.
NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈNH TIỀN GIANG:

Nhiều dấu ấn trong phát triển kết cấu hạ tầng

Cập nhật: 22:12, 06/01/2024 (GMT+7)

Trong năm 2023, ngành Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Tiền Giang đã hoàn thành tốt công tác đầu tư, phát triển và quản lý kết cấu hạ tầng giao thông. Nổi bật là việc triển khai nhiều dự án giao thông quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

NHIỀU DẤU ẤN

Trong năm 2023, tỉnh Tiền Giang đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai các dự án giao thông trọng điểm trung ương đầu tư trên địa bàn. Theo đó, trong năm, tỉnh đã tích cực phối hợp với Bộ GTVT triển khai Dự án Đầu tư nâng cấp mở rộng kinh Chợ Gạo giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư hơn 1.335 tỷ đồng. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đã hoàn thành.

Cầu Mỹ Thuận 2 hiện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Cầu Mỹ Thuận 2 hiện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Tiến độ thực hiện cơ bản hoàn thành. Hiện Ban Quản lý các dự án đường thủy - Bộ GTVT đang triển khai thi công hơn 300 m kè kết hợp neo đậu cho phương tiện cứu hộ. Dự kiến, hoàn thành trước Tết Nguyên đán năm 2024.

Một trong những dự án trọng điểm mà tỉnh đang phối hợp triển khai là Dự án Cầu Rạch Miễu 2. Công trình có chiều dài 17,6 km, điểm đầu tại ngã tư Đồng Tâm (thuộc địa phận huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) và điểm cuối dự án tại khoảng Km16+660 Quốc lộ 60, thuộc địa phận TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre. Cầu chính vượt sông Tiền có kết cấu dây văng, dài gần 2 km, rộng 21,5 m, 4 làn xe, thiết kế cho thời gian khai thác 100 năm.

Riêng đoạn cầu vượt sông Mỹ Tho là cầu đúc hẫng, dài 456 m, 4 làn xe, riêng đường dẫn trên tuyến có 4 làn dành cho ô tô, 2 làn hỗn hợp, vận tốc 80 km/h. Về chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, đến nay, tỉnh đã giải ngân 99,97%.

Năm 2023, Sở GTVT đã thực hiện tốt công tác quản lý, đầu tư, bảo trì hạ tầng giao thông; phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT thực hiện các dự án trung ương trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, đôn đốc đầu tư giao thông nông thôn, chỉnh trang đô thị; tăng cường chỉ đạo công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, công tác quản lý vận tải, kiểm định phương tiện, đào tạo - sát hạch cấp giấy phép lái xe… Nhìn chung tất cả các mặt công tác của ngành đã hoàn thành kế hoạch đề ra.
 

Tính đến ngày 21-12-2023, có 507/988 hộ (51,3%) đã bàn giao mặt bằng với diện tích là hơn 112 ngàn m2 (44,9%). Về khu tái định cư, có 43 hộ bị ảnh hưởng, trong đó 40 hộ đã nhận tiền với tổng số tiền đã chi là 232 tỷ đồng; 3 hộ chưa đồng ý nhận tiền.

Một trong những dự án giao thông trọng điểm khác mà tỉnh đã tích cực phối hợp triển khai trong năm 2023 là cầu Mỹ Thuận 2. Đến nay, công trình đã hoàn thành và thông xe vào ngày 24-12-2023.

Bên cạnh các dự án trung ương đầu tư, trong năm 2023, từ nguồn vốn ngân sách địa phương và trung ương hỗ trợ, tỉnh còn triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm khác. Một trong những dự án giao thông quan trọng được đầu tư từ vốn ngân sách trung ương và địa phương khác là đường giao thông 2 bên bờ sông Bảo Định.

Theo Sở GTVT, hiện dự án đã hoàn chỉnh hồ sơ bồi thường; ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án và kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân; nghiệm thu và bàn giao một phần mặt bằng cho chủ đầu tư.

Trong quý I-2024 sẽ tiếp tục chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân. Hiện nay, dự án đang triển khai 2 gói thầu xây lắp gồm: Gói thầu thi công xây dựng phân đoạn 1; Gói thầu thi công xây dựng phân đoạn 2.

Kế hoạch vốn giao năm 2023 là 180 tỷ đồng, lũy kế vốn từ đầu dự án đến nay là 202,588 tỷ đồng. Lũy kế giải ngân năm 2023 là 153,326 tỷ đồng, đạt 85,18%; lũy kế giải ngân từ đầu dự án đến nay là 175,913 tỷ đồng.

Cũng theo Sở GTVT, một trong những dự án giao thông trọng điểm có ý nghĩa chiến lược mà tỉnh đang triển khai là tuyến đường tỉnh 864 giai đoạn 1. Hiện nay đang triển khai thi công 4 gói thầu, tổng giá trị 639,011 tỷ đồng. Khối lượng thực hiện được 176,5/608,581 tỷ đồng, đạt 27,62%. Giá trị giải ngân là hơn 133/639 tỷ đồng, đạt 20,93%. Đến nay, gói thầu cầu Vàm Giồng và đường vào cầu đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng.

Cũng trong năm 2023, ngành GTVT còn triển khai 8 dự án chuyển tiếp. Đến nay đã hoàn thành các công trình gồm: Nâng cấp mở rộng đường tỉnh 874, đường tỉnh 873 từ cầu Bình Xuân đến Quốc lộ 50; nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 879B từ cầu Gò Cát đến ranh tỉnh Long An.

Đồng thời, đang tiếp tục thi công: Đường Lộ Dây Thép; đường giao thông phục vụ phát triển công nghiệp phía Đông; nâng cấp mở rộng các đường tỉnh 861, 863, 869, 864; đường phát triển vùng Đồng Tháp Mười giai đoạn 1. Trong 4 dự án khởi công mới, hiện cầu Thông Lưu trên đường tỉnh 863 đã hoàn thành. Đồng thời, đang tiếp tục thi công các dự án gồm: Đường tỉnh 879C; cầu Tân Phong; cầu Tân Thạnh.

ĐẨY NHANH TRIỂN KHAI CÁC DỰ ÁN GIAO THÔNG TRỌNG ĐIỂM

Theo lãnh đạo Sở GTVT, trong năm 2024, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh phối hợp Bộ GTVT chuẩn bị mở rộng cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận. Đồng thời, tăng cường phối hợp các cơ quan Trung ương đẩy nhanh tiến độ thi công cầu Rạch Miễu 2, hoàn thành Dự án Nâng cấp mở rộng kinh Chợ Gạo - giai đoạn 2.

Tiền Giang tập trung nguồn lực triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm.
Tiền Giang tập trung nguồn lực triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phối hợp các Ban Quản lý dự án chuyên ngành đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án chuyển tiếp như: Đường Lộ Dây Thép (đường tỉnh 880B); đường giao thông phục vụ phát triển công nghiệp phía Đông; nâng cấp mở rộng các đường tỉnh 861, 863, 869, 864; đường phát triển vùng Đồng Tháp Mười; đường tỉnh 879C; cầu Tân Phong, huyện Cai Lậy; cầu Tân Thạnh; đường tỉnh 879C; đường giao thông 2 bên bờ sông Bảo Định; đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu.

Bên cạnh đó, Sở GTVT sẽ đôn đốc UBND các huyện, thị, thành khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành các công trình của năm 2023. Đồng thời, đôn đốc, hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương thực hiện Tiêu chí 2 về Giao thông làm cơ sở ra mắt tỉnh nông thôn mới.

Cũng trong năm 2024, Sở GTVT sẽ tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ xem xét, sớm bố trí nguồn vốn hỗ trợ thực hiện Dự án Đường ven biển đoạn qua địa bàn tỉnh; kiến nghị Bộ GTVT quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án: Cầu Rạch Miễu 2; hỗ trợ tỉnh thực hiện Dự án Quốc lộ 50B, cầu Đồng Sơn nối tỉnh Tiền Giang và Long An...

Trong năm 2023, Sở GTVT triển khai thực hiện 54 công trình từ nguồn vốn ngân sách tỉnh và vốn Quỹ Bảo trì đường bộ; trong đó có 4 công trình chuyển tiếp từ năm 2022 sang và 50 công trình khởi công mới.

Đến tháng 12-2023 đã hoàn thành 49 công trình, còn 5 công trình đang thi, công dự kiến tiếp tục chuyển tiếp phần khối lượng còn lại sang thực hiện năm 2024.

Năm 2023, tổng nguồn vốn đầu tư công được giao là 90,3 tỷ đồng và giải ngân đến tháng 12-2023 đạt 100% vốn được giao; nguồn Quỹ Bảo trì đường bộ là 175 tỷ đồng, giải ngân đến đầu tháng 12-2023 đạt 153 tỷ đồng (87,4%), đang tiếp tục chuyển hồ sơ đến kho bạc để giải ngân phần vốn còn lại, dự kiến giải ngân 100% vốn được giao.

Sở GTVT cũng sẽ kiến nghị UBND tỉnh chấp thuận đề xuất đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến đường tỉnh phục vụ xây dựng tỉnh, huyện nông thôn mới như: Đường tỉnh 871C (đoạn qua địa bàn huyện Gò Công Đông); nâng cấp mở rộng các cầu trên tuyến đường tỉnh 877B. 

Đồng thời, xem xét ưu tiên bố trí nguồn kinh phí sửa chữa lớn các tuyến, đoạn tuyến đường tỉnh đã được đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, hiện đến hạn hoặc đã quá hạn trung, đại tu định kỳ theo quy định nhưng chưa được thực hiện. Cụ thể gồm 8 tuyến, đoạn tuyến như các đường tỉnh 862, 864, 865, 867, 868, 872, 874B, 875B. Các đoạn tuyến có tổng chiều dài là 103,83 km, với tổng kinh phí ước tính 241 tỷ đồng.

ANH THƯ

.
.
.