Hoàn thiện hạ tầng giao thông tạo sức hút mới
Năm 2023 vừa khép lại với rất nhiều công trình giao thông trọng điểm được khánh thành. Năm mới 2024, dự kiến hàng loạt công trình sẽ đưa vào sử dụng, mở ra nhiều cơ hội lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây khi đưa vào sử dụng đã góp phần giúp du lịch Bình Thuận phát triển mạnh mẽ. Ảnh: NGUYỄN TIẾN |
Nhiều công trình được thông suốt
Là công trình giao thông quan trọng của huyện Nhà Bè (TPHCM), cầu Long Kiểng đóng vai trò quan trọng để Nhà Bè kết nối thông suốt với các quận, huyện khác. Tháng 9-2023, cây cầu đã được đưa vào sử dụng sau 22 năm chờ đợi. Tại lễ thông xe, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ gửi lời cảm ơn đến người dân 2 xã Phước Kiển, Nhơn Đức đã đồng hành trong suốt thời gian qua để hoàn thành cây cầu.
Tương tự, người dân TPHCM đã vui mừng khi cầu Long Đại ở cửa ngõ phía Đông cũng giúp rút ngắn quãng đường từ cù lao Long Phước về trung tâm thành phố. Nhiều công trình giao thông trọng điểm khác ở TP Thủ Đức cũng mới được khởi động lại sau thời gian ngưng trệ như: cầu Tăng Long, Nam Lý, Phước Long, Ông Nhiêu, Ông Bồn…
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM Lương Minh Phúc cho biết, cùng việc “hồi sinh” các dự án trên, trong năm 2024, ban quản lý sẽ phấn đấu hoàn thành đưa vào phục vụ người dân thành phố 38 công trình, dự án. Điểm qua một số dự án, như: xây dựng mới cầu Bà Hom; nâng cấp, mở rộng đường Tên Lửa (phường Bình Trị Đông B); nâng cấp, mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý; nút giao thông Mỹ Thủy; xây dựng đoạn kênh Hàng Bàng đường Mai Xuân Thưởng đến kênh Vạn Tượng; nút giao thông An Phú...
Trong khi đó, tại Lâm Đồng, đèo Prenn sau khi hoàn thành nâng cấp một phần và đưa vào sử dụng đã giúp đèo Mimosa giảm tải đáng kể. Ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Đèo Prenn rộng gấp đôi đèo cũ, giúp giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông, kết nối khách du lịch thuận lợi hơn cho Lâm Đồng. Dự án hoàn thành cũng tạo điểm nhấn khi du khách đến tham quan Đà Lạt sẽ được ngắm cung đường đẹp với cảnh quan rừng thông dọc tuyến đường”. Ở hướng đi Bình Thuận, thời gian tới, quốc lộ 28B (Đại Ninh - Bình Thuận) sẽ tiến hành nâng cấp giúp giảm tải cho quốc lộ 20 hiện nay…
Đường cao tốc Bắc - Nam sắp nối liền một dải
Nhìn dòng ô tô chạy bon bon trên cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vừa khánh thành, ông Lý Minh Thành, nhà ở thị xã Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long) chia sẻ: “Thiệt là không nghĩ có ngày cao tốc được xây dựng trên quê hương mình với sông rạch tứ bề. Có cao tốc, tết này quốc lộ 1A chắc chắn ít kẹt xe hơn, đường về quê của bà con làm ăn xa xứ sẽ nhanh hơn, đỡ vất vả hơn. Năm nay, coi như tụi tui ăn tết sớm”. Đó cũng là niềm vui rất lớn của người dân miền Tây nói chung khi tuyến cao tốc đã xuyên suốt từ TPHCM đến Cần Thơ.
Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vừa được đưa vào khai thác có ý nghĩa rất quan trọng. Tuyến cao tốc trở thành trục huyết mạch kết nối giao thương các tỉnh, thành trong vùng với trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là TPHCM, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, logistics cho khu vực ĐBSCL, thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực.
Trong năm 2023, hàng loạt đoạn cao tốc trên tuyến cao tốc phía Đông hoàn thành, đã tạo cú hích lớn cho kinh tế - xã hội. Cụ thể, 2 tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết đưa vào sử dụng đã kích hoạt lĩnh vực du lịch cho khu vực. Ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, khẳng định: “Cao tốc cùng các tuyến quốc lộ, đường sắt, đường ven biển, cảng biển và sắp tới đây là sân bay Phan Thiết sẽ giúp tỉnh Bình Thuận hoàn thiện, đồng bộ hệ thống giao thông, từ đó phát huy mạnh mẽ vai trò liên kết vùng”.
Còn tại Thanh Hóa, cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn đưa vào vận hành đã tạo nên sức bật lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đi vào Thanh Hóa rút ngắn thời gian nên các khu du lịch biển thu hút rất đông du khách, cùng với đó là nhiều dự án phát triển kinh tế lớn được triển khai…
Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 đã mở ra không gian phát triển cho tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: DUY CƯỜNG |
Theo Bộ GTVT, đến hết tháng 12-2023 đã hoàn thành và đưa vào khai thác 20 dự án, riêng đường bộ cao tốc có 9 dự án với chiều dài 475km, nâng tổng số chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước lên gần 1.900km. Các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 vừa được hoàn thành là các đoạn: Mai Sơn - quốc lộ 45; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây; quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Nha Trang - Cam Lâm; Mỹ Thuận - Cần Thơ...
Hoàn thành 20 dự án, khởi công 26 dự án Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, 2023 là năm đột phá về đầu tư hạ tầng giao thông với việc hoàn thành 20 dự án và khởi công 26 dự án. Kết quả này là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, không đùn đẩy, tập trung khắc phục, xử lý dứt điểm những vướng mắc thuộc thẩm quyền. Trên tinh thần đó, Bộ GTVT tập trung chỉ đạo các cơ quan, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công huy động tối đa các nguồn lực, tổ chức thi công 3 ca 4 kíp để đẩy nhanh tiến độ. Kỳ vọng đến năm 2025 sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác 3.000km đường bộ cao tốc Bắc - Nam. |
Theo sggp.org.vn