.
HÀNH TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Bài 2: Đồng bộ hạ tầng

Cập nhật: 13:29, 09/12/2023 (GMT+7)

Bài 1: Xây dựng nền móng bền chặt

Trong hành trình xây dựng nông thôn mới (NTM), phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng trong tỉnh là một trong những bước đi căn bản.

Thông qua nhiều nguồn lực khác nhau, hạ tầng giao thông của Tiền Giang cơ bản có diện mạo mới, nhất là sau khi triển khai đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

BƯỚC ĐI CĂN BẢN

Chủ trương hoàn thiện và nâng cao hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn xã, hạ tầng giao thông kết nối liên xã, liên huyện đã được Tiền Giang tập trung thực hiện trong nhiều năm qua và gặt hái được những kết quả rất to lớn. Từ đó, diện mạo từ nông thôn đến thành thị khoác lên mình chiếc áo mới tinh tươm hơn, đặc biệt là trong những năm gần đây.

Thời gian qua, Tiền Giang tập trung đầu tư các cống ngăn mặn trên đường tỉnh 864.
Thời gian qua, Tiền Giang tập trung đầu tư các cống ngăn mặn trên đường tỉnh 864.

Trong niềm vui chung, ông Nguyễn Long Đăng (xã Bình Xuân, TX. Gò Công) cho biết, từ khi thực hiện chủ trương xây dựng NTM trên địa bàn xã, diện mạo của xã đã khác hơn trước rất nhiều. Hầu hết các tuyến đường giao thông nông thôn đều được nhựa hóa, chí ít cũng được láng bê tông.

“Đặc biệt, từ khi xây dựng cầu Bình Xuân, rồi tỉnh đầu tư đường tỉnh 873 thông suốt, người dân trên địa bàn xã nói riêng và trong khu vực phía Đông nói chung rất phấn khởi. Bởi nơi đây xưa kia là vùng đất khó, bà con đi lại rất khó khăn”- ông Nguyễn Long Đăng cho biết.

Xây dựng, hoàn thiện các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, đảm bảo chất lượng đạt chuẩn theo quy định nhằm góp phần nâng cao đời sống cho người dân, nhất là khu vực phía Đông của tỉnh, là một trong những bước đi căn cơ của Tiền Giang.

Để đảm bảo đủ áp cung cấp cho tất cả các hộ dân trên mạng lưới hiện hữu và phát triển thêm các tuyến ống nhánh đến các cụm dân cư chưa có nước sử dụng địa bàn các huyện phía Đông theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đề ra đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung đạt trên 97%, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án Đường ống cấp nước phía Đông và Trạm bơm tăng áp Gò Công nhằm bổ cấp nguồn nước từ Nhà máy nước Đồng Tâm về các khu vực thiếu nguồn nước cung cấp trên địa bàn các huyện phía Đông, với tổng mức đầu tư 270 tỷ đồng tại Quyết định 3746 ngày 31-10-2019, thời gian thực hiện dự án từ năm 2020 - 2024.

Đến nay, dự án đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Hiện trên địa bàn tỉnh có 536 trạm cấp nước đang cung cấp cho hơn 96% hộ dân nông thôn, cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ sinh hoạt cho người dân.

Còn nhìn trên bức tranh tổng thể hơn, theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh Tiền Giang, nếu tính từ tháng 7-2021 đến tháng 6-2023, toàn tỉnh đã thực hiện đầu tư mới hơn 343 km đường giao thông (trong đó, hơn 79 km đường huyện, gần 4 km đường xã, hơn 126 km đường ấp và hơn 110 km đường ngõ xóm), nâng cấp hơn 1.031 km, bảo trì 105 km đường giao thông nông thôn và đầu tư mới 44 cầu giao thông nông thôn đã giúp cho người dân nông thôn đi lại thuận tiện hơn, việc trung chuyển hàng hóa tốt hơn, giảm chi phí vận chuyển, tăng hiệu quả sản xuất, nhất là đối với các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.

Không chỉ tập trung đầu tư hệ thống giao thông, trong những năm gần đây, Tiền Giang còn đặc biệt chú trọng hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống thủy lợi và phòng, chống thiên tai cấp xã, huyện, đảm bảo bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Từ nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh đã từng bước đầu tư hoàn chỉnh các hệ thống thủy lợi; cải tạo, nâng cấp công trình đầu mối, kinh chính thông qua việc thực hiện các công trình, dự án sau: Dự án Hệ thống thủy lợi Trạm bơm Xuân Hòa giai đoạn 2018 - 2021; Dự án Xây dựng hạ tầng phát triển và bảo vệ vùng cây ăn trái Thuộc Nhiêu - Mỹ Long; Kè phòng, chống sạt lở bờ sông Tiền, đoạn cù lao Tân Long và Kè phòng, chống sạt lở bờ kinh 28 huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang thuộc Dự án Xử lý cấp bách bờ sông, bờ biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; Cống âu Nguyễn Tấn Thành thuộc Dự án Công trình kiểm soát nguồn nước kinh Nguyễn Tấn Thành và bờ hữu sông Vàm Cỏ Tây; Đầu tư xây dựng hệ thống cống ngăn mặn tại đầu các kinh, rạch ra sông Tiền trên đường tỉnh 864 (giai đoạn 1); Xử lý xói lở bờ biển Gò Công Đông (đoạn từ cống Tân Thành đến Khu du lịch Tân Thành)....

Ngoài ra, tỉnh còn tập trung thực hiện thi công nạo vét thủy lợi nội đồng, với khối lượng hơn 2,3 triệu m3. Hiện nay, hệ thống công trình thủy lợi toàn tỉnh đã cơ bản đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các công trình thủy lợi đều phát huy tốt tác dụng và thường xuyên được duy tu, bảo dưỡng đã góp phần ổn định hoạt động sản xuất cho người dân và tạo điều kiện để hình thành nên các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung theo định hướng phát triển.

KẾT NỐI VÙNG NGUYÊN LIỆU

Bên cạnh tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, tỉnh còn chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ các vùng nguyên liệu tập trung gắn với liên kết chuỗi giá trị, cơ sở hạ tầng các cụm làng nghề, ngành nghề nông thôn.

 Triển khai Dự án Đường ống cấp nước phía Đông của tỉnh góp phần nâng cao đời sống người dân.
Triển khai Dự án Đường ống cấp nước phía Đông của tỉnh góp phần nâng cao đời sống người dân.

Theo đó, Tiền Giang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt chủ trương đầu tư công trình giao thông và thủy lợi phục vụ vùng nguyên liệu trái cây chế biến và xuất khẩu (thuộc Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025) trên địa bàn 4 huyện, thị: Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, TX. Cai Lậy, gồm: 6 hạng mục đường giao thông nông thôn, với tổng mức đầu tư hơn 26 tỷ đồng và 4 công trình thủy lợi, với tổng mức đầu tư hơn 7,3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh Tiền Giang (Dự án VnSAT) cũng được tập trung thực hiện, đã hỗ trợ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng sản xuất cho các hợp tác xã giai đoạn 2018 - 2022, với 20 tiểu dự án tại huyện Cai Lậy, Gò Công Tây và TX. Cai Lậy (trong đó, năm 2021 - 2022 thực hiện 9 tiểu dự án).

Theo đó, các tiểu dự án đã triển khai thực hiện đầu tư nâng cấp 27 tuyến đường giao thông nông thôn, với kết cấu láng nhựa/trải bê tông, trải đá cấp phối có tổng chiều dài hơn 73 km, 36 cây cầu giao thông nông thôn, 28 cái cống, 7 nhà kho và 4 nhà bao che lò sấy. Các công trình giao thông nông thôn được đầu tư bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực, đáp ứng nhu cầu của người dân nông thôn.

Nhìn ở khía cạnh khác, trong hành trình xây dựng NTM, Tiền Giang còn hướng đến mục tiêu phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng số, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, tỉnh đã tập trung phát triển hạ tầng mạng di động 4G trên phạm vi toàn tỉnh, triển khai lắp đặt thử nghiệm mạng di động 5G tại một số khu vực trung tâm của tỉnh; đẩy mạnh triển khai hạ tầng trang thiết bị công nghệ thông tin trong ngành Nông nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin/thí điểm chuyển đổi số của ngành; triển khai hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành Nông nghiệp, tổng đài hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã được triển khai đưa vào sử dụng thí điểm giai đoạn 1 phục vụ công tác quản lý của ngành.

Ngoài ra, tỉnh còn xây dựng và áp dụng Hệ thống kết nối thông tin nông nghiệp, nông dân, nông thôn (http://htttnongnghiep.tiengiang.gov.vn); đồng thời, cũng đã tích hợp thông tin vào app TienGiangS để thuận tiện trong việc cập nhật, quản lý, khai thác, sử dụng thông tin và tiếp tục thực hiện xây dựng các phần mềm phục vụ công tác quản lý ngành như: Xây dựng APP (ứng dụng) phòng, chống thiên tai cho tỉnh Tiền Giang; phần mềm ứng dụng hỗ trợ việc điều hành, quản lý, ứng phó trong công tác sơ tán dân để phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Tiền Giang…

Bên cạnh đầu tư hạ tầng giao thông, chuyển đổi số trong nông nghiệp, hành trình xây dựng NTM của Tiền Giang còn hướng đến mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, hướng đến mục tiêu không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân.

A.P

(Còn tiếp)

.
.
.