Thứ Năm, 18/01/2024, 09:52 (GMT+7)
.

Những thách thức của ngành chăn nuôi

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2023, ngành chăn nuôi đã đạt một số kết quả khả quan: Đàn vật nuôi cơ bản phát triển tốt; sản lượng thịt hơi các loại đạt 7,79 triệu tấn, tăng 6,38% so với năm 2022, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và tiếp tục hướng đến xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi (SPCN). Tuy nhiên, để phát triển ổn định trong năm 2024, ngành cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hữu hiệu để ứng phó những thách thức từ thực tế.

a
Mô hình chăn nuôi gà sử dụng chế phẩm vi sinh ở xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn, Hà Nội).

Theo Phó Cục trưởng Chăn nuôi Phạm Kim Đăng, ngành chăn nuôi hiện đang gặp phải rất nhiều khó khăn: Chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu quy mô chăn nuôi; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức; xử lý môi trường chăn nuôi còn bất cập; công tác quản lý giống còn nhiều hạn chế, chưa có hệ thống giống hoàn chỉnh.

Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi còn phải đối diện với nhiều bất cập như: Việc nhập con giống, SPCN không rõ nguồn gốc còn diễn ra thường xuyên và diễn biến rất phức tạp; thị trường tiêu thụ không ổn định, chi phí đầu vào tăng, giá thành sản xuất tăng trong khi giá bán sản phẩm của người chăn nuôi ở mức thấp kéo dài; dịch bệnh diễn biến khó lường và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, ảnh hưởng hoạt động sản xuất chăn nuôi; nguồn lực sản xuất, nhất là quỹ đất dành cho chăn nuôi đang ngày càng thu hẹp, áp lực chi phí môi trường tăng cao...

Giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu tăng do phụ thuộc vào việc nhập khẩu từ các nước (hàng tỷ USD mỗi năm), khiến giá thành sản xuất đội lên dẫn đến giá thành sản xuất SPCN ở nước ta còn khá cao so với một số nước trong khu vực và thế giới cũng là một vấn đề không dễ giải quyết.

Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc, hiện giá thành sản xuất thịt lợn của Việt Nam cao hơn từ 15 đến 20% so với Brazil; từ 20 đến 25% so với Mỹ theo thời điểm, cao hơn Thái Lan từ 5 đến 15%.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Hưng Thỉnh (Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh sản phẩm nông nghiệp Phúc Thọ, Hà Nội) cho biết, giá thức ăn chăn nuôi tăng, chi phí đầu vào tăng, cho nên giá SPCN năm 2023 cơ bản thấp hơn giá thành sản xuất khiến nông hộ gặp khó.

Ngoài ra, hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm còn bất cập, do phần lớn các cơ sở giết mổ mới ở quy mô nhỏ lẻ, không bảo đảm an toàn thực phẩm; số cơ sở giết mổ tập trung ít, công suất thực tế còn thấp so với công suất thiết kế.

Theo các chuyên gia, để ngành chăn nuôi phát triển ổn định, tới đây các địa phương cần tích cực triển khai Luật Chăn nuôi, Chiến lược Phát triển chăn nuôi hiệu quả; tập trung phát triển chăn nuôi theo định hướng thị trường; phát huy thế mạnh của từng vùng, từng vật nuôi chủ lực để nâng cao hiệu quả sản xuất; tăng cường xuất khẩu một số SPCN tiềm năng; đẩy mạnh chăn nuôi công nghiệp công nghệ cao với các sản phẩm chủ lực như lợn, bò, gia cầm, gắn với xây dựng, phát triển thương hiệu; tiếp tục mở rộng chăn nuôi áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP; khuyến khích các mô hình liên kết trong chăn nuôi theo hướng sinh thái, xanh, hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cao; duy trì chăn nuôi nông hộ theo hình thức hữu cơ truyền thống; phát triển giống vật nuôi chất lượng cao phục vụ sản xuất; ưu tiên nhập khẩu giống tốt, chọn tạo đàn giống thích hợp cho mỗi vùng sinh thái.

Thêm vào đó, các nông hộ cần phải tiếp tục cải tạo nâng cao tầm vóc đàn bò, nạc hóa đàn lợn…; lai tạo các tổ hợp gà thả vườn có năng suất, chất lượng cao, chi phí thức ăn thấp, lựa chọn và phát triển các giống gà đặc sản gắn với từng vùng; chú ý lựa chọn các giống thủy cầm lai chuyên thịt hoặc chuyên trứng.

Theo TS Lã Văn Kính (Trường đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh), để thúc đẩy tăng trưởng, ngành chăn nuôi nên chú trọng đầu tư về trang thiết bị cho các chương trình nghiên cứu về dinh dưỡng thức ăn chăn nuôi để giảm chi phí, từ đó có thể giảm giá thành sản xuất.

Đối với chăn nuôi nông hộ cần phổ biến cách thức sử dụng thức ăn chăn nuôi hiệu quả, an toàn, khuyến khích bà con tận dụng phụ phẩm làm thức ăn sinh học và tranh thủ lao động tự phối trộn thức ăn.

Cùng với đó, cần kiểm soát tốt dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; tăng cường kiểm dịch thú y, tổ chức kiểm soát ngăn chặn buôn bán, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm qua biên giới; chú trọng kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, sơ chế sản phẩm động vật; tiếp tục xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh...

Theo nhandan.vn
 

 

.
.
.