Hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa
(ABO) Thực hiện Nghị quyết 04 của HĐND tỉnh Tiền Giang về phân bổ nguồn kinh phí hỗ trợ và bảo vệ phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (gọi tắt Nghị quyết 04), năm 2023, UBND huyện Gò Công Tây đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các mô hình hỗ trợ cho người trồng lúa trên địa bàn huyện theo Nghị quyết 04 đạt nhiều kết quả tích cực.
Để thực hiện các mô hình hỗ trợ cho người trồng lúa trên địa bàn huyện theo Nghị quyết 04 hiệu quả, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) huyện Gò Công Tây đã phối hợp các ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong canh tác lúa; phổ biến, nhân rộng các mô hình sản xuất lúa tiên tiến ứng dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất, xuống giống, chăm sóc, quản lý và thu hoạch đến nông dân.
Đồng thời, khuyến khích nông dân tăng cường sử dụng phân hữu cơ, giảm sử dụng phân vô cơ trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường; tuyên truyền đẩy mạnh việc cập nhật các kiến thức mới về công tác phòng, chống sâu bệnh, bảo vệ sản xuất lúa trong điều kiện hạn, mặn. Qua đó, góp phần hỗ trợ thực hiện liên kết chuỗi trong sản xuất lúa, hình thành vùng sản xuất lúa tập trung, nâng cao chuỗi giá trị trong ngành hàng lúa gạo nói chung.
Nông dân huyện Gò Công Tây áp dụng thử nghiệm phun thuốc bằng máy bay không người lái. |
Trong năm 2023, ghi nhận về tình hình sản xuất lúa trên địa bàn huyện Gò Công Tây cho thấy, đa số bà con nông dân đều áp dụng đúng quy trình kỹ thuật canh tác, chương trình quản lý dịch hại và áp dụng IPM. Đặc biệt, ngành Nông nghiệp huyện đã triển khai ứng dụng cơ giới hóa tất cả các khâu trong quá trình sản xuất. Nông dân cũng nâng cao ý thức tăng cường sử dụng phân hữu cơ, sử dụng phân hóa học cân đối, tiết kiệm đảm bảo hiệu quả bền vững, góp phần nâng cao giá trị nông sản lúa gạo an toàn chất lượng, thân thiện môi trường, hạn chế tình trạng ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong lúa gạo gây ảnh hưởng sức khỏe con người.
Vụ đông xuân 2023 - 2024, huyện Gò Công Tây đã triển khai thực hiện mô hình cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa có quy mô 80 ha tại các xã Bình Nhì, Thạnh Nhựt, Thành Công, Bình Phú… Theo đó, bà con nông dân và các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đăng ký áp dụng cơ giới hóa từ tất cả các khâu trong quá trình sản xuất như làm đất, gieo sạ, bón phân, phun thuốc. Ngoài ra, nông dân trong mô hình còn áp dụng quy trình "1 phải, 5 giảm" trong quá trình sản xuất như sử dụng giống đạt chất lượng cao, lượng giống 100 kg/ha, phân bón sử dụng theo công thức 95N-40P2O-30K2O, quản lý dịch hại, áp dụng IPM,…
Cùng với đó, huyện còn triển khai thực hiện mô hình "Sản xuất lúa hữu cơ" với quy mô 100 ha tại các xã Bình Nhì, Thạnh Nhựt, Thành Công, Bình Phú. Theo đó, bà con nông dân tham gia mô hình phải tuân thủ quy trình sản xuất lúa hữu cơ theo nguyên tắc giảm lượng phân bón vô cơ, phân hóa học trong sản xuất lúa, ưu tiên sử dụng phân bón vi sinh, phân hữu cơ nguồn gốc an toàn, hạn chế toàn bộ lượng thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng.
Vừa qua, tại ấp Bình Đông Trung, xã Bình Nhì, ngành Nông nghiệp huyện Gò Công Tây và HTX Nông nghiệp dịch vụ Bình Nhì đã tổ chức điểm trình diễn mô hình cơ giới hóa trên cánh đồng gần 0,4 ha của nông dân Đỗ Văn Lượng với quy trình làm đất bằng máy cày, máy xới, gieo sạ và bón phân bằng máy móc hiện đại.
Theo Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Gò Công Tây Nguyễn Thị Thanh Minh, qua theo dõi việc bà con nông dân trong việc áp dụng mô hình cơ giới hóa trong sản xuất lúa rất hiệu quả, tiết kiệm chi phí lúa giống, phân bón, tiết kiệm được công lao động, thời gian gieo sạ xuống giống và bón phân bằng máy diễn ra nhanh gọn, số lượng vật tư nông nghiệp giảm hơn nhiều so với phương pháp gieo sạ, bón phân bằng tay, vừa tốn thời gian, vừa tốn chi phí công lao động. Hiệu quả của việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất giúp lượng lúa giống, phân bón trải đều, ít hao và mang lại hiệu quả hơn.
Nông dân huyện Gò Công Tây gieo sạ lúa. |
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp huyện Gò Công Tây, đến nay toàn huyện có 540 máy cày, 270 nông cụ sạ lúa theo hàng, trong đó có máy phun giống là 254 máy, 11.124 máy phun thuốc bảo vệ thực vật, 65 máy sấy lúa, 146 máy gặt đập liên hợp, 108 máy cuốn rơm, 1 máy cấy lúa. Với tỷ lệ cơ giới hóa hiện nay trong các khâu được ghi nhận như sau: Tỷ lệ làm đất bằng máy, bơm tát bằng máy và sử dụng máy phun thuốc đều đạt 100%; tỷ lệ gieo sạ bằng công cụ sạ hàng và máy cấy đạt gần 10% diện tích gieo trồng.
Đặc biệt, trong thời gian qua, huyện đã triển khai thực hiện phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái (Drone) tại các xã Long Bình, Bình Tân, Vĩnh Hựu với quy mô hơn 60 ha, quy trình máy bay phun thuốc giúp giảm nhân công lao động, giảm thất thoát thuốc hơn 30% trong quá trình phun xịt, giảm giá thành sản xuất, tiết kiệm nước 95% - 97%, giúp hạn chế ô nhiễm môi trường, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe cho người phun thuốc.
Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ mới, cơ giới hóa trong quy trình sản xuất lúa giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, nhân công, nâng cao thu nhập cho nông dân trồng lúa. |
Nhìn chung, thông qua tập huấn, đẩy mạnh tuyên truyền áp dụng các mô hình cơ giới hóa trong quy trình sản xuất lúa giúp mang lại nhiều hiệu quả đáng kể cho nông dân, góp phần tăng thu nhập, tăng giá trị nông sản hàng hóa, hướng đến nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường. Đây cũng là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện nay mà ngành Nông nghiệp huyện Gò Công Tây đang hướng tới.
KIM LAN - QUẾ ANH