Thứ Năm, 11/01/2024, 17:15 (GMT+7)
.

Cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn

(ABO) Chiều 11-1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh Tiền Giang tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng tỉnh năm 2024. Dự và chủ trì hội nghị có đồng chí Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Theo NHNN tỉnh, trong năm 2023, NHNN Việt Nam đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5 - 2%/năm hỗ trợ cho đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao.

Trên địa bàn tỉnh, để ổn định và giảm mặt bằng lãi suất NHNN tỉnh đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp như: Tổ chức ký kết đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi trên địa bàn tỉnh giữa các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM); kiểm tra việc thực hiện cam kết đồng thuận về mặt bằng lãi suất huy động tại 2 chi nhánh NHTM trên địa bàn; chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Đồng chí Trần Văn Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Đồng chí Trần Văn Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Đến cuối tháng 12-2023, cơ cấu dư nợ theo lãi suất cho vay trên địa bàn tỉnh so với cuối năm 2022 như sau: Lãi suất cho vay từ 4% trở xuống tăng 2,98%; lãi suất cho vay trên 4% đến 9% tăng 11,26%; lãi suất cho vay trên 9% đến 11% giảm 10,22%; lãi suất cho vay trên 11% đến 13% giảm 5,74% và lãi suất trên 13% tăng 1,71%.

NHNN tỉnh đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn nghiêm túc chấp hành và đạt kết quả tích cực. Đến nay, mặt bằng lãi suất đã có xu hướng giảm.

Lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch mới bằng Việt Nam đồng của các NHTM giảm khoảng hơn 2,5%/năm so với cuối năm 2022; không có tình trạng chạy đua lãi suất, cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn giữa các chi nhánh NHTM trên địa bàn.

Giám đốc NHNN tỉnh Nguyễn Thị Đậm phát biểu tại hội nghị.
Giám đốc NHNN tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Đậm phát biểu tại hội nghị.

Điểm nổi bật trong hoạt động của hệ thống ngân hàng Tiền Giang trong năm 2023 là chủ động triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, DN để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Một số chương trình, chính sách tín dụng đặc thù của ngành đã được triển khai có hiệu quả, góp phần trong tăng trưởng kinh tế địa phương.

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm trong ngành Ngân hàng được quan tâm thực hiện tốt.

Lãnh đạo NHNN tỉnh báo cáo kết quả hoạt động năm 2023.
Lãnh đạo NHNN tỉnh Tiền Giang báo cáo kết quả hoạt động năm 2023.

Ngành Ngân hàng đã quan tâm thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán. Công tác huy động vốn được các TCTD quan tâm chú trọng, tạo đà tăng ngay từ các tháng đầu năm đến nay. Đến cuối năm 2023, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 96.882 tỷ đồng, tăng 9.145 tỷ so với cuối năm 2022, tỷ lệ tăng 10,42%, đạt 102,24% so với kế hoạch.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất với báo cáo kết quả hoạt động trong năm 2023 và mục tiêu đặt ra năm 2024 của ngành Ngân hàng; đồng thời, thống nhất với các giải pháp đối với 3 nhóm tín dụng.

Thay mặt UBND tỉnh, đồng chí Trần Văn Dũng biểu dương những thành tích mà toàn ngành Ngân hàng Tiền Giang đã đạt được trong năm 2023.

Lãnh đạo các NHTM báo cáo tại hội nghị.
Lãnh đạo các NHTM báo cáo tại hội nghị.

Nhằm triển khai thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2024, đồng chí Trần Văn Dũng yêu cầu ngành Ngân hàng tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam về hoạt động ngân hàng, từ đó chủ động nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành hoạt động ngành Ngân hàng.

Đồng thời, tích cực nghiên cứu, đề ra các giải pháp cụ thể để tham mưu kịp thời cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo và điều hành hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh.

Một trong những công việc trọng tâm là tiếp tục thực hiện tốt các chính sách tín dụng; trong đó, chú trọng các chính sách tín dụng phục hồi phát triển kinh tế, các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ưu tiên và các chính sách tín dụng tăng khả năng tiếp cận tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân.

Ngành Ngân hàng cần chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành thực hiện các chương trình kết nối Ngân hàng - DN với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng.

Đồng thời, tích cực đổi mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ngành Ngân hàng; thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nguồn lực hiện có; tập trung thanh tra, giám sát các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các rủi ro, tồn tại và sai phạm của các tổ chức tín dụng.

Ngành Ngân hàng theo dõi, giám sát các tổ chức tín dụng trong việc chấp hành các quy định về lãi suất cho vay nhằm đảm bảo cho các tổ chức, cá nhân được tiếp cận vốn vay với mức lãi suất hợp lý.

Đồng thời, tăng cường hơn nữa trong việc phối hợp với sở, ban, ngành có liên quan để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi để DN nhỏ và vừa, các hợp tác xã tiếp cận được các nguồn vốn hỗ trợ của các ngân hàng.

Ngoài ra, ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm thực hiện đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh.

M. THÀNH

.
.
.