Ưu tiên đầu tư, thu hút đầu tư các dự án trọng điểm
(ABO) Một trong những nguyên tắc chung mà Tiền Giang đặt ra cho chặng đường tới là ưu tiên đầu tư, thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mà Tiền Giang có lợi thế; đồng thời chú trọng các dự án mang tính kết nối vùng và liên vùng.
CHÚ TRỌNG ĐẦU TƯ CÔNG
Theo đó, đối với đầu tư công, Tiền Giang sẽ định hướng đầu tư, ưu tiên lựa chọn dự án một số lĩnh vực chủ yếu. Cụ thể, đối với lĩnh vực giao thông vận tải, Tiền Giang ưu tiên đầu tư các dự án kết nối liên vùng, đặc biệt là các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tiền Giang cũng ưu tiên đầu tư các tuyến đường tạo ra không gian phát triển mới, tuyến kết nối giao thông đối ngoại với vùng, các tỉnh có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Long An, Cần Thơ, Bến Tre và Vĩnh Long...
Tiền Giang chú trọng đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển các khu công nghiệp của tỉnh. Ảnh: MINH THÀNH. |
Đồng thời, Tiền Giang cũng quy hoạch đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối, phát triển các ngành, sản phẩm, lĩnh vực quan trọng của địa phương như phát triển công nghiệp, đô thị, vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, du lịch, vận tải logistics, khu chức năng... Bên cạnh đó, Tiền Giang cũng chú trọng kết cấu hạ tầng kết nối khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn với những khu vực có vai trò động lực của tỉnh.
Bên cạnh đó, Tiền Giang cũng ưu tiên đầu tư các dự án cấp điện phục vụ sản xuất, trọng tâm là các khu, cụm công nghiệp mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, Tiền Giang cũng khuyến khích, tạo điều kiện và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho mọi cơ quan, tổ chức, đơn vị tham gia đầu tư, quản lý vận hành công trình cấp nước, thoát nước trên cơ sở đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định; áp dụng các công nghệ khai thác, quản lý, vận hành tiên tiến, hiện đại và thông minh các công trình. Tiền Giang cũng sẽ có chính sách hỗ trợ cho hoạt động cấp nước, thoát nước nhằm đảm bảo việc cung cấp nước sinh hoạt cho vùng sâu, vùng xa, vùng khan hiếm nguồn nước và vùng đặc biệt khó khăn.
Đối với lĩnh vực văn hóa, xã hội, Tiền Giang sẽ ưu tiên đầu tư trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh; đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao quan trọng; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất các cơ sở y tế công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; tăng cường cơ sở vật chất cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo đạt chuẩn; đầu tư cơ sở bảo trợ xã hội công lập.
Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đảm bảo cam kết bố trí vốn đầu tư công cho phát triển hạ tầng và cam kết về khả năng thu hút vốn FDI trong thời kỳ 2021 - 2030, đảm bảo việc bảo vệ môi trường, không gian sống cho người dân trong khu vực.
ĐỊNH HƯỚNG THU HÚT ĐẦU TƯ
Tiền Giang xác định phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch là 4 khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng nguồn thu ngân sách địa phương và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo; đa dạng hóa việc huy động các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước để tập trung đầu tư phát triển; đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, tăng cường quốc phòng - an ninh, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Định hướng cụ thể về thu hút đầu tư của Tiền Giang trong thời gian tới được tiếp cận thông qua việc chỉ đạo xuyên suốt từ người đứng đầu, phân tích đánh giá tiềm năng, thị trường, tiếp cận đối tác để khai thác lợi thế cạnh tranh vượt trội của tỉnh. Theo đó, Tiền Giang sẽ tập trung thu hút các dự án lớn của các tập đoàn đa quốc gia, tạo thương hiệu, tăng sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư khác tới tỉnh Tiền Giang.
Kinh tế biển, một trong những lợi thế của Tiền Giang, sẽ được ưu tiên trong thu hút đầu tư. Ảnh: MINH THÀNH. |
Bên cạnh đó, Tiền Giang sẽ thu hút nhà đầu tư phát triển hạ tầng là những nhà đầu tư đáp ứng điều kiện về năng lực tài chính để thực hiện dự án, có kinh nghiệm đầu tư hạ tầng, có bộ máy và khả năng quản lý, khai thác hạ tầng khu công nghiệp; thu hút các nhà đầu tư thứ cấp có công nghệ tiên tiến, hiện đại ít ảnh hưởng đến môi trường; thu hút đầu tư phải gắn với định hướng kinh tế tri thức, sản xuất công nghệ cao, phát triển bền vững trên cơ sở chọn lọc các dự án có hàm lượng công nghệ cao. Đồng thời, Tiền Giang sẽ không thu hút các dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, đã qua sử dụng.
Theo đó, Tiền Giang sẽ ưu tiên thu hút đầu tư những dự án có hàm lượng công nghệ cao, hiện đại thân thiện với môi trường đóng góp lớn cho ngân sách như: Điện tử, viễn thông, cơ điện tử, hóa dược, thiết bị y tế...; công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; phát triển các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0.
Bên cạnh đó, Tiền Giang sẽ thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn trong và nước ngoài xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị, trung tâm thương mại, khu sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp... sử dụng nguồn lực lao động tại địa phương, tạo việc làm ổn định; thu hút các ngành thương mại dịch vụ có lợi thế và giá trị gia tăng cao: Dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục - đào tạo, du lịch chất lượng cao, dịch vụ tài chính quốc tế, logistics và các dịch vụ hiện đại khác.
Đối với lĩnh vực dịch vụ, Tiền Giang sẽ tập trung đầu tư vào các ngành dịch vụ trọng điểm được xác định trong thời kỳ quy hoạch như: Thương mại, dịch vụ logicstics, du lịch MICE và du lịch sinh thái. Đối với lĩnh vực đô thị và nhà ở, Tiền Giang sẽ ưu tiên thu hút đầu tư các dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở quy mô lớn, đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại, góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa tại các thành phố, thị xã, thị trấn…
Nhìn chung, các dự án được xem xét chấp thuận đầu tư phải được đánh giá là có hiệu quả kinh tế - xã hội (trên các mặt: Đóng góp cho ngân sách, hiệu quả sử dụng đất); các dự án phải sử dụng công nghệ tiên tiến, ít tác động xấu tới môi trường; không sử dụng công nghệ thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao theo quy định pháp luật…
A.P