.

Nhiều chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ tháng 1/2024

Cập nhật: 09:14, 01/01/2024 (GMT+7)

Hàng loạt chính sách liên quan đến kinh tế như áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; sửa quy định về kê khai, thu, nộp phí, lệ phí,.. có hiệu lực từ tháng 1/2024.

Áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung

Ngày 29/11/2023, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Nghị quyết này có hiệu lực từ 1/1/2024.

Nghị quyết số 107/2023/QH15 quyết nghị: đơn vị hợp thành của tập đoàn đa quốc gia có doanh thu trong báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ tối cao ít nhất 2 năm trong 4 năm liền kề trước năm tài chính, tương đương 750 triệu Euro trở lên, trừ các trường hợp sau đây: tổ chức của chính phủ; tổ chức quốc tế; tổ chức phi lợi nhuận; quỹ hưu trí; quỹ đầu tư là công ty mẹ tối cao; tổ chức đầu tư bất động sản là công ty mẹ tối cao...

Chính phủ sửa quy định về kê khai, thu, nộp phí, lệ phí

Ngày 28/11/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 82/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí. Trong đó, sửa đổi, bổ sung tên Điều và các khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 3.

b

Chính phủ sửa quy định về kê khai, thu, nộp phí, lệ phí (Ảnh: Hoàng Hà)

Tổ chức thu phí, lệ phí thực hiện kê khai, nộp phí, lệ phí thu được như sau:

Định kỳ hàng ngày; tuần hoặc tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu được vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách tại Kho bạc Nhà nước; tổ chức thu lệ phí phải gửi số tiền lệ phí thu được vào tài khoản lệ phí chờ nộp ngân sách hoặc nộp lệ phí vào tài khoản thu ngân sách nhà nước tại Kho bạc Nhà nước.

Căn cứ số tiền phí, lệ phí thu được nhiều hay ít, nơi thu phí, lệ phí xa hay gần Kho bạc Nhà nước, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định định kỳ ngày; tuần hoặc tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu được trong kỳ vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách, tổ chức thu lệ phí phải gửi số tiền lệ phí đã thu được trong kỳ vào tài khoản lệ phí chờ nộp ngân sách hoặc tài khoản thu ngân sách nhà nước.

Tổ chức thu phí kê khai, nộp tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo tháng, quyết toán năm và tổ chức thu lệ phí kê khai, nộp lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước theo tháng.

Tổ chức thu phí hải quan, lệ phí hàng hóa, hành lý, phương tiện vận tải quá cảnh, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thu phí, lệ phí thực hiện kê khai, thu, nộp phí, lệ phí theo quy định.

Tổ chức thu phí, lệ phí thực hiện lập và cấp chứng từ thu phí, lệ phí theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoá đơn, chứng từ, Nghị định số 11/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước.

Nghị định 82/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 12/1/2024.

Quy định mới về phát hành riêng lẻ trái phiếu Chính phủ

Chính phủ ban hành Nghị định số 83/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán.

Nghị định số 83/2023/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2024, sửa đổi, bổ sung Điều 17 Phát hành riêng lẻ trái phiếu Chính phủ như sau:

Phát hành riêng lẻ là phương thức bán trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho từng đối tượng mua hoặc lựa chọn ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài làm đại lý phân phối và thanh toán trái phiếu Chính phủ (đại lý phân phối) cho đối tượng mua.

Kho bạc Nhà nước xây dựng phương án phát hành trái phiếu Chính phủ theo phương thức riêng lẻ báo cáo Bộ Tài chính chấp thuận.

Phương án phát hành riêng lẻ bao gồm các nội dung cơ bản: đối tượng mua trái phiếu; khối lượng dự kiến phát hành; kỳ hạn trái phiếu; lãi suất dự kiến; thời gian dự kiến phát hành; dự kiến hình thức phát hành riêng lẻ (Kho bạc Nhà nước phát hành trực tiếp hoặc lựa chọn đại lý phân phối).

Mức thu phí sử dụng lòng đường, hè phố trên địa bàn TP.HCM

Ngày 19/9/2023, Hội đồng Nhân dân TP.HCM đã thông qua Nghị quyết 15/2023/NQ-HĐND, có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, về ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn.

Theo đó, mức thu phí cho hoạt động trông giữ xe từ 50.000-350.000/m2/tháng và mức thu phí cho các hoạt động khác từ 20.000-100.000 đồng/m2/tháng tùy theo khu vực.

Về cách tính thời gian thuê, nếu số ngày sử dụng lòng đường, hè phố dưới 15 ngày trong một tháng tính nửa tháng; từ 15 ngày trở lên trong một tháng sẽ tính 1 tháng.

Đối tượng nộp phí là các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng tạm thời lòng đường để tổ chức các hoạt động văn hóa và điểm trông, giữ xe ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa; làm điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; bố trí điểm, giữ xe máy, xe mô tô, xe đạp có thu tiền dịch vụ trông giữ xe.

Quy định quản lý hàng hóa tân trang theo Hiệp định CPTPP

Nghị định 77/2023/NĐ-CP về quản lý nhập khẩu hàng hóa tân trang theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

Nghị định này chỉ áp dụng đối với việc nhập khẩu hàng hóa tân trang theo Hiệp định CPTPP và cùng chủng loại với hàng hóa đã qua sử dụng thuộc diện cấm nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định pháp luật.

Nghị định này không áp dụng đối với việc nhập khẩu hàng hóa tân trang phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.

Đối tượng áp dụng của nghị định này là các doanh nghiệp tân trang, cơ sở tân trang, chủ sở hữu nhãn hiệu, thương nhân nhập khẩu hàng hóa tân trang và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động nhập khẩu hàng hóa tân trang theo Hiệp định CPTPP.

Theo VietNamNet

.
.
.