.

Nghị quyết 41: Tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn để doanh nghiệp phát triển

Cập nhật: 10:35, 06/12/2023 (GMT+7)

(ABO) Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới được ban hành có ý nghĩa rất quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN).

Ông Trần Đỗ Liêm.
Ông Trần Đỗ Liêm.

Ngoài việc nâng cao vai trò, vị thế của đội ngũ doanh nhân, Nghị quyết 41 còn tạo động lực, hành lang pháp lý thuận lợi để cộng đồng DN tiếp tục vươn lên.

Phóng viên (PV)  Báo Ấp Bắc có cuộc trao đổi với doanh nhân Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Rạch Gầm xoay quanh những mục tiêu, nội dung của nghị quyết này.

* PV: Trước hết, xin ông cho biết việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 41 có ý nghĩa như thế nào đối với đội ngũ doanh nhân và cộng đồng DN?

* Ông Trần Đỗ Liêm: Nghị quyết 41 có ý nghĩa quan trọng đối với DN. Đội ngũ doanh nhân, DN chỉ đầu tư khi có niềm tin. DN sau khi có niềm tin rồi thì phải có vốn.

Đội ngũ doanh nhân và cộng đồng DN có thêm niềm tin khi Nghị quyết 41 ra đời.
Đội ngũ doanh nhân và cộng đồng DN có thêm niềm tin khi Nghị quyết 41 ra đời.

Nghị quyết của Trung ương ban hành thì bao giờ cũng có nguồn lực đi kèm, cụ thể là chính sách về tài chính.

Sau khi có niềm tin và tài chính rồi thì phải có thị trường, sản phẩm. Nếu không có niềm tin thì DN chỉ chọn sản xuất sản phẩm tạm thời, miễn là bán kiếm lời, sang năm không có thì thôi. Khi đó, DN đầu tư vào thị trường ít hơn.

Song một khi đã có niềm tin, DN sẽ chọn sản phẩm lâu dài, có chất lượng cao, phát triển bền vững và đầu tư với nguồn lực lớn hơn.

Phải khẳng định rằng, từ trước đến nay, cộng đồng DN đã có niềm tin rồi. Điều này đã được khẳng định bằng việc hằng năm đều có rất nhiều DN mới ra đời.

Song việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 41 giúp DN càng có niềm tin cao hơn. Khi có nguồn vốn và các chính sách đi theo hỗ trợ thì DN thành lập mới sẽ tiếp tục tăng, đầu tư với quy mô lớn hơn.

Nghị quyết 41 là chính sách lớn của Đảng trong tình hình mới, cơ hội mới. Từ đó sẽ có nhiều luật, nghị quyết, nghị định được sửa đổi ban hành ra tạo hành lang pháp lý thuận lợi, sát với thực tế hơn để giúp DN đầu tư, sản xuất, cung ứng dich vụ… phát triển.

* PV: Vậy Nghị quyết 41 có sự khác biệt gì so với các nghị quyết Trung ương đã ban hành trước đây về phát triển đội ngũ doanh nhân, DN thưa ông?

* Ông Trần Đỗ Liêm: Trước đây, chúng ta đã có chính sách lớn về phát triển DN, được thể hiện trong những văn kiện lớn của các kỳ Đại hội Đảng… Điều này cũng đã được triền khai cụ thể qua văn bản pháp luật và thực thi, từ đó đem lại những kết quả về kinh tế - xã hội như ngày hôm nay.

Nghị quyết 41 sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi để DN phát triển.
Nghị quyết 41 sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi để DN phát triển.

Tuy nhiên, sau 2 thập kỷ xây dựng đất nước, tiềm năng, vị thế, uy tín của đất nước đã tăng vượt bậc. Đội ngũ doanh nhân đã lớn mạnh, một số vươn ra quốc tế.

Cùng với đó, tình hình thế giới có chuyển biến rất mạnh mẽ vừa là cơ hội lớn cho phát triển vừa xuất hiện những khó khăn, thách thức cho mở rộng quy mô và ngành nghề với công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Do đó, không ít DN đang băn khoăn chưa xác định được bước đi tới của mình. Việc ban hành Nghị quyết 41 là kết quả của quá trình theo dõi đánh giá phát triển kinh tế - xã hội, cộng với vai trò, uy tín quốc tế của đất nước, những đối tác mới của đất nước đang hình thành với yêu cầu mới, nhu cầu mới…

Vì vậy, việc ra đời của Nghị quyết 41 cho thấy thời cơ đã chín mùi. Thời điểm này, Việt Nam đã hội khá đủ các yếu tố về uy tín quốc tế, thị trường, tầm hiểu biết, nguồn nhân lực, quy mô tài sản của đội ngũ doanh nhân.

* PV: Vậy đội ngũ doanh nhân, cộng đồng DN kỳ vọng như thế nào vào Nghị quyết 41 này?

* Ông Trần Đỗ Liêm: Nếu xét về mặt khách quan, Nghị quyết 41 ra đời sẽ đón đầu được cơ hội sau cuộc khủng hoảng do đại dịch và xung đột chính trị trên thế giới.

Việc ra đời của nghị quyết này giúp niềm tin của DN tăng lên, điều này đã được khẳng định rất rõ. Chắc chắn cùng với nghị quyết này sẽ có những chính sách mới ra đời.

Nghị quyết là chủ trương chung thôi chứ chưa luật hóa được. Để đột phá phải chuyển sang Quốc hội, Chính phủ cụ thể bằng việc ban hành sửa đổi hàng loạt các văn bản pháp quy khác.

Doanh nhân chúng tôi tin sẽ rất nhanh có các văn bản hành pháp như: Luật, nghị định, thông tư… để không chỉ tạo tiền đề cho sự ra đời một số ngành kinh tế mới siêu hiện đại, tinh vi, thân thiện với môi trường, phát triển bền vững, chất lượng, công nghệ cao cho DN trong nước; mà còn thu hút DN siêu lớn, hiện đại của nước ngoài vào Việt Nam cùng sản xuất sản phẩm như chip, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo…

* PV: Xin cảm ơn ông!

ANH THƯ

(thực hiện)

 

.
.
.