tỉnh sẽ có tuyến cao tốc, quốc lộ, đường bộ ven biển được thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể, tỉnh sẽ cải tạo, nâng cấp 5 tuyến đường tỉnh hiện hữu và đầu tư mới 10 tuyến đường tỉnh. Cùng với đó, nâng cấp và xây dựng mới các tuyến đường đô thị, đường huyện theo quy hoạch đô thị, nông thôn, quy hoạch xây dựng vùng huyện và liên huyện.
Đồng thời, sẽ nâng cấp và xây dựng mới hệ thống bến xe tại các huyện, thành phố, xây dựng các bãi đỗ xe công cộng trong khu vực trung tâm huyện, thành phố, khu công nghiệp, khu dân cư, khu hành chính…
Quy hoạch cũng nêu rõ, tuyến cao tốc TP.HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng, có điểm đầu ranh tỉnh Tiền Giang, điểm cuối ranh tỉnh Trà Vinh, với quy mô bốn làn xe.
Đối với tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre - Tiền Giang - Trà Vinh với quy mô đường cấp III đồng bằng, 4-6 làn xe. Trên tuyến này xây dựng ba cầu, cầu Cửa Đại nối tỉnh Bến Tre - Tiền Giang và đường vào cầu, dài gần 9km. Cầu bê tông cốt thép rộng 22,5m. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 4.749 tỷ đồng.
Theo Sở GTVT tỉnh Bến Tre, dự án cầu Cửa Đại, UBND tỉnh đã kiến nghị Chính phủ chấp thuận tổng hợp danh mục dự án vào Chương trình DPO; đề xuất thực hiện đầu tư các dự án theo nguyên tắc áp dụng cơ chế tài chính cấp phát 100% vốn ngân sách Trung ương.
Cầu Ba Lai 8, liên huyện Bình Đại - Ba Tri, tỉnh Bến Tre, điểm đầu huyện Bình Đại, điểm cuối huyện Ba Tri, với quy mô 4 - 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h. Cầu bắc qua sông Ba Lai, có chiều dài hơn 536m, bề rộng mặt cầu 22,5m, đường dẫn vào cầu khoảng 12km, tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 2.255 tỷ đồng, vốn Trung ương hỗ trợ gần 1.500 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 755 triệu đồng, sẽ thực hiện trong năm 2023-2025. Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Bến Tre làm chủ đầu tư.
Cầu Cổ Chiên 2 kết nối tỉnh Bến Tre - Trà Vinh, có chiều dài cầu và đường gần 5km, 4 - 6 làn xe.
Mới đây, dự án cầu Cổ Chiên 2 đã được Quốc hội bổ sung vào danh mục Nghị quyết đặc thù tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Cầu Cổ Chiên 2 nằm trên tuyến đường ven biển kết nối 7 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, từ Long An đến Cà Mau.
Theo phương án đề xuất của tỉnh Trà Vinh, cầu bằng bê tông cốt thép đúc hẫng cân bằng, tải trọng thiết kế HL93, tĩnh không thông thuyền sông cấp đặc biệt, chiều dài cầu khoảng 2.100m. Trong đó, nhịp chính dài khoảng 630m, nhịp dẫn dầm super T dài khoảng 1.470m, mặt cắt ngang bốn làn xe.
Đường dẫn cầu quy mô bốn làn xe, tổng chiều dài 2.800m. Trong đó, đường dẫn phía Trà Vinh dài 1.300m nối vào dự án đường hành lang ven biển trên địa bàn tỉnh. Đường dẫn phía Bến Tre dài khoảng 1.500m nối vào dự án đường bộ ven biển Bến Tre.
Cầu Cổ Chiên 2 sẽ hoàn thành cùng thời gian thực hiện xây dựng tuyến đường hành lang ven biển, dự kiến đưa vào khai thác sử dụng trước năm 2030.
Cầu có tổng mức đầu tư khoảng 3.300 tỷ đồng bằng ngân sách Trung ương cấp 100% từ nguồn vốn vay nước ngoài.
"Với tinh thần đồng khởi mới, cùng với sự thống nhất trong ý chí, hành động của hệ thống chính trị, nhân dân tỉnh Bến Tre và hơn hết chúng ta có một bản quy hoạch chất lượng, khả thi. Từ đó, tôi tin tưởng Bến Tre sẽ có sự phát triển đột phá trong thời kỳ 2021-2030 và khẳng định được vị thế, tầm vóc của tỉnh đến năm 2050 trong thời gian sớm nhất", ông Tam chia sẻ.
Theo Báo điện tử Giao Thông