Bài 1: Đóng góp của ĐBSCL sẽ quay về thập niên 90?
Thể chế hợp tác vùng rất quan trọng với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vì đây là tiền đề để chính quyền các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ, để doanh nghiệp đầu tư kinh doanh thuận lợi và nguồn lực được sử dụng hiệu quả nhất. Do đó, cải thiện mạnh mẽ thể chế hợp tác vùng chính là nền tảng để ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững thời gian tới…
Nội dung nêu trên cũng là thông điệp chính của báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL 2023 với chủ đề “các nút thắt thể chế, quản trị và liên kết vùng” - một công trình nghiên cứu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM) cùng nhóm chuyên gia thực hiện. Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL 2023 được công bố hôm 12-12 ở thành phố Cần Thơ.
Tăng trưởng kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long lần đầu tiên cao hơn cả nước sau khoảng một thập niên thấp hơn. Ảnh: Trung Chánh |
Tăng trưởng kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang chiếm ưu thế so với mức bình quân chung của cả nước. Thế nhưng, tín hiệu tăng trưởng kinh tế hiện nay liệu có được tiếp tục duy trì để tăng tỷ lệ đóng góp của ĐBSCL cho cả nước như đã từng diễn ra ở thời kỳ của những năm 1990 hay không?
Sau hơn 10 năm, lần đầu tăng trưởng kinh tế vùng cao hơn cả nước
Tại buổi công bố báo cáo, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM) cho biết, ĐBSCL đón tin vui khi lần đầu tiên sau hơn 10 năm, tăng trưởng kinh tế (GRDP) quay lại mức cao hơn bình quân chung cả nước.
Cụ thể, trong năm 2022, lần đầu tiên đánh dấu GDRP của ĐBSCL đạt 8,51% so với mức 8,02% của cả nước và con số này của 9 tháng đầu năm 2023 là 6,01% so với 4,24%, giúp từng bước thu hẹp khoảng cách giữa ĐBSCL so với cả nước.
Những số liệu thống kê cho thấy, vào hai thập niên trước, tức khoảng năm 2002, đóng góp của ĐBSCL khoảng 16% GDP của cả nước, nhưng đến 2022, tỷ trọng này chỉ còn 12%. Trước đó, vào năm 1990, GDRP của ĐBSCL đóng góp 27% cho toàn quốc.
Vậy vấn đề được đặt ra, đó là liệu những tính hiệu tích cực của ĐBSCL trong năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023 như đã nêu ở trên có giúp ĐBSCL “lấy lại phong độ” như đã từng đóng góp vào những năm 1990 hay không?
Kết quả sẽ biết được trong một tương lai gần, nhưng có một thực tế, đó là dù tốc độ tăng trưởng kinh tế ĐBSCL cao hơn so với cả nước, nhưng nếu so với năm 2022, thì GRDP của ĐBSCL trong 9 tháng đầu năm 2023 đang suy giảm, đạt mức 6,01% so với 8,51% của năm 2022. “Đây là bức tranh đáng buồn của ĐBSCL”, ông Tự Anh nói.
Trong khi đó, về cơ cấu kinh tế, khoảng 5 năm trở lại đây, ĐBSCL hầu như không có sự thay đổi khi sự dịch chuyển của “nông nghiệp” sang “công nghiệp và dịch vụ” chỉ dao động trong khoảng 1-2 điểm phần trăm, dù không thiếu những nghị quyết, chỉ thị cũng như định hướng đã được ban hành nhằm đổi mới, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh hơn. “Điều này có nghĩa đang có những “nút thắt” then chốt, nếu không tháo gỡ, dù có ra chỉ thị, chính sách như thế nào thì tình trạng này (không có sự thay đổi cơ cấu kinh tế – PV) vẫn xảy ra”, ông Tự Anh đánh giá và cho rằng, đây là những con số “không đi theo nghị quyết, không đi theo một chương trình hành động nào cả, mà là con số của hiện thực khách quan”.
Về sản xuất công nghiệp, ĐBSCL có tốc độ tăng trưởng rất mạnh trong năm 2022 (năm 2021 âm 2%) khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 11,8%, cao hơn mức bình quân cả nước. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm 2023, con số này chỉ còn khoảng 5,8%, tức giảm phân nửa so với 2022. Điều này cho thấy, công nghiệp ĐBSCL đang gánh chịu những tác động chung của nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam.
Một điều đặc biệt, theo ông Tự Anh, đó là ĐBSCL lại rất mạnh về thương mại, mà cụ thể nếu nhìn vào tổng thương mại bán lẻ, thì vùng này chỉ thua Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Hồng, tức vượt tất cả những vùng còn lại.
“Nếu chúng ta tính chỉ số rất quan trọng, đó là tổng giá trị thương mại chia cho tổng thu nhập, thì ĐBSCL luôn trên 110%, trong khi đó, cả nước chỉ hơn 90%, tức vùng đang có giá trị phát triển thương mại cao hơn so với nền kinh tế”, ông Tự Anh cho biết và gợi ý, doanh nghiệp ĐBSCL nên tập trung thúc đẩy điểm mạnh của thương mại, trong khi cơ quan Nhà nước hỗ trợ phát triển hạ tầng thương mại, nhất là thương mại điện tử cho vùng.
TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc FSPPM. Ảnh: Trung Chánh |
Vòng xoáy nguồn nhân lực vẫn… “đi xuống”
Sau hai năm Covid-19 (2020 - 2021), lao động từ vùng Đông Nam bộ và TPHCM về lại ĐBSCL, khiến dân số tăng nhanh (năm 2020 tăng 0,21% và 2021 là 0,6%), nhưng đến năm 2022, dân số vùng ĐBSCL tiếp tục quay lại quỹ đạo trước dịch (2022 còn 0,05%), tức người lao động tiếp tục quay trở lại Đông Nam bộ và TPHCM. “Đây là bức tranh phản ánh quy luật khách quan của thị trường, lao động sẽ “chảy” về nơi có nhiều cơ hội và điều kiện phát triển”, ông Tự Anh nói.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo của ĐBSCL cũng thấp nhất cả nước, thậm chí thấp hơn cả Tây Nguyên và miền núi phía Bắc; tương tự như vây, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm của ĐBSCL lại cao nhất nước.
Vị giám đốc FSPPM cho rằng, vấn đề nêu trên là điều “thú vị” nhìn từ góc độ của nhà khoa học, nhưng rất đáng suy ngẫm đối với các nhà làm chính sách, bởi ĐBSCL chấp nhận có một lượng di dân lớn, nhưng với lực lượng lao động còn lại vẫn thất nghiệp cao và thiếu việc làm. “Đây là thực trạng đáng buồn và điều này có nghĩa ĐBSCL đang thiếu cơ hội “nội sinh” của nền kinh tế”, ông nói và cho rằng, điều này còn gây ra những vấn đề cả về mặt an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo và niềm tin của xã hội đối với sự phát triển.
Về thu nhập trung bình của ĐBSCL, thì luôn thấp hơn mức bình quân cả nước, thậm chí tương lai có thể bị vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung “bắt kịp”, nếu phát triển của ĐBSCL không có đột phá.
Môi trường kinh doanh và đầu tư suy giảm
Trong khi đó, với Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nếu trước đây, PCI là niềm tự hào của ĐBSCL khi cao hơn mặt bằng chung, thì đến năm 2021, PCI trung bình của vùng giảm xuống bằng mức trung bình cả nước. Đến hiện nay (2022), PCI của ĐBSCL đã thấp hơn trung bình cả nước.
ĐBSCL là vùng đất vốn đã khó khăn về đầu tư, phát triển doanh nghiệp (tỷ lệ doanh nghiệp trên 1.000 dân chỉ bằng 40% cả nước), nhưng hiện nay lại bị suy giảm về PCI, thì liệu vùng này sẽ thu hút đầu tư nước ngoài và tư nhân như thế nào? “Đây là bài toán nan giải mà tất cả các địa phương ĐBSCL phải chung tay giải quyết”, ông Tự Anh nói.
Về doanh nghiệp, ĐBSCL là một trong những vùng có số lượng doanh nghiệp sụt giảm trong 9 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, dù tỷ suất lợi nhuận thấp, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp ĐBSCL có lợi nhuận lại cao, có khoảng 52% doanh nghiệp ở ĐBSCL báo cáo có lãi. “Dù có lãi, nhưng rất mỏng do chi phí cao, bao gồm logistics, nguyên vật liệu đầu vào”, ông Tự Anh cho biết.
Bất động sản thu hút nhiều vốn FDI. Ảnh: Trung Chánh |
Vị giám đốc FSPPM nói rằng, tỷ lệ đầu tư của quốc gia vào ĐBSCL là con số đáng buồn vì liên tục suy giảm từ năm 2017 đến 2022, mà cụ thể năm 2017, chiếm tỷ lệ 18,7%, thì đến 2022 chỉ còn 14,9%. “Vùng vốn đã nghèo, xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng còn thua kém, mà đầu tư lại ít hơn các vùng khác, thì rất khó “kích” vùng này phát triển lên được”, ông đánh giá.
Trong khi đó, đầu tư tư nhân dù có dấu hiệu suy giảm, nhưng tư nhân trong nước của ĐBSCL vẫn đang đóng góp khoảng 68% (năm 2022) trong tổng vốn đầu tư của cả vùng, tức vẫn đóng góp 2/3 tổng đầu tư của cả vùng. Điều này có nghĩa, khu vực tư nhân trong nước vẫn là động lực tăng trưởng chính xét ở góc độ đầu tư đối với vùng kinh tế ĐBSCL.
Về vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành là 2020 và 2021 thì FDI của ĐBSCL vẫn tăng trưởng nhờ các khoản đầu tư vào ngành năng lượng (năm 2020 đạt 6,111 tỉ đô la Mỹ và 2021 là 5,628 tỉ đô la Mỹ), thế nhưng, tốc độ tăng trưởng đã giảm đi nhanh chóng trong năm 2022 (1,563 tỉ đô la Mỹ). “Tỷ trọng FDI của ĐBSCL giảm mạnh vì không còn những dự án năng lượng lớn nữa”, ông Tự Anh giải thích.
Năng lượng tái tạo là tiềm năng của ĐBSCL, nhưng nếu không thúc đẩy phù hợp thì sẽ vẫn mãi là tiêm năng. “Thực tế, khi nhóm nghiên cứu nhìn vào các chính sách năng lượng của vùng, thì đến thời điểm này chưa có một chính sách chung, tức vẫn mạnh ai nấy làm, không có một sự phối hợp, điều phối trong thực hiện hệ thống thu hút đầu tư hay phát triển hệ thống điện chung của ĐBSCL”, ông cho biết.
Nhìn vào lĩnh vực đầu tư, FDI vào ĐBSCL tập trung vào ba ngành chính, bao gồm thứ nhất, công nghiệp chế biến chế tạo; thứ hai là năng lượng và thứ ba (mới nổi) là bất động sản.
Từ năm 2021 trở về trước, công nghiệp chế biến chế tạo và năng lượng thay phiên nhau đứng đầu về thu hút FDI và cùng nhau chiếm 80-90% trong tổng FDI của toàn vùng. Trong khi đó, nông nghiệp vốn là thế mạnh của ĐBSCL nhưng thường chỉ chiếm 1-2% trong tổng mức đầu tư FDI vào vùng.
Tuy nhiên, đến năm 2022, FDI vào ĐBSCL có sự thay đổi đột biến khi bất động chiếm tới khoảng 20% trong tổng đầu tư FDI của vùng. Thế nhưng, trong bối cảnh bất động sản “đóng băng” như hiện nay, thậm chí còn kéo dài thêm một thời gian, là một tiềm ẩn lớn cho vùng.
(Theo thesaigontimes.vn)