Thứ Bảy, 20/01/2024, 12:40 (GMT+7)
.

Chị Đặng Thị Lắm: Khởi nghiệp từ nguyên liệu địa phương

(ABO) Hiện nay, xu hướng lựa chọn các món đặc sản của quê hương để khởi nghiệp kinh doanh đã không còn quá xa lạ với nhiều người. Chính quyết định đó đã giúp họ tìm cho mình một cơ hội phát triển và thực hiện được ước mơ mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm sạch, thơm ngon và mang đậm hương vị đặc trưng của quê nhà.
 
Chị Đặng Thị Lắm (sinh năm 1986, quê tỉnh Tây Ninh) theo chồng về ấp Tân Thạnh, xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang gần 5 năm, cũng là ngần ấy thời gian chị đã mạnh dạn khởi nghiệp tạo ra các sản phẩm từ trái dừa (nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương), vừa lập nghiệp vừa tiện cho việc chăm sóc gia đình.
Chị Đặng Thị Lắm khởi nghiệp các sản phần từ trái dừa.
Chị Lắm khởi nghiệp các sản phần từ trái dừa.
NGỌT NGÀO MỨT DỪA 
 
Hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh sản phẩm khởi nghiệp bắt nguồn từ nguyên liệu địa phương, tạo nên sản phẩm “nhà làm” mang lại hiệu quả về kinh tế, năm 2019 chị Đặng Thị Lắm đã mạnh dạn bắt tay vào làm các sản phẩm về dừa. Đầu tiên là chị làm mứt dừa. Ban ngày chị cùng chồng đi thu mua dừa trái ở các vườn dừa trong xã để tối đến làm mứt. Tất cả các công đoạn đều làm bằng thủ công nên số lượng sản phẩm làm ra ít. Sau đó, chị bắt đầu tìm đầu ra cho sản phẩm. 
Chị Lắm (áo đen) chuẩn bị nguyên liệu làm mứt dừa.
Chị Lắm (áo đen) chuẩn bị nguyên liệu làm mứt dừa.
Chị liên hệ với bà con, bạn bè trong và ngoài tỉnh qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo…, và dần dần người tiêu dùng biết đến sản phẩm của chị nhiều hơn. Các đơn hàng số lượng ngày càng nhiều, chị Lắm bắt đầu tìm người làm phụ với mình, đến nay có 6 người thường xuyên làm việc tại cơ sở của chị với mức lương dao động từ 3 triệu đồng đến 6 triệu đồng/tháng. Thời gian cao điểm, chị thuê lên đến 10 nhân công để phụ giúp, chủ yếu là phụ nữ trong ấp, xã.
 
Đối với chị Lắm, chất lượng sản phẩm nằm ở cái tâm với nghề, chị Lắm chia sẻ: "Làm mứt dừa đơn giản, nhưng khó cạnh tranh vì trên thị trường mặt hàng này khá phong phú và đa dạng. Vì vậy, để sản phẩm mứt dừa làm ra được thị trường đón nhận, tôi luôn đặt chất lượng lên hàng đầu, sản phẩm ngon và sạch mới có thể tồn tại lâu dài và vươn xa".
 
Chính vì thế, chị chú trọng trong từng khâu sản xuất từ cách lựa chọn nguyên liệu đầu vào, xử lý, chế biến nguyên liệu.
 
“Nguyên liệu làm mứt rất quan trọng, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm làm ra. Sử dụng “dừa rám” làm mứt sẽ tạo ra sản phẩm rất ngon” - chị Lắm nói.
 
Nét độc đáo mứt dừa của chị Lắm đến từ vị béo nhẹ kết hợp với vị ngọt thanh của đường.
Cơ sở của chị Lắm đã tạo việc làm cho nhiều người.
Cơ sở của chị Lắm đã tạo việc làm cho nhiều người.
Ngoài mứt dừa truyền thống, để đáp ứng nhu cầu thị trường, chị Lắm còn làm mứt dừa non, mứt dừa dẻo. Trung bình vào dịp Tết Nguyên đán, chị cung ứng ra thị trường từ 200 - 300 kg mứt dừa các loại; còn ngày thường ai đặt chị cũng làm. Với giá cả phù hợp, thị trường tiêu thụ mứt của chị hiện nay chủ yếu là kênh online trên Facebook, Zalo, các quán bánh kẹo tại địa phương.
Các loại mứt dừa tại cơ sở của chị Lắm.
Các loại mứt dừa tại cơ sở của chị Lắm.
ĐA DẠNG SẢN PHẨM TỪ TRÁI DỪA
 
Với mong muốn phát triển thêm kinh tế gia đình và tạo thêm thu nhập cho chị em tại địa phương, chị Lắm lại mày mò học hỏi để sản xuất thêm sản phẩm từ dừa. Đặc biệt, chị đã chiết xuất ra sản phẩm dầu dừa và nước màu dừa nguyên chất được nấu từ trái dừa "khô”. 
Chị Lắm
Chị Lắm "nạo" dừa vắt nước cốt để nấu dầu dừa.
Chị Lắm chia sẻ: "Từ xưa ông bà ta đã dùng dầu dừa để làm đẹp, chữa bệnh… rất tốt. Sao mình không làm dầu dừa để tạo nên những sản phẩm chất lượng, ngoài giúp nông dân tiêu thụ dừa trái còn giúp người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn để chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp".
 
Nghĩ là làm, chị Lắm tìm hiểu và học hỏi ở nhiều người làm sao cho sản phẩm làm bằng thủ công nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Dầu dừa có công dụng hỗ trợ làm đẹp, nấu ăn và điều trị một số bệnh về đường ruột, viêm đường hô hấp, viêm da... Sản phẩm có hương thơm dịu đặc trưng của dầu dừa nên rất được khách hàng ưa chuộng.
Chị Lắm tận dụng nước dừa để nấu nước màu dừa.
Chị Lắm tận dụng nước dừa để nấu nước màu dừa.
Trong các gia đình ở miền Nam, từ các món kho, như kho tộ, kho ram, đến kho tàu, ngoài nguyên liệu chính là thịt, cá và các gia vị cần thiết thì không thể thiếu một loại gia vị tạo hương vị và màu sắc hấp dẫn cho món ăn là nước màu dừa. Chính vì thế, chị Lắm đã tận dụng nước dừa để nấu thành nước màu dừa.
 
“Nước màu dừa là một chế phẩm đặc biệt, làm từ nguyên liệu chính là nước dừa. Tuy nhiên, để có được nước màu dừa đúng “chất lượng” là cả một kỳ công - chị Lắm cho biết.
 
Từ mục tiêu làm các sản phẩm từ trái dừa; giờ đây, để các sản phẩm của chị khác biệt với các sản phẩm khác ngoài thị trường, chị Lắm đang nỗ lực đưa các sản phẩm từ dừa thành sản phẩm đặc trưng của địa phương. Hiện tại cơ sở sản xuất của chị Lắm đang hoạt động quy mô gia đình và phụ thuộc lao động chân tay là chủ yếu. Vì vậy, chị rất muốn được hỗ trợ về khoa học công nghệ và vốn để tăng năng suất, tiết kiệm chi phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nước màu dừa không thể thiếu trong các món kho của người Nam bộ.
Nước màu dừa không thể thiếu trong các món kho của người Nam bộ.
Nói về mô hình khởi nghiệp của chị Lắm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Xuân Đông Nguyễn Thị Lành cho biết: Trong thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã giúp đỡ nhiều chị em, hội viên phụ nữ khởi nghiệp, trong đó có chị Đặng Thị Lắm. Khởi nghiệp với các sản phẩm từ trái dừa, mô hình này đem lại hiệu quả. Để hỗ trợ chị khởi nghệp, Hội giúp đỡ chị thực hiện ý tưởng khởi nghiệp, giới thiệu chị tiếp cận các nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, các nguồn vốn do Hội phụ nữ quản lý và giới thiệu chị kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. Mô hình của chị đã giải quyết việc làm cho rất nhiều hội viên phụ nữ tại địa phương với mức thu nhập ổn định. Qua đó, Hội tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình này để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giúp chị em phát triển kinh tế vươn lên làm giàu chính đáng. 
Trong thời gian tới, Hội cũng sẽ tiếp tục giới thiệu các chị em tham gia nhiều lớp tập huấn khởi nghiệp, phát triển ý tưởng khởi nghiệp, xây dựng nhãn hiệu, thiết kế logo, bao bì sản phẩm, giới thiệu quảng bá sản phẩm...; giới thiệu các chị em tham gia các chương trình hội chợ và quảng bá trên các kênh truyền thông, nhằm hun đúc tinh thần khởi nghiệp, giữ lửa nhiệt huyết của chị em phụ nữ trên chặng đường khởi sự kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm cho chị em phụ nữ tại địa phương…
SỚM MAI
 
 
.
.
.