Thứ Hai, 08/01/2024, 08:39 (GMT+7)
.
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỈNH TIỀN GIANG THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050:

Động lực phát triển cho Tiền Giang

Trong chiến lược phát triển được đề cập trong Quyết định 1762 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tiền Giang trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có trình độ phát triển khá của cả nước, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trở thành nơi đáng sống…

CHÚ TRỌNG CÔNG NGHIỆP

Một trong những quan điểm quan trọng được đề cập trong Quyết định 1762 là Tiền Giang khai thác và phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; tổ chức lại không gian ven biển trở thành động lực của tỉnh, phát triển các ngành, lĩnh lực, trọng tâm là kinh tế biển; bố trí không gian hài hòa trong phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị; trong đó, chú trọng vai trò kết nối đô thị - công nghiệp với TP. Cần Thơ, tỉnh Long An và vùng TP. Hồ Chí Minh; đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội…

Dây chuyền sản xuất tại Công ty cổ phần Công nghiệp thực phẩm Thabico - Tiền Giang (huyện Chợ Gạo), một trong những dự án lớn trong chế biến nông sản của Tiền Giang.   Ảnh: CAO
Dây chuyền sản xuất tại Công ty cổ phần Công nghiệp thực phẩm Thabico - Tiền Giang (huyện Chợ Gạo), một trong những dự án lớn trong chế biến nông sản của Tiền Giang. Ảnh: CAO THẮNG

Một trong những điểm nhấn quan trọng được đề cập trong Quyết định 1762 là Tiền Giang phát triển công nghiệp hiện đại, tập trung, quy mô lớn, thân thiện với môi trường; trở thành ngành kinh tế chủ lực, thế mạnh của tỉnh Tiền Giang, trong đó tập trung phát triển tại 2 khu vực: Khu vực công nghiệp Tân Phước (khoảng 10.000 ha), tập trung phát triển công nghiệp tổng hợp đa ngành, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và Khu vực công nghiệp Gò Công (khoảng 5.000 ha) phát triển mạnh các ngành kinh tế biển: Logistics, dịch vụ dầu khí, cảng, công nghiệp chế biến - chế tạo, công nghệ cao...

Thực tế vừa qua cho thấy, Tiền Giang cũng đã tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhằm tăng cường thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước vào các khu, cụm công nghiệp (CCN) đã được quy hoạch.

Theo đó, đến cuối năm 2023, Tiền Giang được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương quy hoạch 7 khu công nghiệp (KCN), với tổng diện tích đất quy hoạch hơn 2.083 ha, trong đó có 3 KCN (Mỹ Tho, Tân Hương, Long Giang) đang hoạt động ổn định, với diện tích hơn 816 ha; 1 KCN (Dịch vụ dầu khí Soài Rạp) đang chờ Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phương án chuyển giao có diện tích hơn 285 ha, 1 KCN (Bình Đông) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư tại Quyết định 1086 ngày 15-9-2022 với diện tích gần 212 ha; các KCN đang mời gọi đầu tư có tổng diện tích 770 ha, cụ thể: KCN Tân Phước 1 diện tích 470 ha, KCN Tân Phước 2 diện tích 300 ha. Đến nay, các KCN thu hút được 109 dự án (trong đó có 81 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư 2,398 tỷ USD (vốn đầu tư FDI) và 4.562 tỷ đồng (vốn đầu tư DDI), với tổng diện tích đất thuê hơn 526 ha.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh quy hoạch 27 CCN, với diện tích hơn 1.007 ha; trong đó, CCN Trung An, Tân Mỹ Chánh, An Thạnh, Gia Thuận 1 đã hoàn thành đầu tư hạ tầng, đang hoạt động ổn định, với tổng diện tích gần 159 ha. Các CCN đang hoạt động hiện thu hút 68 dự án (trong đó có 6 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký 0,2 tỷ USD và hơn  998 tỷ đồng, diện tích thuê đất hơn 88 ha...

TẠO RA SẢN PHẨM CÓ GIÁ TRỊ GIA TĂNG CAO

Một trong những định hướng quan trọng của Tiền Giang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nông, lâm, thủy sản gắn với chuyển đổi cơ cấu sản phẩm chủ lực, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung (vùng trái cây, lúa, thủy sản) gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường.

Chú thích ảnh: Ảnh 1: Cầu Mỹ Thuận 2 đi vào hoạt động giúp Tiền Giang tăng cường kết nối với các tỉnh ĐBSCL (Ảnh: Minh Thành).
Cầu Mỹ Thuận 2 đi vào hoạt động giúp Tiền Giang tăng cường kết nối với các tỉnh ĐBSCL (Ảnh: Minh Thành).

Đồng thời, phát triển nông nghiệp Tiền Giang đi đôi với xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hóa. Đây là một trong những định hướng quan trọng, bởi Tiền Giang là một trong những tỉnh có lợi thế về nông nghiệp so với các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đặc biệt là đối với cây ăn trái.

Trên thực tế, những năm qua ngành Nông nghiệp Tiền Giang cũng đã chuyển đổi tích cực, tập trung vào xây dựng vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng và hướng vào xuất khẩu chính ngạch. Đây cũng là tiền đề quan trọng đề ngành Nông nghiệp Tiền Giang bước tiếp vào chặng đường mới.

Đánh giá về kết quả của ngành vừa qua và những bước đi cho chặng đường sắp tới, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Mẫn, Tiền Giang và các tỉnh ĐBSCL, được thiên nhiên ưu đãi, đã trở thành vùng trọng điểm về sản xuất lúa - gạo, trái cây, rau màu và thủy sản của cả nước, với nhiều chủng loại đa dạng, phong phú.

Khai thác lợi thế về du lịch

Trong chặng đường sắp tới, đối với ngành dịch vụ, Tiền Giang sẽ phát triển mạnh du lịch, tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành và lĩnh vực khác; tập trung phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch biển, nông nghiệp nông thôn, văn hóa - thể thao, du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh.

Đồng thời, Tiền Giang đẩy mạnh liên kết với TP. Cần Thơ và các địa phương trong vùng ĐBSCL để hình thành các tuyến du lịch sinh thái, miệt vườn, nghỉ dưỡng trong tỉnh và liên tỉnh; tăng cường phát triển logistics nhằm phát huy tối đa vai trò là trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho vận giữa vùng ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ, trở thành lĩnh vực chủ lực của tỉnh.

Tiền Giang vốn có thế mạnh về nông nghiệp, đặc biệt Tiền Giang có vùng chuyên canh cây ăn trái rất lớn, với hơn 84.100 ha, sản lượng hơn 1,7 triệu tấn mỗi năm; trong đó đáng chú ý là sầu riêng có diện tích hơn 21 ngàn ha, sản lượng hơn 421 ngàn tấn, đang mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho nông dân.

Trong thời gian tới, Tiền Giang chú trọng thu hút đầu tư theo hướng xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, có khả năng cạnh tranh dựa trên nền tảng của nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa công nghệ cao, bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao đời sống nhân dân; sản xuất thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Định hướng đến năm 2030, Tiền Giang ưu tiên thu hút đầu tư phát triển toàn diện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bao gồm hệ thống các doanh nghiệp, các khu nông nghiệp, các vùng sản xuất. Đồng thời, Tiền Giang tập trung thu hút đầu tư hình thành những vùng chuyên canh lớn, đặc biệt là chuyên canh cây ăn trái, vùng trồng lúa cao sản theo hướng nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước…

ANH PHƯƠNG

.
.
.