Chuyện khởi nghiệp của vợ chồng kỹ sư trẻ
Tại ấp Bình Thọ Trung, xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo, chị Bùi Thị Kim Thanh (sinh năm 1992) và chồng là anh Ngô Hùng Vũ (sinh năm 1993), hiện công tác tại Bộ môn Công nghệ sinh học, sinh lý, sinh hóa và sau thu hoạch thuộc Viện Cây ăn quả miền Nam đã quyết định khởi nghiệp ngay trên chính mảnh đất quê hương mình với mô hình “Nhân giống cây trồng sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô”.
Vợ chồng kỹ sư trẻ Vũ và Thanh khởi nghiệp với mô hình “Nhân giống cây trồng sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô”. |
Năm 2019, vì hoàn cảnh gia đình nên chị Thanh xin nghỉ công tác tại Viện Cây ăn quả miền Nam, còn anh Vũ thì vẫn công tác tại Viện Cây ăn quả miền Nam cho đến nay. Vốn đam mê nghiên cứu, đôi vợ chồng kỹ sư trẻ đã gom góp vốn liếng mở cơ sở nhân giống cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô mang tên “Cây giống - Cây cấy mô 5Q”.
Chị Thanh cho biết, nhiệm vụ chính của chị là đảm nhận tập trung nghiên cứu quy trình nhân giống cây trồng. Còn anh Vũ sau giờ làm việc tại Viện Cây ăn quả miền Nam sẽ chăm sóc cây trồng tại nhà lưới.
Những ngày đầu lập nghiệp, anh Vũ - chị Thanh gặp rất nhiều khó khăn, áp lực bởi nhiều giống cây ở cơ sở của anh chị chưa từng nghiên cứu bao giờ. Chị Thanh phải làm lặp đi, lặp lại các thí nghiệm mới ra được quy trình chuẩn, ổn định cộng với chi phí đầu tư cho cơ sở vật chất và nghiên cứu quy trình nhân giống nuôi cấy mô khá lớn.
Theo chị Thanh, nuôi cấy mô tế bào thực vật đã trở thành phương pháp nhân giống vô cùng phổ biến với nhiều loại cây trồng, như: Cây công nghiệp, cây nông nghiệp, cây ăn trái và rau xanh, hoa lan, cây cảnh… Đối với người dân ở các tỉnh như Lâm Đồng, đã quá quen thuộc với giống dâu tây, khoai tây hoặc cà chua cấy mô.
Mô hình khởi nghiệp “Nhân giống cây trồng sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô” của vợ chồng kỹ sư trẻ Vũ và Thanh. |
Tuy nhiên, tại huyện Chợ Gạo cũng như tỉnh Tiền Giang, mô hình này vẫn còn xa lạ với nhiều nông dân. Giống cây cấy mô là các cây hoàn chỉnh từ những tế bào thực vật đã được chọn lọc có giá trị kinh tế cao và tạo ra các loài tốt hơn, hệ số nhân giống cao, đáp ứng nguồn giống quanh năm.
Anh Vũ cho biết: “Trước đây, người nông dân địa phương, nhất là nông dân trồng hoa kiểng ở TP. Mỹ Tho chưa tiếp cận được với nguồn cây giống cấy mô sạch bệnh. Điều này đã thôi thúc vợ chồng tôi khởi nghiệp với mô hình “Nhân giống cây trồng sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô”, bằng những kiến thức, kinh nghiệm đã được đào tạo, trau dồi trong thời gian còn làm khoa học với mong muốn mang lại giá trị cho xã hội thông qua giảm chi phí sản xuất, cung cấp sản phẩm uy tín, chất lượng cho nông dân”.
Từ đó, anh Vũ - chị Thanh sản xuất khoảng vài chục ngàn cây giống cấy mô các loại, cung cấp chủ yếu cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh như: Thanh Hóa, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Bến Tre… Sản phẩm của anh chị có chất lượng tốt và giá bán thấp hơn so với mặt hàng cùng loại trên thị trường.
Sau 4 năm nghiên cứu, mô hình khởi nghiệp sản xuất giống cây giống cấy mô của vợ chồng anh Vũ - chị Thanh đã cung cấp cho bà con nhiều loại cây giống trong và ngoài tỉnh, với trên 30 loại cây trồng như khóm (dứa) MD2, hoa cúc, các loại hoa lan Phi Điệp, Dendro và nhiều loại cây kiểng lá có giá trị khá cao. Mục tiêu của anh chị trong thời gian tới sẽ tăng sản lượng từ 300 - 400 ngàn cây/năm.
NGỌC DUYÊN