.
HÀNH TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Bài cuối: Thước đo hiệu quả

Cập nhật: 09:18, 14/12/2023 (GMT+7)

Bài 1: Xây dựng nền móng bền chặt

Bài 2: Đồng bộ hạ tầng

Bài 3: Thay đổi kinh tế nông thôn

Hành trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của Tiền Giang đã chạm đến nhiều dấu mốc mới, với nhiều kết quả rất quan trọng. Đây là kết quả của sự nỗ lực trong suốt thời gian dài của Tiền Giang.

Kinh tế nông thôn khởi sắc, đường sá khang trang, giảm nghèo bền vững… là thước đo cho kết quả xây dựng NTM của Tiền Giang.

NGƯỜI DÂN THỤ HƯỞNG

Diện mạo nông thôn xã Bình Xuân (TX. Gò Công) khởi sắc nhờ chủ trương xây dựng NTM.
Diện mạo nông thôn xã Bình Xuân (TX. Gò Công) khởi sắc nhờ chủ trương xây dựng NTM.

Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh Tiền Giang, một trong những kết quả nổi bật thông qua chương trình xây dựng NTM trên địa bàn Tiền Giang thời gian qua là diện mạo nông thôn thực sự khởi sắc, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư xây dựng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa... từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất, phục vụ tốt hơn đời sống nhân dân, tạo diện mạo mới khang trang ở nhiều địa phương, đã làm thay đổi căn bản khu vực nông thôn.

Đồng thời, thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp đạt kết quả quan trọng; sản xuất nông nghiệp đã từng bước dịch chuyển sang hướng sản xuất hàng hóa, xác định được các sản phẩm hàng hóa chủ lực để phát triển; kinh tế tập thể từng bước ổn định, phát triển liên kết theo chuỗi giá trị gắn với an toàn thực phẩm. Đây là những tiền đề rất quan trọng góp phần tạo sinh kế, nâng cao đời sống người dân nông thôn, giảm nghèo một cách bền vững. Đây cũng là đích đến cuối cùng của chủ trương xây dựng NTM nói chung.

Thông qua chương trình xây dựng NTM, người dân nông thôn được hưởng lợi lớn là điều khó có thể bàn cãi. Mấy mươi năm gắn bó với vùng đất đầy khó khăn, ông Lê Minh Đức (ấp Cộng Lạc, xã Bình Đông, TX. Gò Công) mới cảm nhận được những đổi thay của quê hương mình, nhất là sau khi thực hiện chủ trương xây dựng NTM ở địa phương.

Ông Đức cho rằng, mấy mươi năm, vùng đất này đường sá bùn lầy, xe gắn máy chỉ đếm trên đầu ngón tay, cả xe đạp cũng chưa có, làm lúa 1 vụ chỉ cho năng suất khoảng 3 tấn/tấn, có khu vực cây chuối còn không sống nổi. Sau ngày miền Nam giải phóng, người dân trong vùng tiếp tục thất mùa, đời sống vẫn còn nhiều khó khăn.

Đến năm 1997, sau khi triển khai chủ trương ngọt hóa, vùng đất này bắt đầu chuyển động, các nghề truyền thống được mở ra, đời sống người dân được nâng lên rất cao. “Đặc biệt, những năm gần đây, thực hiện chủ trương xây dựng NTM, diện mạo Bình Đông đã khác đi nhiều, cuộc sống người dân khá giả hơn nhiều.

Nhờ đó, từ chỗ thu nhập bình quân đầu người mỗi năm tầm khoảng 3,5 triệu đồng vào năm 1993, nay đã tăng lên hơn 50 triệu đồng. Hiện nay, nhà tre lá trên địa bàn không còn, chủ yếu là nhà 3 cứng”- ông Đức cho biết.

Điều tất nhiên là, thông qua thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có hiệu quả từ chủ trương xây dựng NTM đã góp phần rất lớn trong cải thiện đời sống của người dân nông thôn, đặc biệt là trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh Tiền Giang gần đây, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh cũng đã thay đổi đáng kể. Nếu như vào cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 giảm còn 1,47%, đạt vượt kế hoạch đề ra; tương đương 1,6% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025; năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 1,27% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, đạt vượt kế hoạch đề ra.

Dự kiến năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh giảm khoảng 0,2% so với năm 2022 và phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn dưới 1% theo kế hoạch của Tỉnh ủy đề ra.

GIỮ VỮNG VÀ TIẾP NỐI

Nhìn một cách tổng thể, chủ trương xây dựng NTM được triển khai trên địa bàn tỉnh những năm qua đã gặt hái được nhiều kết quả quan trọng. Tiếp nối thành công này, Tiền Giang đang hướng đến mục tiêu vào năm 2025, tất cả các đơn vị cấp huyện trên địa bàn tỉnh được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn NTM hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có ít nhất 2 huyện được Thủ tướng Chính phủ có quyết định công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao và tỉnh Tiền Giang được Thủ tướng Chính phủ có quyết định công nhận là tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025…

Đường sá xã Bình Đông (TX. Gò Công) được đầu tư thông thoáng.
Đường sá xã Bình Đông (TX. Gò Công) được đầu tư thông thoáng.

Từ chủ trương lớn này, bộ mặt nông thôn đã được thay đổi một cách đáng kể. Điều này không ai phải bàn cãi. Tuy nhiên, quan điểm chung của tỉnh và địa phương là xây dựng NTM phải dựa trên nền tảng vững chắc, tức là phải đảm bảo các tiêu chí và không chạy theo thành tích về số lượng.

Điều này thể hiện rất rõ qua chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM thời gian qua là phải có kế hoạch củng cố, nâng chất và có kế hoạch cụ thể để “trả nợ” một số tiêu chí do thực hiện theo Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM.

Một góc nhìn khác, một lãnh đạo tỉnh cũng nhìn nhận là không có sự “lệch lạc” trong quá trình xây dựng NTM. Nếu chúng ta quá chạy theo việc xây dựng về vật chất cũng chưa hẳn là điều tốt. Việc xây dựng một cộng đồng nông thôn biết tự quản toàn diện là hướng chúng ta cũng cần phải tập trung.

Thực tế cũng cho thấy, hiện nay chúng ta mới dừng lại một cộng đồng ở nông thôn tự quản về an ninh trật tự, muốn phát triển hơn nữa cộng đồng dân cư ở nông thôn phải tự quản được về mặt kinh tế, quản lý về môi trường và quản lý xã hội.

Như vậy, cộng đồng nông thôn mới đủ mạnh để chống lại sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội. Và như thế, mới có thể giữ được nông thôn thực sự là một nơi gìn giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Chúng ta để mất nông thôn là dường như mất hết những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tất nhiên, phát triển đô thị là một điều tất yếu, nhưng đối với vùng đồng bằng này, đời sống nông thôn rất quan trọng.

Chúng ta thành thị hóa nông thôn, xây dựng lối sống nông thôn như thành thị, điều này mới thể hiện được nét văn minh đô thị và nông thôn. Đó cũng là một trong những đích đến cần nghiên cứu thông qua chủ trương xây dựng NTM.

Hành trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Tiền Giang vẫn còn đang tiếp diễn. Do vậy, theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh Tiền Giang, một trong những nhiệm vụ trong thời gian tới là tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách, pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi để giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề ở nông thôn; triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường và con người để phục vụ cho ngành trồng trọt, chăn nuôi.

Đồng thời, các sở, ngành địa phương cũng tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung thành phần, chương trình hỗ trợ xây dựng NTM: Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, đổi mới phương thức quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở.

Bên cạnh đó, các đơn vị có liên quan sẽ triển khai thực hiện hiệu quả 6 Chương trình chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn: Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM; Chương trình phát triển du lịch nông thôn; Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh; Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng NTM; Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng NTM.

Kết quả xây dựng NTM của Tiền Giang sẽ là tiền đề rất quan trọng để thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển. Đây cũng sẽ là nền tảng vững chắc để góp phần tạo sinh kế, cải thiện đời sống vùng nông thôn.

A.P

.
.
.