.

Tiền Giang: Hỗ trợ hợp tác xã liên kết tiêu thụ sầu riêng

Cập nhật: 13:55, 13/12/2023 (GMT+7)

Cùng với việc tập huấn, hướng dẫn các hợp tác xã (HTX) xây dựng mã số vùng trồng (MSVT), mã số cơ sở đóng gói (MSCSĐG), Tiền Giang đang tập trung hỗ trợ các đơn vị liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

HỖ TRỢ HTX XÂY DỰNG MSVT

T. ĐẠT
HTX Nông nghiệp Phú Quý đang chờ được cấp MSVT.

Hiện nay, sầu riêng của Tiền Giang chủ yếu tiêu thụ dưới dạng trái tươi; trong đó, tiêu thụ ở 4 thị trường chính gồm: Xuất khẩu, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh phía Bắc và TP. Hồ Chí Minh. Sản phẩm xuất khẩu chiếm 70% tổng sản lượng sầu riêng trên địa bàn; trong đó, thị trường chính là Trung Quốc (chiếm khoảng 80% tổng sản lượng xuất khẩu).

Tuy nhiên, từ tháng 7-2022 trở về trước, xuất khẩu sầu riêng chủ yếu bằng các hình thức tiểu ngạch. Với việc Nghị định thư về việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc được ký kết vào ngày 11-7-2022, tỉnh Tiền Giang đã tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), HTX xây dựng MSVT sầu riêng xuất khẩu sang thị trường này.

Để hỗ trợ các DN, HTX xây dựng MSVT cho cây sầu riêng, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn. Trong năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với địa phương tổ chức 8/8 cuộc tập huấn, hướng dẫn xây dựng vùng trồng sầu riêng các xã thuộc huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy, TX. Cai lậy với 400 lượt người tham dự.

Bên cạnh đó, nội dung thiết lập và quản lý vùng trồng được lồng ghép vào các chương trình tập huấn, tuyên truyền tại các địa phương trồng sầu riêng. Trong năm 2023, Sở NN&PTNT tiếp tục tổ chức tập huấn 30 cuộc với 1.250 lượt nông dân tham dự.

Với việc đẩy mạnh công tác tập huấn, hướng dẫn DN, HTX xây dựng MSVT, các HTX trên địa bàn tỉnh đã tích cực hưởng ứng. Trên cơ sở hướng dẫn, hỗ trợ của ngành Nông nghiệp, HTX Nông nghiệp Phú Quý (xã Phú Quý, TX. Cai Lậy) đã bắt tay vào việc xây dựng MSVT cho cây sầu riêng.

Theo ông Lương Văn Hận, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Phú Quý, hiện HTX đã hoàn thiện hồ sơ, thủ tục xây dựng 1 MSVT với diện tích 141 ha và đang chờ phía Trung Quốc phê duyệt.

Còn theo lãnh đạo UBND xã Mỹ Tân (huyện Cái Bè), hiện toàn xã có khoảng 850 ha sầu riêng, với khoảng 340 ha đang cho trái. Thời gian qua, công tác xây dựng MSVT cho loại cây này được xã rất quan tâm. Theo đó, xã đã giao cho HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Tân liên kết với các DN xây dựng 10 MSVT, với diện tích 340 ha trên cây sầu riêng, đang chờ phê duyệt.

Đối với những diện tích sầu riêng còn lại dưới 4 năm tuổi, trong thời gian tới, UBND xã Mỹ Tân sẽ tiếp tục giao cho HTX quản lý để tiếp tục xây dựng các MSVT.

Bên cạnh các HTX đang chờ phê duyệt MSVT, thời gian qua, các HTX đã được cấp mã số gặp nhiều thuận lợi trong việc tiêu thụ sầu riêng. Theo ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy), sau khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch, đơn vị đã được các ngành, các cấp hỗ trợ xây dựng MSVT. HTX hiện đã được cấp 1 MSCSĐG, 8 MSVT và đang xúc tiến xây dựng thêm 5 MSVT khác. HTX đã liên kết được với 5 DN xuất khẩu sầu riêng.

Trước đây, khi chưa được cấp MSVT, có rất ít công ty, tập đoàn đến hợp tác bởi quy mô của HTX nhỏ. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều công ty, tập đoàn từ Trung Quốc tìm đến HTX để kết nối tiêu thụ sản phẩm. Đây là tín hiệu rất mừng.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang Võ Văn Men, thực hiện theo Công văn 1776 của Bộ NN&PTNT, trong đó giao các địa phương cấp và quản lý MSVT, MSCSĐG, Sở NN&PTNT có văn bản giao cho các địa phương theo phân cấp.

Hiện nay, việc cấp MSVT, MSCSĐG được giao cho Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế cấp huyện thực hiện. Thời gian qua, việc thực hiện công tác này khá thuận lợi. Đến nay, toàn tỉnh đã được cấp 72 MSVT sầu riêng với diện tích hơn 2.600 ha, chiếm 25% diện tích sầu riêng cho sản phẩm.

Đồng thời, tỉnh còn 213 hồ sơ xin cấp mới MSVT với diện tích hơn 9.380 ha chờ Tổng cục Hải quan Trung Quốc kiểm tra, phê duyệt. Hiện toàn tỉnh có 66 cơ sở đóng gói được cấp mã số, 39 hồ sơ mới chờ phê duyệt.

ĐẨY MẠNH HỖ TRỢ LIÊN KẾT TIÊU THỤ

Tiền Giang đang tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sầu riêng.
Tiền Giang đang tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sầu riêng.

Song song với việc hướng dẫn cấp MSVT, Tiền Giang đang tập trung hỗ trợ các DN, HTX trên địa bàn tỉnh xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sầu riêng. Điều này đã được UBND tỉnh cụ thể hóa bằng Kế hoạch Hỗ trợ các DN, HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sầu riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2023 - 2025.

UBND tỉnh đã giao Sở Công thương thiết lập kênh liên lạc với các DN để trao đổi thông tin, tình hình xuất hàng tại các cửa khẩu, các văn bản cấp trên đến DN nhanh và hiệu quả. Đồng thời, phối hợp Sở NN&PTNT tổ chức Lễ hội Trái cây năm 2024. Một trong những công việc quan trọng là thành lập Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Tiền Giang, có sự quản lý của cơ quan nhà nước.

Trong đó, có 3 thành phần quan trọng như: Các cơ quan, ban, ngành nhà nước; các đơn vị, công ty sản xuất, xuất khẩu; các hộ nông dân làm vườn, nhằm thống nhất quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, cũng như giá cả thu mua, tiêu thụ.

Sở Công thương phải tạo điều kiện để trái sầu riêng thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu, đem lại lợi ích kinh tế, xã hội cho người trồng sầu riêng nói riêng và tỉnh Tiền Giang nói chung; xúc tiến thương mại thông qua các hội nghị kết nối và thiết lập hệ thống thông tin theo dõi, đánh giá, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng có giải pháp ngăn chặn việc đưa sầu riêng từ các tỉnh khác vào Tiền Giang sơ chế đóng gói, rồi sau đó xuất khẩu với danh nghĩa là sầu riêng xuất xứ từ Tiền Giang.

UBND tỉnh Tiền Giang cũng giao Sở NN&PTNT tăng cường quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của người dân, nhất là chuyển đổi sang trồng sầu riêng; tuyên truyền, vận động các địa phương chỉ chuyển đổi sang trồng cây sầu riêng theo đúng quy hoạch tại Đề án “Phát triển cây sầu riêng tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”, Đề án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khu vực phía Bắc - Quốc lộ 1 tỉnh Tiền Giang” và Kế hoạch Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của UBND tỉnh. Sở NN&PTNT triển khai Kế hoạch 167 của UBND tỉnh về thực hiện cấp và quản lý MSVT sầu riêng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2023 - 2025.

Đồng thời, có kế hoạch tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức phụ trách hướng dẫn để được cấp MSVT và người quản lý DN nhiều hơn nữa. Một trong những công việc quan trọng là chủ trì, phối hợp với các sở, ngành hướng dẫn cụ thể việc triển khai thực hiện Nghị định 98/2018 của Chính phủ và Nghị quyết 07/2019 của HĐND tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang…

T. ĐẠT

.
.
.