Năm của nông sản Việt
(ABO) Năm 2023 dần khép lại với những bộn bề khó khăn đã trôi qua, nhưng với nhiều nỗ lực, Việt Nam cũng đã gặt hái nhiều thành tựu quan trọng. Một trong những dấu ấn đáng chú ý nhất vẫn là câu chuyện xuất khẩu rau quả, nói đúng hơn là đối với nông sản Việt.
Con số thống kê mới nhất, rau quả năm 2023 có thể mang về giá trị xuất khẩu lên đến 5,6 tỷ USD, vượt đến 40% so với kế hoạch đặt ra từ đầu năm. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay. Và điều đặc biệt đáng chú ý là sầu riêng chiếm đến khoảng 40% trong tổng số kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng rau quả. Đây cũng được xem là hiện tượng mới của trái cây xuất khẩu.
Bởi cách đây ít năm, giá trị xuất khẩu sầu riêng ở mức thấp hơn nhiều so với thanh long. Ngược lại với trái thanh long, sầu riêng đã chạm đến những đích đến mới rất nhanh. Chẳng hạn, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam tại thời điểm năm 2020 chỉ đạt ở mức rất thấp, với 116 triệu USD, đến năm 2022 đã đạt gần 421 triệu USD và năm 2023 đã chạm đến mốc tỷ USD.
Sầu riêng mang lại giá trị xuất khẩu rất cao trong năm 2023. |
Thật ra, câu chuyện xuất khẩu rau quả nói chung, trái cây nói riêng tăng cao trong năm 2023 đều có nguyên nhân của nó. Điều đầu tiên và quan trọng là Việt Nam dần đi vào chuyên sâu khi chú trọng vào chất lượng và xuất khẩu theo đường chính ngạch.
Sầu riêng là một minh chứng. Bởi từ khi Việt Nam ký nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc vào tháng 7-2022 thì giá trị xuất khẩu sầu riêng không ngừng tăng vọt và đương nhiên người nông dân cũng được hưởng lợi khi giá bán luôn duy trì mở mức cao.
Câu chuyện xuất khẩu nông sản của Tiền Giang cũng nằm trong xu thế chung của cả nước. Thông tin từ Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi cho thấy, trong năm 2023, xuất khẩu chính ngạch nông, thủy sản tỉnh Tiền Giang ước đạt khoảng 604 triệu USD, tăng 45% so với năm 2022; trong đó rau quả đạt hơn 65 triệu USD, tăng 2,5 lần so với cả năm 2022.
Mặc dù tổng giá trị xuất khẩu rau quả của Tiền Giang chưa lớn (chiếm gần 11% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản của Tiền Giang) nhưng cũng đã ghi nhận mức tăng trưởng tốt và điều này sẽ tạo đà cho những năm tiếp theo. Bởi Tiền Giang là một trong những tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái rất lớn, với nhiều vùng nguyên liệu tập trung có chất lượng tốt, trong đó sầu riêng là điển hình.
Bức tranh nông sản Việt chắc chắn sẽ tạo nên những gam màu sáng hơn. Bởi nếu chỉ tính ở thị trường Trung Quốc, tiếp nối với sầu riêng sẽ là dưa hấu, dừa tươi, sản phẩm trái cây đông lạnh, hoa quả có múi, bơ… chưa kể các thị trường rộng lớn khác cũng đang dần mở cửa với nông sản Việt.
Nhìn về tương lai của ngành Nông nghiệp nói chung, với góc nhìn khác hơn, ngoại giao Nông nghiệp đang được định hình. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ rằng: Ngoài kia gió đang thổi. Tư duy, góc nhìn, cách thức tiếp cận luôn rộng mở và tích hợp điều mới, theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, tương ứng với xu thế phát triển.
Phải chăng, đã đến lúc, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, ngoại giao đa phương, đa kênh… đón chào “người bạn đồng hành mới”: Ngoại giao Nông nghiệp - Ngoại giao gắn với thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, bảo đảm an ninh lương thực - thực phẩm, cân bằng dinh dưỡng? Với hướng tiếp cận này, ngành Nông nghiệp sẽ rộng cửa để tăng tốc hơn.
Với những bước đi mới nhiều triển vọng, hy vọng ngành Nông nghiệp nói chung, xuất khẩu nông sản nói riêng sẽ thênh thang trên con đường mới.
TA