Bài 1: Còn đó những tiềm năng
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định tập trung đầu tư, hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực, vùng động lực; nâng cao chất lượng, hiệu quả, ứng dụng khoa học và công nghệ vào khâu sản xuất - chế biến - tiêu thụ trái cây. Từ đó, Tiền Giang luôn quan tâm và tạo điều kiện để các doanh nghiệp chú trọng đầu tư mạnh vào khai thác công nghiệp chế biến, đặc biệt là công nghiệp chế biến sâu vào các mặt hàng nông sản.
Với mục tiêu được đặt ra, Tiền Giang luôn quan tâm mời gọi đầu tư, cấp mới và điều chỉnh một số dự án đầu tư, trong đó có các dự án chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh; đồng thời, định hướng, bố trí quy hoạch một số khu đất do tỉnh quản lý để mời gọi đầu tư các nhà máy chế biến nông sản.
THIÊN NHIÊN ƯU ĐÃI
Tiền Giang và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long được thiên nhiên ưu đãi, đã trở thành vùng trọng điểm về sản xuất lúa - gạo, trái cây, rau màu và thủy sản của cả nước, với nhiều chủng loại đa dạng, phong phú.
Dây chuyền chế biến thủy sản xuất khẩu của Công ty GODACO (Khu công nghiệp Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). |
Thực tế cho thấy, Tiền Giang vốn có thế mạnh về nông nghiệp. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, khu vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm tỷ trọng 37,1% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Điểm đặc biệt là Tiền Giang có diện tích trồng cây ăn trái nằm trong nhóm đầu của vùng và dường như tăng đều qua các năm gần đây.
Thống kê của ngành Nông nghiệp cho thấy, diện tích cây ăn trái của Tiền Giang đến cuối năm 2023 đạt hơn 84 ngàn ha, với sản lượng trên 1,76 triệu tấn. Trên địa bàn tỉnh, có 5 địa phương có diện tích cây ăn trái lớn (chiếm hơn 86% diện tích cây ăn trái của tỉnh) là: Huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy, huyện Tân Phước, huyện Châu Thành, huyện Chợ Gạo.
Thực tế cũng cho thấy, các nhà vườn Tiền Giang đã không ngừng chú trọng sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Nhờ ứng dụng công nghệ bao trái, xử lý thành công ra hoa nghịch vụ trên một số loại cây ăn trái như: Sầu riêng, thanh long, chôm chôm, nhãn, xoài đã góp phần nâng cao thu nhập cho nhà vườn.
Tiền Giang có hệ sinh thái nông nghiệp rất đa dạng, có diện tích trồng lúa 136 ngàn ha, diện tích cây ăn trái hơn 84 ngàn ha; diện tích rau màu thực phẩm hơn 54 ngàn ha; có bờ biển dài 32 km với hàng ngàn ha bãi bồi ven biển, thích hợp trong nuôi trồng các loài thủy, hải sản và phát triển đa dạng kinh tế biển cùng với các cơ sở hạ tầng phục vụ cho nông nghiệp đã được đầu tư như: Cảng cá Mỹ Tho, Cảng cá Vàm Láng, Chợ trái cây Hòa Khánh, Chợ trái cây Vĩnh Kim, khu xay xát lúa - gạo ở Cái Bè… Với lợi thế nguồn nguyên liệu dồi dào, Tiền Giang đảm bảo cho sản xuất công nghiệp quy mô lớn. Ngoài ra, Tiền Giang còn địa dư để phát triển các khu, cụm công nghiệp; khu vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là quỹ đất do Nhà nước quản lý như quỹ đất của Nông trường Tân Lập để phát triển các khu công nghiệp tại huyện Tân Phước; khu, cụm công nghiệp tại vùng Gò Công; khu chăn nuôi tập trung tại huyện Tân Phước; khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao tại huyện Tân Phú Đông. Không gian kinh tế biển của Tiền Giang vẫn còn nhiều tiềm năng (như khu vực biển Gò Công, Cồn Ngang) nhưng chưa được khai thác… |
Nhờ đó, lợi nhuận từ sản xuất nghịch vụ luôn cao hơn sản xuất chính vụ từ 1,5 - 1,7 lần; đã hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung với sản lượng lớn, cung cấp cho thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, chỉ riêng cây ăn trái, từ đầu năm 2023 đến nay, thị trường tiêu thụ trái cây ngày càng được mở rộng, nhiều loại trái cây chủ lực của tỉnh tiếp tục tham gia vào chuỗi xuất khẩu như sầu riêng, mít, thanh long, xoài, chuối, bưởi...
Nông dân tích cực chăm sóc và áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp góp phần bảo vệ năng suất và nâng cao chất lượng trái cây nên giá bán các loại trái cây nhìn chung tăng hơn so với cùng kỳ, chẳng hạn: Bưởi, khóm tăng từ 1.500 - 2.000 đồng/kg, thanh long, mãng cầu Xiêm, mít tăng từ 8.000 - 18.000 đồng/kg, sầu riêng tăng từ 25.000 - 50.000 đồng/kg nên nông dân trồng cây ăn trái thu được lợi nhuận cao (từ 73,6 triệu đồng đến 1,745 tỷ đồng/ha tùy loại, cao hơn cùng kỳ từ 6,8 triệu đồng đến hơn 818 triệu đồng/ha).
Ngoài trái cây, Tiền Giang còn có lợi thế về nuôi trồng và khai thác thủy sản. Theo đó, Tiền Giang có mô hình nuôi cá lồng bè trên sông Tiền, nuôi cá tra thâm canh, nuôi thâm canh và bán thâm canh đối với tôm và nghêu; các mô hình nuôi tôm 2 hoặc 3 giai đoạn, nuôi tôm bằng vi sinh, mô hình biofloc… được khuyến khích áp dụng thay thế cho mô hình nuôi truyền thống nhằm hạn chế những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình nuôi.
Về khai thác biển, để giảm chi phí hoạt động khai thác, tăng thu nhập cho ngư dân, tỉnh đã khuyến khích phát triển đội tàu hành nghề dịch vụ khai thác hải sản kết hợp giữa tàu đi khai thác và tàu làm nghề dịch vụ hoặc thành lập tổ hợp tác với đội tàu khác để giảm chi phí đi lại và nâng cao chất lượng sản phẩm.
CHÚ TRỌNG CHẾ BIẾN
Từ các lợi thế hiện hữu, các chính sách đặc thù và một số giải pháp phát triển công nghiệp chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao để gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp luôn được quan tâm, tạo điều kiện phát triển.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và lãnh đạo tỉnh Tiền Giang thăm Công ty cổ phần Công nghiệp thực phẩm Thabico - Tiền Giang (huyện Chợ Gạo). Ảnh: CAO THẮNG |
Tiền Giang cũng ưu tiên tập trung hỗ trợ chuyển giao các tiến bộ công nghệ mới, công nghệ cao vào sản xuất: Sản xuất theo hướng GAP và đạt tiêu chuẩn GAP, sản xuất an toàn; ứng dụng các tiến bộ công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng đã giúp nông dân nâng cao trình độ canh tác.
Những thành tựu khoa học và công nghệ cùng với các chính sách đổi mới đã góp phần đưa các sản phẩm nông nghiệp, chế biến lương thực, thực phẩm tăng lên cả về năng suất lẫn chất lượng, nâng khả năng cạnh tranh ngày càng cao của hàng hóa nông sản, thực phẩm; chuyển sang mô hình sản xuất hiện đại, sạch và xanh, từng bước đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, đáp ứng yêu cầu của thị trường và người tiêu dùng.
Thông qua nhiều nỗ lực trong thu hút đầu tư vào ngành Nông nghiệp, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 121 cơ sở chế biến thủy sản, với công suất 345.000 tấn/năm(có hơn 22 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trực tiếp, chủ yếu chế biến mặt hàng cá tra phi lê, trong đó có 4 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn chủ động khoảng 80% sản lượng nguyên liệu).
Năm 2023, thủy sản xuất khẩu đã mang về khoảng 444 triệu USD, tăng gần 33% so với cùng kỳ, chiếm hơn 73% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản của tỉnh. Thị trường xuất khẩu nhóm ngành thủy sản chủ yếu là Trung Quốc, Hoa Kỳ và các nước EU, với sản phẩm chủ yếu là cá tra phi lê (chiếm 91% kim ngạch xuất khẩu của ngành); còn lại là nghêu, sò, mực, thủy sản đóng hộp.
Phân tích thêm về yếu tố xuất khẩu thủy sản, Tổng Giám đốc GODACO Nguyễn Văn Đạo cho biết, công ty hiện có 4 nhà máy chế biến phi lê và 1 nhà máy giá trị gia tăng, hiện sản phẩm của công ty có mặt ở 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, với khoảng 280 khách hàng.
Chưa kể, công ty dự định đầu tư thêm vùng nuôi khoảng 50 ha, nâng sản lượng lên khoảng 100.000 tấn nguyên liệu/năm và đầu tư thêm nhà máy chế biến, với công suất 100 tấn nguyên liệu/ngày và tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực. Tổng kim ngạch xuất khẩu công ty đặt ra cho kế hoạch 5 năm tới đạt khoảng 500 triệu USD.
Chưa kể, Tiền Giang hiện có khoảng 14 nhà máy chế biến trái cây đang hoạt động, với công suất trên 47.000 tấn/năm. Hầu hết các doanh nghiệp đã từng bước đầu tư đổi mới công nghệ khá hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm. Ngoài thị trường Trung Quốc, các sản phẩm chế biến trái cây còn xuất khẩu sang các thị trường khác như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga… gồm các sản phẩm: Trái cây đóng hộp, nước quả cô đặc và purée; sản phẩm sấy từ sầu riêng, thanh long...
Đáng chú ý, ngành chế biến thực phẩm tại Tiền Giang tăng cao là nhờ có Nhà máy chế biến trái cây của Công ty cổ phần Công nghiệp thực phẩm Thabico Tiền Giang, với số vốn đầu tư lên đến 700 tỷ đồng, hoạt động chủ yếu chế biến rau quả cấp đông, chế biến: Sản xuất nước ép, cô đặc có thiết bị được nhập khẩu trực tiếp từ Ý, công suất nước ép 15.000 tấn/năm, công suất nước cô đặc 7.000 tấn/năm với các sản phẩm chính là thanh long, dừa (các sản phẩm từ dừa có công suất 300.000 trái/ngày đêm).
Dây chuyền sản xuất trái cây và rau củ đông lạnh bằng dây chuyền sản xuất nhập khẩu từ Thụy Điển, công suất 60.000 tấn/năm với các sản phẩm chính như: Thanh long, xoài, chuối, khóm, dưa hấu, đậu nành, bắp…
Mặc dù Tiền Giang không ngừng nỗ lực, tạo môi trường, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nhưng tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp qua chế biến vẫn chưa như mong đợi. Do đó, việc mở rộng thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của Tiền Giang vẫn còn mang tính cấp bách và cần có cơ chế hỗ trợ.
A. PHƯƠNG - M.THÀNH
(còn tiếp)