Thứ Bảy, 20/01/2024, 16:15 (GMT+7)
.

Đẩy mạnh thí điểm dùng cát biển làm vật liệu san lấp

Theo kết quả khảo sát, thăm dò, vùng biển tỉnh Sóc Trăng có khoảng 13,9 tỷ m³ cát (được khoanh thành 6 khu, từ B1 đến B6) có khả năng khai thác để làm vật liệu xây dựng. Đến nay, Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản (Cục Địa chất Việt Nam) đã hoàn tất công tác nghiên cứu, đánh giá tại khu mỏ B1.

Theo đó, khu B1 có diện tích 250km2, cách bờ 20-25km, độ sâu từ 3-9m so với mặt nước, có tổng trữ lượng cát là hơn 680 triệu m³. Đặc biệt, hàm lượng cát tại khu vực thăm dò chiếm tỷ lệ rất cao (trên 82,8%), hàm lượng kim loại nặng thấp, đặc tính phóng xạ an toàn, đáp ứng làm vật liệu san lấp.

Từ kết quả trên, Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản đề xuất, trước mắt khai thác khu B1 (diện tích 32km², cách luồng Định An hơn 20km) với tổng sản lượng cát 145 triệu m³.

a
Tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đang thi công, có nhu cầu vật liệu san lấp

Theo đánh giá, đến nay việc thí điểm sử dụng cát biển khai thác tại tỉnh Trà Vinh để đắp nền đường cao tốc (tại đoạn đường hoàn trả ĐT978, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Hậu Giang - Cà Mau cho kết quả khả quan: cát biển đạt yêu cầu về độ chặt, đàn hồi tương tự cát sông; các chỉ tiêu hóa học cũng cho kết quả nằm trong giới hạn cho phép; chưa có bằng chứng về việc sử dụng cát biển làm tăng độ mặn cũng như sự lan truyền của độ mặn vào môi trường xung quanh… Đây là cơ sở quan trọng để tiến đến khai thác, đưa vào sử dụng cát biển như một vật liệu xây dựng thông thường.

Tại ĐBSCL, nhiều dự án đang đứng trước nguy cơ chậm tiến độ vì không có vật liệu san lấp. Theo ước tính, nhu cầu cát đắp nền 4 dự án cao tốc: Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Mỹ An - Cao Lãnh và An Hữu - Cao Lãnh là khoảng 54 triệu m³.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, chỉ tính riêng cao tốc Cần Thơ - Cà Mau từ nay đến 30-6-2024 phải cần đến 18,5 triệu m³ cát để đắp gia tải toàn tuyến. Tuy nhiên, các địa phương An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long chỉ mới hoàn thiện thủ tục cấp phép khai thác khoảng 6 triệu m³, dẫn đến nguy cơ không kịp tiến độ mà Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo các chuyên gia, nếu cát biển được đưa vào sử dụng sẽ đáp ứng kịp thời nguồn vật liệu san lấp cho các dự án đường cao tốc, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, cảng biển, khu cụm công nghiệp… của vùng ĐBSCL, cũng như các vùng lân cận.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết việc khai thác cát biển là chưa có tiền lệ, lần đầu tiên tỉnh triển khai thực hiện nên sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tỉnh sẽ khẩn trương hoàn thiện các thủ tục theo quy định, đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý để sớm đưa vào khai thác nguồn tài nguyên cát biển.

Theo sggp.org.vn
 

 

.
.
.