.

Tiền Giang có 259 sản phẩm đạt chuẩn OCOP

Cập nhật: 15:28, 20/01/2024 (GMT+7)

(ABO) Ngày 20-1, đồng chí Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang chủ trì Hội nghị công bố kết quả đánh giá, phân hạng và trao Bằng chứng nhận sản phẩm OCOP hạng 4 sao năm 2023; Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình OCOP năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024; Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP.
Lãnh đạo UBND tỉnh tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2023, toàn tỉnh đã công nhận mới 85 sản phẩm OCOP (trong đó tỉnh công nhận mới 5 sản phẩm hạng 4 sao, cấp huyện công nhận mới 80 sản phẩm hạng 3 sao), đánh giá công nhận lại 2 sản phẩm 3 sao. Lũy kế đến nay, Tiền Giang có tổng cộng 259 sản phẩm được đánh giá, phân loại OCOP.

Đồng chí Phạm Văn Trọng, Phó Chu tịch UBND tỉnh (giữa) trao bằng chứng nhận OCOP hạng 4 sao cho đại diện hai chủ thể sản xuất.
Đồng chí Phạm Văn Trọng trao Bằng chứng nhận OCOP hạng 4 sao cho đại diện hai chủ thể sản xuất.

Hội nghị đã tổ chức không gian trưng bày các sản phẩm được công nhận OCOP trên địa bàn tỉnh với nhiều hàng hóa đa dạng. Hội nghị cũng đã tổ chức trao Bằng công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 5 sản phẩm của hai chủ thể sản xuất là Công ty TNHH TM SV Trí Sơn và Công ty TNHH Thương mại HK. Các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP và các đơn vị phân phối đã ký kết kết nối tiêu thụ sản phẩm nhân hội nghị lần này.

Đại diện các chủ thể sản xuất OCOP và các đơn vị phân phối ký kết kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Đại diện các chủ thể sản xuất OCOP và các đơn vị phân phối ký kết kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Đồng chí Phạm Văn Trọng phát biểu tại Hội nghị.
Đồng chí Phạm Văn Trọng phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Văn Trọng chúc mừng các chủ thể có sản phẩm đạt 4 sao và được trao Bằng chứng nhận trong hội nghị hôm nay; chúc các chủ thể đã kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Đồng chí cho rằng, việc tổ chức kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP có ý nghĩa rất lớn, không chỉ tạo điều kiện 2 bên mua - bán gặp gỡ, tìm kiếm đơn hàng, mà còn hỗ trợ nhà sản xuất hoàn thiện sản phẩm, hoàn thiện quy trình tiếp nhận, xử lý đơn hàng, xây dựng thương hiệu, duy trì doanh số... Các nhà phân phối xây dựng bộ quy tắc ứng xử chung đối với nhà cung cấp, qua đó bảo vệ nhà cung cấp, kinh doanh chân chính, dần định hướng sản xuất và xây dựng chuỗi cung ứng bền vững.

CAO THẮNG

 

.
.
.