.

Sức sống mới bên dòng kinh Chợ Gạo

Cập nhật: 10:57, 10/01/2024 (GMT+7)

Dự án Nâng cấp kinh Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) giai đoạn 2 (gọi tắt là Dự án) hoàn thành và đưa vào sử dụng đã giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân được thuận lợi hơn. Đặc biệt, Dự án còn góp phần tạo diện mạo mới cho bờ kinh Chợ Gạo, đáp ứng mong mỏi của người dân từ nhiều năm nay.

VỀ ĐÍCH ĐÚNG TIẾN ĐỘ

Theo Ban Quản lý các dự án đường thủy - Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Dự án được đầu tư với mục tiêu nâng cấp, ổn định tuyến kinh Chợ Gạo. Đồng thời, khắc phục triệt để vấn đề quá tải và ùn tắc tàu thuyền, đáp ứng kịp thời nhu cầu vận tải thủy trên tuyến hiện tại và lâu dài. Với những mục tiêu này, thời gian qua, chủ đầu tư đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ Dự án.

Tuyến kè kết hợp đường giao thông ngoài việc giúp xử lý sạt lở, phục vụ việc đi lại thuận tiện còn giúp người dân địa phương có không gian sinh hoạt.  Trong ảnh: Người dân tập thể dục trên tuyến kè.
Tuyến kè kết hợp đường giao thông ngoài việc giúp xử lý sạt lở, phục vụ việc đi lại thuận tiện còn giúp người dân địa phương có không gian sinh hoạt. Trong ảnh: Người dân tập thể dục trên tuyến kè kinh Chợ Gạo.

Ông Hoàng Hà Nam, Giám đốc Dự án cho biết, giai đoạn 1 của Dự án được đầu tư kết cấu kè thảm đá, khi đưa vào sử dụng, rác thải bị vướng lại trên bờ kè, cây cối mọc lên, cũng như tàu, thuyền của người dân cặp vào dẫn đến hư hỏng. Từ tình hình này, Bộ GTVT đã chấp thuận cho phép điều chỉnh dự án đầu tư với kết cấu kiên cố hơn.

Ưu điểm của Dự án là kết cấu kè kiên cố, thời gian sử dụng dài hơn và đảm bảo tính thẩm mỹ cũng như việc bảo vệ môi trường. Trong quá trình triển khai, Dự án có nhiều vướng mắc, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của Ban Quản lý các dự án đường thủy, đơn vị tư vấn, giám sát, nhà thầu thi công đã tích cực phối hợp với địa phương để tháo gỡ. Đến nay, Dự án đã hoàn thành đúng theo tiến độ cam kết, với vẻ mỹ quan và sự đồng thuận của người dân rất lớn.

Tận dụng nguồn vốn dư của Dự án, Bộ GTVT đã đầu tư thêm công trình hạng mục kè dài 316,2 m, bảo vệ bờ kết hợp với trụ neo đậu tàu trong trường hợp khẩn cấp tại bờ Bắc (đoạn thuộc thị trấn Chợ Gạo) với giá trị 34,98 tỷ đồng. Hạng mục này được đầu tư để phục vụ chỉnh trang đô thị cho huyện Chợ Gạo. Đồng thời, phục vụ tàu, thuyền neo đậu khẩn cấp trong trường hợp có sự cố xảy ra.

“Dự án triển khai thi công xây dựng đạt yêu cầu về chất lượng theo yêu cầu của thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật và các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành. Đây là tuyến kinh huyết mạch nối Đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh nên bên cạnh kỳ vọng phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền Tây thì phục vụ an sinh xã hội cho người dân địa phương là điều chúng tôi tâm đắc nhất” - ông Hoàng Nam Hà cho biết thêm.

DIỆN MẠO MỚI

Trên thực tế, nhiều năm qua, các hộ dân sống sinh sống dọc theo bờ Nam tuyến kinh Chợ Gạo (thuộc các xã Bình Phan, Bình Phục Nhứt của huyện Chợ Gạo) luôn trong cảnh thấp thỏm bởi tình hình sạt lở diễn ra nghiêm trọng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt và đi lại của người dân. Tuy nhiên, giờ đây, đó chỉ còn là chuyện của quá khứ, bởi kinh Chợ Gạo giờ đã bước sang trang mới.

Kinh Chợ Gạo được nâng cấp, mở rộng giúp việc lưu thông của các phương tiện giao thông thủy thuận lợi hơn.
Kinh Chợ Gạo được nâng cấp, mở rộng giúp việc lưu thông của các phương tiện giao thông thủy thuận lợi hơn.

Trở lại bờ Nam kinh Chợ Gạo vào những ngày đầu năm mới, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi sự đổi thay của tuyến kinh này. Tuyến kè kết hợp đường giao thông được xây dựng khang trang, thẳng tắp tạo nên một diện mạo mới cho bờ kinh. Cùng với đó, người dân cũng bắt đầu xây dựng nhà cửa khang trang khi ước vọng an cư đã trở thành hiện thực. Dưới dòng kinh, ghe tàu qua lại tấp nập thuận lợi, dễ dàng khi tuyến kinh đã được mở rộng, nạo vét những vị trí bị bồi lắng.

Có nhà sinh sống ở cặp kinh Chợ Gạo, nhiều năm nay, gia đình ông Võ Văn Danh (xã Bình Phan) luôn thấp thỏm trước cảnh sạt lở. Sạt lở đã lấn sâu vô phần đất của gia đình ông khoảng 4 - 5 m. Do đó, khi Nhà nước triển khai đầu tư tuyến kè ông cũng như người dân địa phương rất mừng. “Bây giờ, bờ kè và đường giao thông đã hoàn thành rồi nên người dân mừng lắm. Nhà tôi không còn phải lo bị sạt lở nữa” - ông Danh chia sẻ.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.335 tỷ đồng. Dự án thi công nạo vét mở rộng luồng chạy tàu bờ Nam kinh Chợ Gạo, tổng chiều dài khoảng 9,85 km; thi công công trình bảo vệ bờ Nam kinh Chợ Gạo, cầu và đường dân sinh… Sau khi cải tạo, đoạn luồng đạt quy chuẩn luồng đường thủy cấp II, với chiều sâu hơn 3,5 m, rộng hơn 50 m, giúp tàu thuyền lưu thông thuận lợi hơn.

Cùng chung niềm vui với nhiều hộ dân sinh sống dọc theo bờ Nam kinh Chợ Gạo, ông Phạm Thanh Cường (ấp Bình Khương 2, xã Bình Phục Nhứt) cho biết, trước đây, khi chưa được đầu tư bờ kè, việc đi lại của gia đình ông và người dân địa phương rất khó khăn, cuộc sống không ổn định. Nhiều hộ dân phải di dời nhà cửa vì sạt lở liên tục ăn sâu vào nhà cửa, vườn tược.

“Giờ đây, khi được đầu tư bờ kè kết hợp đường giao thông, bà con rất phấn khởi. Bởi việc đi lại rất thuận tiện, sạt lở không còn nên người dân yên ổn làm ăn. Người dân không còn lo triều cường gây ngập vào những tháng cuối năm như trước” - ông Cường cho biết thêm.

Theo ông Phạm Văn Tèo, một người dân ngụ ấp Bình Khương 2, xã Bình Phục Nhứt, việc triển khai Dự án đối với gia đình ông cũng như những hộ dân nơi đây có ý nghĩa rất lớn, bởi người dân đã chờ đợi mười mấy năm rồi, nay mới thành hiện thực nên rất mừng.

“Việc đi lại của người dân giờ đã quá thuận lợi, không còn phải chịu cảnh “nắng bụi, mưa lầy”. Người dân không còn phải mất đất do sạt lở, ổn định đời sống, sản xuất, có điều kiện phát triển kinh tế. Ngoài ra, bờ kè được đầu tư còn tạo cảnh quan sạch đẹp, có nơi để tập thể dục nên người dân ai nấy đều rất phấn khởi” - ông Tèo vui mừng cho biết.

TRỌNG ĐẠT

.
.
.