Thứ Năm, 18/01/2024, 09:30 (GMT+7)
.

Khơi thông "điểm nghẽn" vận tải đường thủy nội địa

Tiềm năng phát triển vận tải đường thủy nội địa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rất lớn. Song, việc khai thác lợi thế này thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng. Để khai thác hiệu quả tiềm năng vốn có, Chính phủ đang tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn” bằng những dự án mang tầm chiến lược.

“CỞI TRÓI” CHO VẬN TẢI ĐƯỜNG THỦY

Kinh Chợ Gạo là tuyến đường thủy huyết mạch nối ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày có hàng ngàn ghe, tàu vận chuyển hàng hóa lưu thông qua tuyến kinh này. Tuyến kinh đã được triển khai nâng cấp giai đoạn 1, nhưng chậm triển khai giai đoạn 2 khiến các phương tiện lưu thông gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những lúc thủy triều xuống.

Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam trong đó sẽ nạo vét Vàm Kỳ Hôn.
Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam trong đó sẽ nạo vét Vàm Kỳ Hôn.

Điều này đã phần nào tạo “điểm nghẽn” trong phát huy lợi thế giao thông thủy để phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh miền Tây. Trước tính cấp bách trên, vào tháng 12-2021, Dự án Nâng cấp kinh Chợ Gạo giai đoạn 2 chính thức được khởi công trong sự mong đợi của nhiều người dân.

Dự án được đầu tư với mục tiêu nâng cấp, ổn định tuyến kinh Chợ Gạo. Đồng thời, khắc phục triệt để vấn đề quá tải và ùn tắc tàu, thuyền, đáp ứng kịp thời nhu cầu vận tải thủy trên tuyến hiện tại và lâu dài. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.335 tỷ đồng.

Theo phương án thiết kế, dự án thi công nạo vét mở rộng luồng chạy tàu bờ Nam kinh Chợ Gạo, tổng chiều dài khoảng 9,85 km; thi công công trình bảo vệ bờ Nam kinh Chợ Gạo, cầu và đường dân sinh… Sau khi cải tạo, đoạn luồng trên đạt quy chuẩn luồng đường thủy cấp II, với chiều sâu hơn 3,5 m, rộng hơn 50 m, giúp tàu, thuyền lưu thông thuận lợi hơn.

Đến nay, dự án triển khai thi công xây dựng hoàn thành và đạt yêu cầu về chất lượng theo thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật và các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành. Hiện dự án đã được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) bàn giao cho tỉnh Tiền Giang tiếp nhận.

Có thể nói, việc hoàn thành và đưa vào sử dụng Dự án Nâng cấp kinh Chợ Gạo giai đoạn 2 có ý nghĩa rất lớn đối với ngành vận tải đường thủy nội địa ĐBSCL. Đây sẽ là điều kiện, nền tảng quan trọng để thúc đẩy, khai thác tối đa lợi thế của vận tải đường thủy.

Dự án Nâng cấp kinh Chợ Gạo giai đoạn 2 hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần tháo gỡ
Dự án Nâng cấp kinh Chợ Gạo giai đoạn 2 hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần tháo gỡ "nút thắt" vận tải đường thủy nội địa cho khu vực ĐBSCL. Ảnh: TRỌNG THỨC

Cùng với sự kiện này, ngày 6-1 vừa qua, Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Lễ triển khai thi công Dự án Nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia - giai đoạn 1 (khu vực phía Nam).

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.155 tỷ đồng, thực hiện hoàn thành năm 2025. Theo đó, dự án sẽ xây dựng mới 9 cầu, nâng cấp cải tạo 1 cầu và tháo dỡ 1 cầu cắt ngang các tuyến đường thủy nội địa quốc gia nhằm cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL. Dự án chia làm 2 gói thầu xây lắp gồm: CĐT-XL01 (xây dựng cầu Mộc Hóa, Sa Đéc, Hồng Ngự, Mỏ Cày; cải tạo cầu Giồng Găng; tháo dỡ cầu Măng Thít);

CĐT-XL02 (xây dựng cầu Đông Thuận, Đông Bình, Ô Môn, Thới Lai, Vàm Xáng - Thị Đội). Thời gian qua, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh Bến Tre, Long An, Đồng Tháp và Vĩnh Long để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án. Đến nay, dự án đã hoàn thiện thủ tục để triển khai thi công gói thầu xây dựng CĐT-XL01: Xây dựng cầu Mộc Hóa, Sa Đéc, Hồng Ngự, Mỏ Cày; cải tạo cầu Giồng Găng; tháo dỡ cầu Măng Thít tạo tiền đề để triển khai thực hiện gói thầu còn lại của dự án.

Theo Bộ GTVT, dự án khi hoàn thành sẽ đảm bảo khai thác đồng bộ về vận tải đường thủy trên toàn tuyến. Đồng thời, nâng cao năng lực vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa giữa khu vực ĐBSCL đến TP. Hồ Chí Minh cũng như các cụm cảng biển khu vực Đông Nam bộ và ngược lại.

Dự án sẽ góp phần tích cực vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, giảm tỷ lệ các vụ tai nạn trên các tuyến đường bộ, đường thủy; đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực biên giới các tỉnh, thành ĐBSCL và phát triển đồng bộ mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy khu vực ĐBSCL.

TIẾP TỤC HOÀN THIỆN HẠ TẦNG

Bên cạnh Dự án Nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia - giai đoạn 1 (khu vực phía Nam) vừa được khởi công, một dự án phát triển vận tải đường thủy đặc biệt quan trọng vừa được Bộ GTVT phê duyệt là Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam. Dự án này có tổng mức đầu tư gần 3.900 tỷ đồng.

 Nghi thức khởi công Dự án Nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia - giai đoạn 1 (khu vực phía Nam).
Nghi thức khởi công Dự án Nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia - giai đoạn 1 (khu vực phía Nam).

Theo Bộ GTVT, dự án được đầu tư nhằm cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, giảm tắc nghẽn, tai nạn, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy thông qua việc cải tạo, nâng cấp hành lang vận tải Đông - Tây kết nối khu vực ĐBSCL và cải tạo hành lang vận tải Bắc - Nam kết nối khu vực Đông Nam bộ với cụm Cảng Cái Mép - Thị Vải.

Theo kế hoạch, dự án sẽ tiến hành nạo vét, cải tạo tuyến luồng đường thủy nhằm tháo gỡ các “điểm nghẽn” trên hành lang Đông - Tây qua sông Hậu (TP. Cần Thơ) như: Sông Trà Ôn, sông Mang Thít, sông Cổ Chiên, kinh Chợ Lách, sông Tiền, rạch Kỳ Hôn, kinh Chợ Gạo, rạch Lá, sông Vàm Cỏ, kinh Nước Mặn, sông Cần Giuộc, sông Soài Rạp (TP. Hồ Chí Minh). Ngoài ra, dự án còn giải quyết “điểm nghẽn” trên hành lang Bắc - Nam qua các sông Đồng Nai (Cảng Đồng Nai) gồm: Sông Nhà Bè, sông Lòng Tàu, sông Đồng Tranh, sông Tắc Cua, sông Gò Gia, sông Thị Vải.

Sau khi dự án hoàn thành, các hàng lang vận tải Đông - Tây và Bắc - Nam tại khu vực phía Nam sẽ đảm bảo năng lực lưu thông cho các loại tàu cỡ lớn, tàu container vận chuyển hàng hóa. Dự án có thời gian thực hiện là 5 năm sau khi Hiệp định tài trợ có hiệu lực (dự kiến từ năm 2023 đến năm 2027).

Phát biểu tại Lễ khởi công Dự án Nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia - giai đoạn 1 (khu vực phía Nam) mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết, quyết tâm của Bộ GTVT là đẩy nhanh tiến độ dự án này đến năm 2025 đưa đồng bộ 11 cây cầu này vào khai thác cùng với Dự án Nâng cấp kinh Chợ Gạo giai đoạn 2.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang, trong kỳ trung hạn này, khu vực ĐBSCL, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ được bố trí 3 dự án lớn để phát triển đường thủy nội địa. Đó là Dự án Nâng cấp kinh Chợ Gạo giai đoạn 2 vừa hoàn thành xong; Dự án Nâng cao tĩnh không 11 cây cầu và Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam do Ngân hàng Thế giới tài trợ đang trong giai đoạn thương thảo hiệp định và sẽ sớm được triển khai trong thời gian tới. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang kỳ vọng 3 dự án này sau khi hoàn thành đồng bộ sẽ khơi thông “điểm nghẽn” trên tuyến đường thủy nội địa khu vực phía Nam.

ANH THƯ

.
.
.